08/03/2014 10:45 GMT+7

Ngôi nhà cho con

TRẦM HƯƠNG
TRẦM HƯƠNG

TT - Làm nhân viên bảo tàng, viết văn, làm thơ; thu nhập ba cọc ba đồng, nhuận bút èo uột; cô nhà văn nghèo như tôi có lúc không ngăn được nước mắt vì tủi thân. Tôi thèm khát có được một ngôi nhà để ngày lễ tết được kiêu hãnh, tự hào tự tay treo lá cờ Tổ quốc.

m0nhlHwg.jpgPhóng to

Thời trẻ, hồn nhiên, lãng mạn, tôi tự an ủi rằng mình không có nhà nhưng có Tổ quốc. Có Tổ quốc là có tất cả. Tôi trở về nhà trọ, leo lên mấy trăm bậc cầu thang với những thanh tay vịn bằng sắt hoen gỉ, lung lay; bước vào căn phòng vừng tôn nóng hầm hập, không quạt, không nước. Nhưng chính nơi đây, tôi nuôi chí lớn viết những quyển sách hàng ngàn trang. Căn nhà trọ tồi tàn ở lầu 3 trên đường Lê Văn Sỹ (TP.HCM) là nơi in dấu những ngày tôi cặm cụi viết Người đẹp Tây đô, những truyện ngắn, bài báo, kịch bản phim tâm huyết, máu lửa.

“Có nơi nào ấm áp hơn”

Tôi làm việc cật lực, chắt chiu để có được một căn nhà của riêng mình. Là phụ nữ, tôi thấu hiểu muốn có một tổ ấm không thể không có một ngôi nhà. Và ngôi nhà ấy, không ai khác hơn, cho mình, chính mình phải xây nên. Như con ong hút mật mỗi ngày, đêm này qua đêm khác, tôi ngồi gõ lên những phím chữ. Thời mới mở cửa còn ngổn ngang, nghèo khó ấy vậy mà dễ sống. Nhuận bút một truyện ngắn mua được một chỉ vàng. Tôi thật biết ơn nhà văn Minh Khoa, thời ông làm tổng biên tập báo Sân Khấu vì ông đã hoài nghi không tin tôi có thể viết nổi một truyện ngắn mà theo ông, nó quá già dặn so với số tuổi của tôi. Kiến tha lâu đầy tổ, tôi gom góp tiền nhuận bút, mượn thêm cơ quan, bạn bè để mua một căn hộ trên tầng 5 một chung cư.

"Không có tình thương, mọi ngôi nhà đều rã rời, lạnh lẽo. Và khi kết thúc tất cả đều có một mái nhà chung. Chẳng ai mang được những tòa nhà lộng lẫy cao sang về cõi hư vô. Ngôi nhà mẹ cho con là sự đồng cảm với những con người trên trần gian này không có nhà để ở!"

Thời đó, căn hộ 36m2 đối với người không nhà như tôi đã là thiên đường. Nơi ấy, các con tôi lần lượt chào đời. Bé nhỏ và giản đơn, nhưng đó là một tổ ấm. Từ không gian bé nhỏ, giản đơn này, tôi nhìn ra, thấu hiểu và đồng cảm biết bao người không nhà để nói với các con: “Thế gian này thống khổ biết bao nhiêu. Nỗi đau nhân sinh đi suốt cùng đời mẹ. Mẹ nuốt lại đắng cay cho con mật ngọt. Mẹ đi qua địa ngục cho con thiên đường. Con hãy gối đầu lên gấu bông mà ngủ. Có nơi nào ấm áp và hạnh phúc hơn. Ấy chính là ngôi nhà của mẹ”...

Thắp sáng ngôi nhà bằng lửa những quyển sách

Từ căn hộ chung cư, dành dụm nhiều năm trời, tôi mua được căn nhà khá rộng trong con hẻm nhỏ. Ngày mới dọn về, tôi như mê như say. Tôi không thể tin mình có được căn nhà khang trang dù đi lại hơi xa. Tôi tự an ủi: “Làm nghề viết lách như mình, có được một không gian yên tĩnh, trong lành thật lý tưởng”. Tôi dành riêng một phòng, đóng tủ sách cao tới trần, làm thư viện. Tôi chắt chiu có được mấy ngàn quyển sách. Và căn phòng này được xem là nơi cất giấu kho tàng của tâm linh.

Những đứa trẻ đã đọc sách, vẽ tranh, mơ ước, sáng tạo từ không gian bé nhỏ này. Và rồi máy tính bàn thay thế máy chữ, tôi viết nhiều hơn, thực hiện những công trình lịch sử, viết những quyển sách mà khi là một cô gái không nhà, tôi thật không dám nghĩ mình làm được. Ông bà mình nói “an cư lạc nghiệp” quả là một chân lý. Không có nhà, thật khó có được một tổ ấm đích thực! Tôi cảm ơn những quyển sách mà có được nó, tôi đã bớt đi nhiều thứ chi dùng cho sinh hoạt gia đình từ đồng lương nhỏ nhoi. Tôi cảm ơn những người bạn đã tặng tôi những quyển sách mà có vàng ròng cũng không mua được, vì trong quyển sách đó chứa đựng tình cảm, tâm hồn, khát vọng, tâm huyết của những người thầy, người bạn của tôi. Tôi cảm ơn những quyển sách vì tổ ấm của mình có được là nhờ vào những gì chứa đựng trong sách.

Khi con gái tôi khoe truyện ngắn của nó viết năm lên 10, chính trong căn phòng cất giấu tâm linh này, tôi đã không ngăn được nước mắt vì hạnh phúc. Tôi cảm ơn ngôi nhà, nơi thấm đẫm tình mẫu tử, nơi lửa những quyển sách đã được thắp lên để nuôi lớn các con tôi!

Xây nhà, xây tổ ấm

Thông thường, “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Nhưng thực tế, nhiều phụ nữ được số phận đẩy và trao cho năng lực xây nhà, xây cả tổ ấm. Tôi không buồn tủi vì điều đó. Được tự tay xây nhà, hạnh phúc biết bao.

Vào cấp ba, trường học của các con tôi dời về nội thành. Việc chạy đua với giờ học, khói, bụi, đường dài trở thành một bài toán vận trù hóc búa. Con gái tôi 16 tuổi đã dám tự lái xe Honda 50 phân khối đi học bởi nhà neo người. Sau khi con gái ngủ gục, té xe trên đường, tôi quyết định chuyển nhà từ Gò Vấp vào một con hẻm nội thành. Diện tích ngôi nhà nhỏ hơn ba lần nhưng giá đắt hơn nhiều lần. Bán nhà cũ, dốc tất cả, vay mượn, tôi xây nhà. Ngày chuyển nhà, tôi bỏ lại nhiều thứ vì ngôi nhà mới nhỏ gọn. Tôi bùi ngùi từ biệt nhà cũ, gói ghém những quyển sách, mang tất cả về nhà mới. Nhưng nhà mới không đủ diện tích để có được một phòng riêng dành cho thư viện gia đình, trong khi tôi lại không muốn bỏ đi một quyển sách nào. “Ngôi nhà mới cho những quyển sách cũ!”. Tôi nghĩ ra cách lắp đặt những tủ, kệ treo tường, chia nhỏ sách ra các phòng. Bằng cách này, tôi sẽ lên tầng trên hoặc dưới, vào các phòng những đứa trẻ để tìm sách, vừa vận động, vừa quan sát lũ trẻ, tiện nhiều đường.

Có nhà mới rồi, mỗi lần đi qua những ngôi nhà cũ, dù đã bán cho người ta rồi, mà lòng tôi cứ rưng rưng. Tôi chợt nhớ đến ngôi nhà đổ nát vì chiến tranh trong tuổi thơ, chái bếp đen đặc bồ hóng ngày mẹ nấu cơm cúng ông bà mừng tôi vào đại học. Tôi muốn nói với các con về những viên gạch xây đắp cuộc sống đã được kết nối bằng mồ hôi, nước mắt của giá trị lao động, của hi sinh, giằng xé, khổ đau. Từ tổ ấm ngôi nhà, các con sẽ biết sống trách nhiệm, nghĩa tình, đồng cảm hơn với những số phận con người: “Con sẽ biết yêu Tổ quốc từ chính ngôi nhà của mẹ. Nơi cất giấu kho tàng của tâm linh. Nơi con được sưởi ấm bằng tình mẫu tử”.

TRẦM HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên