21/07/2019 16:27 GMT+7

Người Hong Kong xuống đường đen đặc, đòi cải cách dân chủ

Ý NGUYÊN
Ý NGUYÊN

TTO - Dù cảnh sát đã phong tỏa trung tâm thành phố, hàng chục ngàn người Hong Kong vẫn xuống đường biểu tình trong ngày hôm nay 21-7 đòi cải cách dân chủ.

Người Hong Kong xuống đường đen đặc, đòi cải cách dân chủ - Ảnh 1.

Cuộc biểu tình được ước tính lên đến hàng chục ngàn người - Ảnh: REUTERS

Đây là cuộc biểu tình đã được kêu gọi từ trước và diễn ra chỉ một ngày sau cuộc tuần hành của những người xuống đường ủng hộ cảnh sát vì lực lượng này bị cáo buộc sử dụng vũ lực quá tay với những người biểu tình.

Cuộc tuần hành ngày 20-7 thu hút hàng chục ngàn người kêu gọi chấm dứt bạo lực và bạo loạn.

Vì lẽ đó, cuộc biểu tình ngày hôm nay bị "áp lực" phải mạnh hơn cuộc tuần hành trước đó. Theo Hãng tin Reuters, hàng chục ngàn người xuống đường giữa nắng nóng lên đến 31 độ C từ Victoria Park, Causeway Bay đến Wan Chai, cách nhau một trạm tàu ​​điện ngầm.

Các nhà tổ chức cuộc biểu tình cho biết họ không được phép kết thúc cuộc biểu tình ở quận trung tâm Central, gần nơi cảnh sát từng bắn đạn cao su và hơi cay để giải tán người biểu tình trong cuộc xuống đường hồi tháng 6-2019.

Trong cuộc biểu tình hôm nay 21-7, người biểu tình mang theo các biểu ngữ đòi cải cách dân chủ và cầm theo dù màu.

Các yêu sách của đoàn biểu tình cũng đa dạng hơn, gồm cả yêu cầu tiến hành bầu phổ thông đầu phiếu, đòi thành lập ủy ban độc lập điều tra những cáo buộc sử dụng vũ lực quá mức của cảnh sát…

Người Hong Kong xuống đường đen đặc, đòi cải cách dân chủ - Ảnh 2.

Người biểu tình mang theo các biểu ngữ đòi cải cách dân chủ - Ảnh: REUTERS

Theo Reuters, có những người Hong Kong từ nước ngoài trở về đặc khu chỉ vì biểu tình.

"Tôi quay về Hong Kong mùa hè này chỉ để đi biểu tình", anh Mandy Ko, 27 tuổi, hiện sống ở Úc, nói với Reuters và khẳng định chắc nịch: "Tâm trí của tôi vẫn luôn ở cạnh người dân Hong Kong".

Tình hình ở Hong Kong vẫn rất căng thẳng sau một loạt các cuộc đối đầu giữa các nhà hoạt động và cảnh sát trong các cuộc biểu tình diễn ra liên tiếp.

Báo South China Morning Post cho biết vào cuối ngày 19-7 cảnh sát đã thu giữ một lô chất nổ tự chế và vũ khí trong một tòa nhà ở quận Tsuen Wan. Ba người đã bị bắt liên quan đến vụ này.

Chưa rõ liệu những chất nổ bị phát hiện này có liên quan đến cuộc biểu tình hôm nay hay không.

Theo Hãng tin Reuters, trụ sở chính phủ và đồn cảnh sát vốn là mục tiêu của người biểu tình trong các cuộc biểu tình trước, hiện đã bị rào chắn bằng các thùng nước và trụ sở Ngân hàng HSBC cũng được bảo vệ bằng các trụ sắt.

Thông tin cho biết 5.000 cảnh sát Hong Kong được điều động ứng phó với cuộc biểu tình ​​bắt đầu lúc đầu giờ chiều.

Người Hong Kong xuống đường đen đặc, đòi cải cách dân chủ - Ảnh 3.

Cảnh sát Hong Kong "khóa" đường vào quận trung tâm - Ảnh: REUTERS

Trưởng đặc khu Hong Kong, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carri Lam), đã xin lỗi vì sự hỗn loạn mà dự luật dẫn độ đã gây ra và tuyên bố nó "đã chết". Tuy nhiên, những người biểu tình đòi phải rút dự luật hoàn toàn và đòi bà Lam từ chức và nay là đòi cải cách dân chủ.

Ngày 1-7-1997, Chính phủ Anh đã trao trả Hong Kong cho Trung Quốc. Sau đó, Chính phủ Trung Quốc đã thành lập Đặc khu hành chính Hong Kong, thực thi quản lý khu vực này theo mô hình "một quốc gia, hai chế độ" dựa trên Luật cơ bản. Theo đó, chính quyền trung ương Trung Quốc quản lý, điều hành lĩnh vực ngoại giao và quân sự, các lĩnh vực còn lại do Hong Kong tự đảm nhận.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 22 năm ngày Hong Kong được trao trả về Trung Quốc hôm 1-7, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố rằng để thực hiện thành công mô hình "một quốc gia, hai chế độ" và tận dụng các lợi thế khác nhau của Hong Kong để phát triển kinh tế, chính quyền đặc khu và người dân cần phải cùng nhau lập kế hoạch và phối hợp thực hiện.

Bà khẳng định với sự hỗ trợ của chính quyền trung ương Trung Quốc và việc mở cửa ra thế giới, Hong Kong đã tiếp tục tận dụng được những lợi thế độc nhất của mình dưới mô hình "một quốc gia, hai chế độ".

Bà nhấn mạnh, sau khi Anh trao trả Hong Kong về Trung Quốc, Hong Kong vẫn được quốc tế công nhận là một trong những nền kinh tế tự do nhất thế giới, với các quyền cơ bản và quyền tự do của người dân vùng này hoàn toàn được bảo vệ bởi Luật cơ bản. 

Người Hong Kong xuống đường đen đặc, đòi cải cách dân chủ - Ảnh 4.

Cuộc biểu tình được ước tính lên đến hàng chục ngàn người. Họ mang theo dù nhiều màu - Ảnh: REUTERS

Người Hong Kong xuống đường đen đặc, đòi cải cách dân chủ - Ảnh 5.

Cuộc biểu tình được ước tính lên đến hàng chục ngàn người, chen chật kín những con phố lớn - Ảnh: REUTERS

Người Hong Kong xuống đường đen đặc, đòi cải cách dân chủ - Ảnh 6.

Cuộc biểu tình được ước tính lên đến hàng chục ngàn người, diễn ra một ngày sau cuộc tuần hành cũng quy tụ hàng chục ngàn người ủng hộ lực lượng cảnh sát và kêu gọi chấm dứt bạo loạn - Ảnh: REUTERS

Người Hong Kong biểu tình phản đối thương nhân Trung Quốc Người Hong Kong biểu tình phản đối thương nhân Trung Quốc Khủng hoảng kéo dài, các triệu phú Hong Kong chuyển bớt tiền ra nước ngoài Khủng hoảng kéo dài, các triệu phú Hong Kong chuyển bớt tiền ra nước ngoài Hong Kong: đến lượt Hong Kong: đến lượt 'nhóm đầu bạc' xuống đường tuần hành vì giới trẻ
Ý NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0