Anh phi công người Anh (43 tuổi) bất ngờ trở thành nhân vật được người dân Việt Nam quan tâm, theo dõi suốt hơn một tháng rưỡi nay, khi bệnh nhân này vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM điều trị do nhiễm COVID-19 và bệnh chuyển biến rất nặng.
Từ một người xa lạ mới đến Việt Nam một thời gian ngắn, có thể nói là chưa có nhiều duyên nợ với đất nước này, giờ thì anh ấy xuất hiện trên tất cả các mặt báo.
Và đến hôm qua 16-5, đã có 70 người tình nguyện đăng ký hiến tặng một phần phổi cho bệnh nhân.
Khi có một người gặp khó khăn cần giúp đỡ, bạn sẽ làm gì? Có người sẽ góp sức. Từ xa xưa, người ta đã đổi công giúp sức cho nhau khi nhà có việc như cày cấy, làm nhà, cưới xin, ma chay..., đây là một truyền thống tốt đẹp của người Việt.
Gần đây khi có người đau ốm, có người nghèo khó cần giúp đỡ, người ta lại sẵn sàng tặng tiền, quà để chia sẻ với người gặp khó. Nhưng hiến tặng một phần cơ thể và tới 70 người sẵn sàng làm việc này, sẵn sàng trải qua một cuộc đại phẫu đau đớn thì đó quả là một nghĩa cử đặc biệt, một sự tình nguyện rất đặc biệt.
"Có thể với nhiều người thì chuyện đó kỳ lạ, chuyện không tưởng, nhưng nếu không tiếp xúc với các câu chuyện ở đây thì có thể nghĩ những sự hiến tặng này là việc không tưởng. Nhưng đây là những câu chuyện có thật" - ông Nguyễn Hoàng Phúc, phó giám đốc Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia, chia sẻ.
Ở Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia, mỗi ngày trôi qua đều có một câu chuyện đặc biệt. Từng có hai mẹ con ở Bắc Ninh tặng cho người xa lạ 2 quả thận; từng có người mẹ tặng 7 mô, tạng của cậu con trai 19 tuổi vừa qua đời cho những người bệnh đang chờ ghép.
Và mới hôm 13-5, các cán bộ của trung tâm vừa vận chuyển một trái tim từ Hà Nội vào TP.HCM. Trái tim ấy đã sống lại trong một lồng ngực mới, đã đập những nhịp đầu tiên mới. Trong khi ở đầu này của đất nước, gia đình của người hiến tặng trái tim vừa phải chia tay người thân vĩnh viễn. Sau tiếng khóc, họ lại đem tặng người xa lạ những nụ cười.
"Từng có một phụ nữ người Anh đến Việt Nam và không may qua đời, gia đình bà ấy sẵn sàng hiến tặng tạng. Khi nhìn 3 người thân của bà òa khóc ở giây phút chia tay, tôi rất xúc động, cứ nghĩ rằng vì sao một người không có nhiều nhân duyên với Việt Nam lại có một nghĩa cử như vậy. Nhưng lần này xâu chuỗi lại thì thấy rằng mọi thứ đều có nhân duyên. Sống tử tế, nhân ái không bao giờ thừa" - ông Phúc nói với Tuổi Trẻ.
Nếu may mắn câu chuyện này kết thúc có hậu, anh phi công sẽ bình an quay lại được với khoang lái máy bay và bầu trời, những ngày này sẽ là những ngày đáng nhớ trong cuộc đời anh ấy. Ở một đất nước xa lạ, những con người xa lạ đang chăm lo cho anh, đang tìm gạn những tia hi vọng mong manh nhất để giúp anh quay về với cuộc sống.
Vài năm trước, khi gặp mẹ con chị phụ nữ ở Bắc Ninh, nhiều người cứ nghĩ mãi về lý do chị sẵn sàng dành tặng một phần cơ thể mình. Trên môi mẹ con chị luôn là những nụ cười. Chị đã dành tặng một phần cơ thể mình và hoàn toàn mãn nguyện vì điều đó.
Bây giờ người ta đã hiểu rằng cho đi sẽ được nhận lại, và vì thế sống tử tế không bao giờ thừa. Điều đó làm cho trái tim con người dịu lại, nhiều người cũng muốn làm điều gì đó tốt đẹp cho những người bên cạnh, cho người xung quanh và cho đất nước này...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận