02/09/2020 11:33 GMT+7

Hành trình tìm lại chính mình của Thiện Nhân và hàng ngàn đứa trẻ không may mắn

Nhà báo TRẦN MAI ANH
Nhà báo TRẦN MAI ANH

TTO - Tôi nể phục báo Tuổi Trẻ bởi là một đồng nghiệp báo chí, tôi hiểu sống đúng nghề, phụng sự được bạn đọc trong thời buổi này thật khó khăn.

Hành trình tìm lại chính mình của Thiện Nhân và hàng ngàn đứa trẻ không may mắn - Ảnh 1.

Thiện Nhân (phải)

Người lớn chúng ta, những người thế hệ 6X, 7X, 8X trở lên đã có trong mình cái tên báo Tuổi Trẻ và một số báo quen thuộc mà mình yêu quý, tin cậy mà còn nhiều lúc lẫn lộn với các tin thất thiệt bởi những nguồn thông tin ngày một đa dạng hơn. 

Các con của chúng ta, những đứa trẻ thế hệ 9X, 2K tiếp nhận luồng thông tin từ online ngay từ khi bắt đầu nhận biết nên khái niệm tin chính thống hay tin fake câu view gần như không có ai dạy cách phân biệt, có hạn chế hay hướng dẫn cũng không thể nào hết được. Là một người mẹ làm báo, tôi cũng không thể giới hạn các con đọc.

Làm bạn với độc giả 2K

Thiện Nhân năm nay sang tuổi 15 và hai anh cháu đọc tất cả mọi nguồn thông tin, thậm chí có lúc trao đổi với mẹ về nội dung của một clip quá tuổi. 

Và tôi hiểu đấy là đối tượng độc giả mới mà báo chí cần tiếp cận tới. mong muốn (hiện giờ) là sẽ trở thành luật sư, Thiện Nhân đọc tất cả các lập luận, các loại thông tin, theo dõi các phiên tòa... rồi nêu lên quan điểm của riêng mình về từng phía. 

Có thể thấy thông tin trung thực và chính kiến tờ báo là điều độc giả như Nhân trông đợi nhận được, và tiếng nói đấy có thuyết phục được người đọc không tùy thuộc bởi người cầm bút và quan điểm của một tòa soạn.

Né tránh tin câu view hay kỳ thị tin fake, tôi nghĩ không phải cách, mà người mẹ như tôi coi đó cũng như một nguồn thông tin thông thường để chia sẻ, bình luận cùng các con. 

Tôi nghĩ báo chí muốn tiếp tục phát triển chỉ có cách làm sao để các nguồn tin thuyết phục hơn, làm bạn với độc giả, có được niềm tin của đối tượng độc giả thế hệ 2K này. Thế hệ độc giả mới mà chúng ta đang nghĩ là quá dễ dãi thực sự lại là đối tượng hết sức khó tính bởi có chính kiến riêng và không dễ dàng thuyết phục.

Hành trình tìm lại chính mình của Thiện Nhân và hàng ngàn đứa trẻ không may mắn - Ảnh 2.

Nhà báo Trần Mai Anh

Báo chí muốn tiếp tục phát triển chỉ có cách làm sao để nguồn tin thuyết phục hơn, làm bạn và có được niềm tin của độc giả thế hệ 2K này.

Cách làm báo của Tuổi Trẻ

Tôi quý trọng Tuổi Trẻ bởi khi được trở thành một trong các nhân vật của phóng sự trên Tuổi Trẻ, tôi đã hiểu cách mà báo đưa tin về một câu chuyện chân thực thế nào, cách các phóng viên Tuổi Trẻ đến với nhân vật trong tác phẩm báo chí của họ ra sao. 

Suốt gần 15 năm, từ cái ngày bức ảnh một đứa bé sơ sinh bị bỏ rơi mất nhiều phần cơ thể được cấp cứu sau 72 giờ được đăng trên Tuổi Trẻ tới hành trình tìm lại chính mình của Thiện Nhân cùng hàng ngàn đứa trẻ không may mắn, tôi luôn có sự đồng hành của các phóng viên Tuổi Trẻ.

Và cả những bạn đọc của Tuổi Trẻ nữa. Tháng 12-2011, báo Tuổi Trẻ chạy một loạt phóng sự 10 kỳ về hành trình của Thiện Nhân và các bạn. Sau loạt phóng sự ấy, rất nhiều bạn đọc biết đến chương trình, viết thư đến báo Tuổi Trẻ thăm hỏi. 

Sau đó, tờ báo vốn nổi tiếng vì những vấn đề chính trị xã hội gai góc đã tổ chức một đêm nhạc gây quỹ, những ca sĩ nổi tiếng nhất khi đó đã góp mặt. Đêm nhạc quyên được 800 triệu đồng và đến tận hôm nay chúng tôi vẫn nhận được những đóng góp từ bạn đọc báo Tuổi Trẻ.

Những việc chính mình được trải nghiệm ấy cho tôi - một người làm báo - một cái nhìn khác về việc thể hiện trách nhiệm xã hội của báo chí. Các bạn đã đến với nhân vật và không bỏ qua số phận đời của họ sau bài báo. 

Đó là 15 năm chương trình "Ước mơ của Thúy" do báo Tuổi Trẻ thành lập từ năm 2007 để giúp đỡ các bệnh nhi ung thư, hay tới gần 20 năm chương trình học bổng "Tiếp sức tới trường" cho các tân sinh viên, 32 năm "Vì ngày mai phát triển"... 

Cách sống này, cách cầm bút này không chỉ dừng lại ở việc truyền tải thông tin về một cuộc đời, mà đã tham gia vào cuộc đời ấy, làm cho cuộc đời, hành trình ấy trở nên tốt đẹp hơn.

Hành trình Thiện Nhân của chúng tôi đi xa được tới 14 năm, chuẩn bị sang năm thứ 15 là nhờ rất nhiều bài báo của bao nhiêu đồng nghiệp. 

Nhà báo không nhất thiết chỉ làm việc phản ánh câu chuyện, nêu lên chính kiến, mà có thể tham gia vào những câu chuyện ấy, khiến nó trở nên đẹp hơn và đó là một khía cạnh tôi nghĩ rất đáng trân trọng của nghề.

Tiếp tục làm báo như vậy, tôi nghĩ Tuổi Trẻ sẽ không bị những độc giả trẻ như các con tôi sau này từ chối.

Tuổi Trẻ giúp lan tỏa động lực sống tích cực Tuổi Trẻ giúp lan tỏa động lực sống tích cực

TTO - Đó là điều PGS.TS Chu Cẩm Thơ - người nhận học bổng "Học trò giỏi hiếu thảo" của báo Tuổi Trẻ hơn 20 năm trước - ấn tượng nhất khi nói về buổi giao lưu học sinh, sinh viên tiêu biểu do báo Tuổi Trẻ tổ chức năm 2000.

Nhà báo TRẦN MAI ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Tuổi Trẻ 45 năm