Trước "biển thông tin" trên mạng xã hội đã khiến không ít bạn trẻ sa đà, thậm chí nhiễm thông tin xấu, độc. Nhưng cũng không ít người, đặc biệt là các bạn trẻ khuyết tật tưởng chừng số phận kém may mắn, đã biết tận dụng mặt tốt của mạng xã hội để làm chủ đời mình và lan tỏa tình yêu cuộc sống tốt đẹp, nghị lực vượt qua nghịch cảnh...
Một ngày lang thang trên mạng xã hội, tình cờ chị Nguyễn Thị Diệp (quê ở Thanh Hóa) bắt gặp video "Tuấn tình cảm" trên chiếc xe lăn. Hình ảnh người đàn ông khuyết tật nặng mà vẫn vui tươi, lạc quan, mỗi ngày anh đều cố gắng làm việc, đi ra ngoài gặp gỡ mọi người, đã thu hút trí tò mò của chị.
Bất hạnh tuổi 18!
"Cuộc sống của người bị chấn thương cột sống vô cùng vất vả, gặp nhiều khó khăn, vì sao anh ấy làm được? Anh ấy làm được, mình cũng sẽ làm được", chị Diệp tự nhủ. Và từ mạng xã hội, chị kết nối làm quen được với người đàn ông đã giúp chị thay đổi thái độ sống.
Chỉ cần gõ từ khóa "tích cực" trên xu hướng TikTok, ngay lập tức video của anh Đặng Minh Tuấn (còn gọi là "Tuấn tình cảm", 36 tuổi, quê Quảng Ninh) xuất hiện bên cạnh những gương mặt người khuyết tật đang "hot" trên mạng xã hội. Nhờ chất giọng ấm áp, mỗi video anh đăng tải, chia sẻ câu chuyện đời mình hay truyền kinh nghiệm sống cho người khuyết tật đều thu hút hàng ngàn lượt xem.
Người xem dễ dàng nhận thấy một ngày trên chiếc xe lăn, anh Tuấn đảm nhận rất nhiều công việc khác nhau: vừa làm trợ lý giám đốc, vừa quản lý kênh TikTok, Facebook, YouTube vừa bán hàng trên mạng. Chỉ với chiếc xe lăn, anh có thể đi ra ngoài gặp gỡ, uống cà phê với bạn bè sau một ngày làm việc căng thẳng.
Quay lại quãng thời gian năm 18 tuổi, chẳng ai nghĩ Tuấn có thể ngồi dậy được trên chiếc xe lăn, có thể nói chuyện rõ ràng, rành mạch như ngày hôm nay. Chàng trai năm 18 tuổi có niềm đam mê đặc biệt với âm nhạc, đặc biệt là dòng rap/hip-hop.
Trong trái tim "đầy lửa", anh nuôi dưỡng khát khao vào đời bằng con đường sáng tác âm nhạc. Nhưng biến cố tai nạn giao thông ập đến làm anh bị liệt tứ chi, chỉ nằm một chỗ, gắn ống thở, giấc mơ năm 18 tuổi vỡ tan tành!
"Tuấn ơi, không thể nằm thế này mãi được. Trước kia Tuấn thường ca hát, nhảy hip-hop, tập luyện thường xuyên cơ mà", anh tự động viên bản thân.
Mỗi đêm, bố mẹ mệt mỏi túc trực bên giường bệnh, em gái phải đạp chiếc máy hút đàm giúp anh trai thở, bạn bè đến thăm nom ai cũng thương anh. Anh nghĩ cuộc sống mỗi người một số phận, có người được hạnh phúc, có người sẽ ốm yếu, nếu không thể may mắn, vậy thì mình phải lạc quan và cố gắng lên!
Hai năm nằm liệt giường, anh kiên trì điều trị vết loét ở xương cụt, tập nói, tập vận động tay chân. Và điều kỳ diệu đã đến khi anh ngồi được trên chiếc xe lăn, bước ra với thế giới bên ngoài một lần nữa.
Trở lại với đam mê
Một lần xem tivi chiếu câu chuyện về hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng, anh Tuấn tự hỏi vì sao người ta bị khuyết tật nặng như vậy mà vẫn nghị lực trở thành giám đốc Trung tâm Nghị lực sống. Anh quyết định nhờ bố mẹ mua cho một chiếc máy tính cũ "để tìm kiếm một điều gì đó"!
Anh Tuấn nằm trên giường, bố thiết kế cho anh "chiếc giá đặc biệt" và gắn máy tính vào đó. Vừa nằm, anh Tuấn vừa có thể xem máy tính, đeo tạp dề để di con chuột trước ngực. "Mới đầu gõ khó quá, cả cánh tay bị liệt, tôi phải cố gắng, thậm chí hơn hai giờ đồng hồ tôi mới gõ được hai chữ "tin tức". Dù vô cùng khó khăn nhưng tôi vẫn cứ gắng làm như vậy để quen tay", anh Tuấn giãi bày.
Nhớ lại ngày trước từng là "dancer đầy lửa", anh nảy ra ý tưởng làm phần mềm thu âm nhạc. Anh vẫn chẳng thể nào quên được cảm giác cuộc sống mỉm cười trở lại với bài hát đầu tiên thu âm được, và "ca sĩ bất đắc dĩ" trong bản thu âm chính là cô em gái!
Từ bài thu âm đầu tiên, anh Tuấn dần trở nên tự tin hơn, tin rằng trên giường bệnh, anh vẫn có thể bắt đầu lại với đam mê âm nhạc. Với chiếc máy tính trước mặt, chàng trai khuyết tật kiên cường tự học photoshop, các phần mềm dựng phim, chẳng mấy chốc đôi tay dần thuần thục kỹ thuật dựng phim, video.
"Từ 20.000 đồng/video, rồi 50.000 đồng/video, tôi bắt đầu có thu nhập nhờ làm video cho người thân. Duyên số đến khi mạng xã hội phát triển, tôi bất ngờ nhận được lời mời làm trợ lý cho giám đốc một công ty. Tôi được làm việc, có thu nhập ổn định. Ngày ấy, tháng lương đầu tiên chỉ vỏn vẹn 4 triệu đồng nhưng bố mẹ rất vui sướng, hạnh phúc và chụp ảnh khoe khắp nơi", anh Tuấn xúc động kể.
Từ người khuyết tật, trở thành diễn giả truyền cảm hứng
Trong một lần tham gia chương trình hỗ trợ người khuyết tật online, anh Tuấn được làm diễn giả của sự kiện đó. Anh nhớ đám đông khi ấy đã xúc động và chăm chú lắng nghe chàng trai ngồi trên xe lăn chia sẻ về nỗ lực vượt lên nghịch cảnh cuộc đời.
"Tại sao mình không trở thành một người truyền cảm hứng?", anh Tuấn tự hỏi và quyết định lập một fanpage trên mạng xã hội với mong muốn truyền cảm hứng cho người đồng cảnh ngộ bằng chính câu chuyện đời mình.
Những thước phim về cuộc sống, sinh hoạt, làm việc của một người khuyết tật được ghi lại. Anh Tuấn là nhân vật chính, bố hoặc mẹ sẽ hỗ trợ quay với vai trò là "cameraman", sau đó cũng chính anh là người chỉnh sửa, hoàn tất video và đăng tải trên mạng xã hội.
Nhờ những video về nghị lực sống vươn lên, chiến thắng bệnh tật đăng tải Facebook, TikTok, YouTube... mọi người biết đến "Tuấn tình cảm" nhiều hơn. Họ tìm đến để nghe anh kể chuyện, chia sẻ cách đối diện với bệnh tật, cách để người khuyết tật vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Cũng nhờ mạng xã hội đã giúp anh gặp gỡ nhiều người bạn mới. Rất nhiều người biết đến anh đã nhắn tin, bình luận trên các kênh và gửi lời cảm ơn sau khi đón nhận được thông điệp tích cực, giúp họ lạc quan vui sống.
Không chỉ là diễn giả truyền cảm hứng, vừa qua anh Đặng Minh Tuấn còn lập ra câu lạc bộ trợ giúp người khuyết tật, đó là nơi trao gửi những giá trị tốt đẹp, giúp người kém may mắn học tập và làm việc dễ dàng hơn.
"Tôi sẽ tìm được hạnh phúc. Ở tuổi này rồi, tôi muốn tìm hạnh phúc theo cách riêng mình, bằng những gì mình làm được. Tôi kiếm được nhiều tiền hơn, công việc ổn định hơn và làm được thật nhiều việc có ích hơn nữa", anh Tuấn tâm niệm.
Biến điện thoại thành máy quay
Cho rằng mạng xã hội chính là môi trường thuận lợi tạo điều kiện cho người khuyết tật tìm kiếm cơ hội, anh Tuấn chia sẻ nhờ mạng mà người khuyết tật không phải đi ra ngoài, thậm chí chỉ ở trong phòng thôi cũng gặp gỡ, nói chuyện được với bạn bè khắp nơi, có thể bán được hàng, tìm kiếm công việc.
"Khi xác định mạng xã hội giúp kiếm được tiền, người khuyết tật nên tham gia các diễn đàn, mạng Facebook, Zalo, TikTok... Hãy biến chiếc điện thoại di động của mình thành máy quay, máy ảnh. Hãy dùng câu chuyện của mình, động lực vượt khó khăn của người khuyết tật trở thành câu chuyện có ích cho giới trẻ", anh Tuấn gửi gắm.
--------------------
"Một buổi trưa nọ có mấy con mèo đi qua phòng bệnh, tôi nằm liệt giường mà so sánh bản thân mình với con mèo. Rằng tại sao con mèo còn đi lại được trên chính đôi chân nó, còn mình thì không?".
Kỳ tới: "Lăn" ra ngoài để được nhìn ngắm thế giới
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận