03/09/2020 08:18 GMT+7

'Càng khó, càng phải chiều lòng bạn đọc'

THẢO LÊ
THẢO LÊ

TTO - Nhân dịp sinh nhật lần thứ 45 của báo Tuổi Trẻ, chúng tôi đã gặp gỡ những bạn đọc lâu năm, những chủ sạp báo gắn bó để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, hiến kế của độc giả với báo Tuổi Trẻ.

Càng khó, càng phải chiều lòng bạn đọc - Ảnh 1.

Bạn đọc mua báo Tuổi Trẻ tại một sạp báo ở Q.Bình Tân - Ảnh: THẢO LÊ

Đánh giá về thông tin trên báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Lâm Nhượng (79 tuổi, bạn đọc gắn bó trên 30 năm) cho rằng so với mặt bằng chung, thông tin trên Tuổi Trẻ hấp dẫn, đa dạng, có nhiều góc nhìn sâu sắc trước những vấn đề xã hội.

Chúng tôi tin và mong Tuổi Trẻ...

Theo ông Nhượng, tin tức trên báo Tuổi Trẻ tương đối chuẩn xác, kỹ lưỡng, tạo được độ tin cậy cao cho bạn đọc.

Cùng quan điểm, ông Lê Văn Chánh (75 tuổi, bạn đọc lâu năm) đánh giá cao tính trung thực thông tin trên tờ Tuổi Trẻ. Ông Chánh cho rằng trong thời kỳ mạng xã hội bùng nổ, nhiều thông tin xấu, độc xuất hiện, báo Tuổi Trẻ chính là cơ sở để bạn đọc kiểm chứng thông tin.

"Một số thành phần trên mạng mượn việc nêu sự thật để xuyên tạc, còn báo chí nêu sự thật là để sửa chữa. Báo chí nói mình nghe, mình nghe là họ đáng tin. Đó là điều Tuổi Trẻ đã làm để chúng tôi tin vào", ông Chánh nói.

Là chủ sạp báo lâu năm tại Q.6 (TP.HCM), ông Trương Hải cho rằng báo Tuổi Trẻ được người mua đánh giá có nội dung đa dạng từ thời sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, thể thao nhưng cần phải đi sâu vào đời sống người dân hơn nữa.

Ông Hải cho rằng báo chí không phải là nơi để các nhà báo thể hiện trình độ, "cái tôi" của mình, mà phải viết về "cái tôi" của xã hội. Tin bài, câu chữ không được hàn lâm, cao siêu, xa rời bạn đọc là những người dân bình dị, đời thường.

"Đừng đưa cái chủ quan của nhà báo vào bài viết. Có những vấn đề dưới con mắt của nhà báo là hay, rồi kéo dài lê thê nhiều số trong khi bạn đọc đã biết, đã hiểu. Họ cần những tin bài phản ánh đời sống thực tế hơn", ông Hải nói.

Theo phản ảnh của người mua báo, ông Hồng Thành (chủ sạp báo tại Q.Bình Tân) cho rằng Tuổi Trẻ cần tăng cường tin bài ở những mục phản ánh đời sống dân sinh vì đây là những thông tin bạn đọc ưa chuộng sau các vấn đề thời sự.

Còn bà Thùy Trang (chủ sạp báo tại Q.3) cho rằng báo Tuổi Trẻ cần chú trọng vào tít bài, bạn đọc mua báo trước tiên sẽ vì tít báo có hấp dẫn hay không. Báo cần quan tâm hơn nữa những vấn đề như dịch bệnh, điện nước, môi trường… vì bạn đọc cần.

Phải đáp ứng được nhu cầu của người đọc

Theo ông Trương Hải, báo giấy thời gian qua gặp khó khăn trước sự phát triển của báo chí đa phương tiện. Để tồn tại, ông Hải cho rằng nội dung báo giấy cần để lại dấu ấn riêng, không nên đi quá song song với báo điện tử.

Còn theo ông Hồng Thành, không phải ngẫu nhiên mà những loạt bài về "Bí mật thế giới ngầm sugar baby - daddy" trên báo Tuổi Trẻ được bạn đọc tìm mua bởi nó ấn tượng, gây được sự tò mò. Người mua cảm thấy thỏa mãn được nhu cầu thông tin khi bỏ tiền mua báo. Không chỉ vậy, ông Thành cho biết bên cạnh việc đưa ra những bài viết có tính tác động, hình thức thể hiện thông tin trên báo giấy cần đa dạng, sáng tạo hơn nữa, thay vì đưa câu chữ dài lê thê thì áp dụng dạng đồ họa, hình ảnh, bạn đọc sẽ dễ hiểu hơn. 

Bà Thùy Trang thì cho rằng trang bìa các tập san cần bắt mắt. Cùng với việc nâng cao chất lượng tin bài, các đơn vị báo chí cần đưa ra những chính sách khuyến khích bạn đọc. "Càng khó thì càng phải chiều lòng bạn đọc", bà Trang chia sẻ.

Thôi thúc tuổi 45

donggop_cuutro_baolu tr8

Các bạn sinh viên Viện công nghệ Việt Nhật (VJIT) thuộc Trường đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đến báo Tuổi Trẻ trao 12.050.000 đồng đóng góp cứu trợ đồng bào miền Trung bị lũ lụt - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Trong dịp kỷ niệm 45 năm thành lập báo Tuổi Trẻ (2-9-1975 - 2-9-2020), chúng tôi đã nhận được rất nhiều hoa chúc mừng, rất nhiều chia sẻ, động viên từ các cơ quan, ban ngành, các doanh nghiệp, các tổ chức và bạn đọc yêu quý khắp mọi miền đất nước.

Thay cho lời cảm ơn, những người làm báo Tuổi Trẻ cam kết phải nỗ lực hơn nữa để làm tốt hơn hành trình với những giá trị mà bao thế hệ những người làm báo Tuổi Trẻ đã vun đắp và giữ gìn: Đỏ - Trẻ - Sài Gòn. Chúng tôi luôn hiểu trên con đường dài đã đi qua và sắp tới đó có sự đồng hành của bạn đọc, sự chi trả của bạn đọc cho một tờ báo đặt mục tiêu phụng sự bạn đọc.

Với sự xác tín đó, nhân dịp 45 năm thành lập, trang "Hiến kế cho Tuổi Trẻ" được mở ra suốt tuần qua đã nhận được rất nhiều lời góp ý, hiến kế chân thành, thẳng thắn với mong mỏi tờ báo do bạn đọc - vì bạn đọc tiếp tục con đường dài phía trước.

Nhân đây Tuổi Trẻ cũng muốn bày tỏ lòng biết ơn với sự ủng hộ, đồng hành, chung tay đóng góp của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và bạn đọc cho những chương trình ý nghĩa và nhân văn mà Tuổi Trẻ đã triển khai thời gian qua, trong đó có hai chương trình thực hiện từ đầu năm 2020 là "Nước cho vùng hạn mặn" và "Cùng Tuổi Trẻ chống dịch Covid-19".

Từ sự tin yêu và chung tay của bạn đọc cùng làm báo Tuổi Trẻ và cùng đặt mục tiêu vì một xã hội tốt đẹp hơn và nhân văn hơn, ở tuổi 45, con đường phía trước đang thôi thúc chúng ta.

TUỔI TRẺ

Cần đổi mới hơn nữa

vo tong xuan

GS Võ Tòng Xuân

Thấm thoắt mà đã 45 năm, báo Tuổi Trẻ đã trải qua bao sóng gió nhưng vẫn vượt lên đi đầu trong nhiều lĩnh vực. Bởi theo tôi, đây là tờ báo của đại chúng, từ người lao động bình thường đến những người có quyền lực trong xã hội chúng ta. Mỗi mẩu tin, bài viết được đăng lên tuy rất nhanh nhưng cũng được phối kiểm bởi mạng lưới phóng viên nhạy bén điều tra, phỏng vấn chuyên gia uy tín.

Như trong vụ Chính phủ tạm dừng xuất khẩu gạo trong tháng 4-2020, Tuổi Trẻ đăng tin rất chính xác về tình hình dư thừa gạo của ĐBSCL. Chính vì thông tin nhanh và chính xác mà Tuổi Trẻ được nhiều người tin tưởng và mua nhiều.

Nhân dịp này, tôi đề nghị ban biên tập báo Tuổi Trẻ nên phát huy thế mạnh được công chúng mê đọc, bước sang năm thứ 46 trở đi có thể chú trọng vào điển hình đổi mới tư duy của những cá nhân thành công trong thanh niên, nông dân, doanh nhân và của những tập thể liên kết chuỗi giá trị sản xuất thành công.

Chuyên mục mới này có thể lấy tên "Thay đổi tư duy, tăng lợi tức" hoặc "Thay đổi tư duy, thoát nghèo". Mỗi bài nghiên cứu tình huống thoát nghèo của một đối tượng cần được thực hiện khoa học theo các tiêu chí nêu trong quyển sách Tại sao các quốc gia thất bại của hai giáo sư Daron Acemoglu và James Robinson mà Tuổi Trẻ từng giới thiệu. Điều đó bắt đầu từ bước cơ bản là giáo dục của bản thân đối tượng đến môi trường xã hội, từ "thể chế khai thác" chuyển sang "thể chế bao gồm" mà đối tượng hoạt động.

Và vì đại đa số người dân Việt Nam là nông dân với lợi tức chưa cao, Tuổi Trẻ nên giới thiệu nhiều tình huống của những nông dân đang thành công nhờ đã thay đổi tư duy. Nếu qua loạt nghiên cứu tình huống nông dân thành công này mà nhiều nông dân làm ăn khấm khá lên thì Tuổi Trẻ có thể hãnh diện đã đóng góp vào công cuộc thực hiện lời Bác Hồ viết từ năm 1946: "Nông dân ta giàu thì nước ta giàu".

Như từng tham gia trong thời gian qua, tôi sẵn sàng cộng tác với báo Tuổi Trẻ trong chuyên mục mới này. Thân chúc mừng ban biên tập và đông đảo phóng viên, nhân viên các ban ngành của báo Tuổi Trẻ in và Tuổi Trẻ Online cùng các ấn phẩm sức khỏe an toàn, tinh thần tráng kiện và ngòi bút sắc bén trên đường ngôn luận.

GS Võ Tòng Xuân

Từ Từ 'không gục ngã', tôi trở thành người góp chữ, bạn đọc hàng ngày của Tuổi Trẻ

TTO - Kể từ phóng sự "Không gục ngã" nói về hành trình tôi vượt khó tự học trở thành một dịch giả, tôi đã thành bạn đọc hằng ngày, thành người góp chữ, gắn bó và chia sẻ nhiều nỗi trăn trở làm báo với Tuổi Trẻ.

THẢO LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên