Cuộc sống của hai mẹ con đã thay đổi hoàn toàn, nụ cười đã trở lại trong ngôi nhà nhỏ - Ảnh: QUỐC NAM
Gặp tai nạn nằm liệt giường nhiều năm liền, mẹ già phải cắp nón đi ăn xin, Phạm Văn Thuận - người hùng từng cứu 8 người trong lũ dữ năm 2010 - tưởng chừng chết đuối trong bi kịch đời mình.
Vòng tay bạn đọc
Sau lần bơi lặn trong dòng lũ xiết cùng mọi người cứu thoát 6 giáo viên và 2 em nhỏ khỏi ngôi trường bị ngập năm 2012, cuộc sống của Thuận cứ bình lặng trôi. Năm 2016 trong một lần đi xúc cát bên bờ sông Son để về sửa lại ngôi nhà, chẳng may cát lở vùi lấp ngang lưng khiến nửa thân dưới của Thuận bị liệt, không thể đi lại được.
Mẹ Thuận - bà Ngô Thị Vinh - đã một tay nuôi Thuận từ khi còn trong bụng, làm thuê làm mướn đủ mọi việc để nuôi Thuận trưởng thành. Rồi Thuận gặp nạn nằm liệt giường, bà Vinh không còn cách nào khác, phải gác thể diện qua một bên để cắp nón đi khắp nơi xin từng đồng mới có tiền mua thuốc cho Thuận. Thuận nói mình như kẻ bất lực và chờ chết, nhìn tình cảnh mẹ mà nhói lòng. Tương lai trước mắt Thuận chỉ một màu tối mịt.
Tháng 6-2019, câu chuyện "Người hùng trong trận lũ dữ liệt giường, mẹ già hành khất cứu con" được đăng trên Tuổi Trẻ. Đó là bước ngoặt với cuộc đời Thuận và gia đình nhỏ này ở thôn Khương Hà (xã Hưng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình).
Hàng ngàn bạn đọc Tuổi Trẻ đã dang tay ra với Thuận. Hàng trăm cuộc điện thoại từ khắp nơi, kể cả từ nước ngoài gọi về cho Tuổi Trẻ gửi lời động viên, chia sẻ dành cho chàng trai này.
Ngay chính Thuận cũng bị bất ngờ vì sự quan tâm của mọi người dành cho mình. Thuận nói mình từng rơi nước mắt khi đọc những bình luận của bạn đọc gửi đến mình ở cuối bài trên báo Tuổi Trẻ.
Thuận càng ngỡ ngàng hơn khi hàng chục đoàn từ các Sài Gòn, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng lặn lội đường xa về tận nhà thăm mình. Bốn năm nằm một chỗ trong góc nhà đã khiến Thuận quên mất mình còn tồn tại.
Nên giờ những sự quan tâm này khiến cuộc đời Thuận như được hồi sinh. "Cuộc đời thiệt sự chưa quên tui", Thuận xúc động.
Trong số những bạn đọc thời điểm đó liên lạc với Thuận qua Tuổi Trẻ, nhiều người giới thiệu cho Thuận cách chữa bệnh để đi tìm hi vọng cho đôi chân.
Một người ở Sài Gòn thậm chí còn bỏ tiền thuê xe đưa Thuận vào tận bệnh viện tại Đà Nẵng kiểm tra tình trạng tổn thương để tìm cách chữa trị. Kết quả kiểm tra tuy không khả quan nhưng chàng trai này vẫn vui. Thuận đã biết cười nhiều hơn từ ngày "bước ra ánh sáng".
"Bác sĩ nói tui đã bị tổn thương quá nặng và để quá lâu nên để có thể tự đứng lên bằng đôi chân mình là vô cùng khó. Nhưng tui thấy mình được đứng trong lòng bạn đọc báo Tuổi Trẻ rứa là đã mãn nguyện lắm rồi", Thuận chia sẻ.
Mẹ già không còn phải đi xin
Sau khi câu chuyện của Thuận được đưa lên Tuổi Trẻ, ngoài những lời động viên, chia sẻ, Thuận còn được hàng trăm bạn đọc hỗ trợ tiền để trang trải cuộc sống. Chính quyền tỉnh Quảng Bình cũng hỗ trợ thêm kinh phí sữa chữa lại nhà ở.
Có chiếc xe lăn được bạn đọc tặng, thi thoảng chiều về bà Vinh đẩy Thuận đi quanh xóm chơi cho khuây khỏa - Ảnh: QUỐC NAM
Chúng tôi đến thăm nhà Thuận cuối tháng 8 vừa qua, ngôi nhà đã được sửa sang kiên cố. Cổng nhà và tường rào phía trước đã được xây mới. Một bộ bàn ghế khá đẹp cũng vừa được mua về đặt ở ngay trước gian thờ.
Các vật dụng thiết yếu trong nhà như tủ lạnh, máy giặt, tivi đều đã có. Bà Vinh nói đây đều là mơ ước của cả nhà mấy năm trước. Những đồ dùng này đều từ tấm lòng của mọi người từ khắp nơi gửi về. Có người gửi tiền, có người gửi luôn máy quạt, tivi rồi nhắn để cho Thuận đỡ buồn.
"Người không quen biết nhưng cứ nói sẽ thay tui nuôi Thuận, lo lắng cho Thuận. Xúc động vô cùng", bà Vinh nói.
Mấy năm Thuận nằm liệt giường bà Vinh cũng phải kề cận chăm sóc, kinh tế kiệt quệ nên giờ cuộc sống cả gia đình như được cả cộng đồng xúm tay vào lo giúp.
Tiền bạn đọc gửi về được mấy mẹ con chia thành ba cuốn sổ tiết kiệm. Mỗi tháng số tiền lãi có được cũng tạm đủ cho chi tiêu thuốc thang của Thuận. Bà Vinh đã không còn phải cày thuê cuốc mướn bòn mót từng đồng tiền lẻ để thuốc thang cho Thuận nữa.
Nhưng điều Thuận thấy hạnh phúc nhất sau khi câu chuyện của mình được bạn đọc biết đến là mẹ mình đã không còn phải đi ăn xin mỗi khi đến ngày mua thuốc cho mình nữa.
Phải rất lâu rồi cuộc sống của mẹ con bà Vinh mới được thảnh thơi như thế. Thi thoảng bà vẫn dùng chiếc xe lăn được một bạn đọc cho đẩy Thuận đi chơi quanh xóm làng cho khuây khỏa. Dù tóc vẫn bạc trắng nhưng bóng người mẹ già đã không còn như ngọn đèn liêu xiêu trước gió nữa…
"Chính Tuổi Trẻ đã giúp tôi hồi sinh", Thuận nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận