Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - nơi điều trị bệnh nhân 91 và bệnh nhân 278 - Ảnh: XUÂN MAI
Ngoài ra, tại TP.HCM cũng có khoảng 20 người muốn hiến tặng phổi cho bệnh nhân này.
"Có người nói tôi 35 tuổi, không hút thuốc, có người 40 tuổi gửi kèm thông tin về chiều cao, nhóm máu... Tất cả đều tình nguyện, không vụ lợi" - ông Phúc nói.
Sẵn sàng hiến tạng để cứu sống người bệnh
Sáng 14-5, ông N.T.B., 50 tuổi, ngụ ở Q.9, TP.HCM, đã liên lạc với báo Tuổi Trẻ với mong muốn được hiến tặng phổi cho bệnh nhân 91 - phi công người Anh (43 tuổi). Ông B. nói ông đọc báo Tuổi Trẻ thấy bệnh nhân đáng thương quá. Bệnh nhân mồ côi cha mẹ, không có gia đình lại mắc bệnh COVID-19 ở một nước khác và giờ chỉ có ghép phổi mới hi vọng được cứu sống. Ông đã bàn với bà xã và đã được bà xã ủng hộ để ông tình nguyện đi hiến phổi, cứu người.
Tiến sĩ Dư Thị Ngọc Thu, đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM), cho biết những ngày gần đây có khoảng 20 người gọi điện hoặc trực tiếp đến đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người với mong muốn được hiến phổi cho bệnh nhân 91 - phi công người Anh đang trong tình trạng nguy kịch, đang nằm điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.
Dù không quen biết, chưa từng gặp mặt bệnh nhân này nhưng chỉ cần đọc thông tin trên báo rằng bệnh nhân người Anh này chỉ ghép phổi mới có hi vọng sống, rất nhiều người thấy thương cảm, sẵn sàng tình nguyện hiến phổi ngay cả khi bản thân người hiến đang khỏe mạnh.
Tuy nhiên, bác sĩ Thu cho biết cần nguyên cả phổi của người hiến mới ghép được cho bệnh nhân nên chỉ có thể nhận phổi hiến từ người cho đã bị chết não. Bác sĩ Thu chia sẻ bà rất vui khi thấy một bệnh nhân cần tạng để ghép thì đã có nhiều người sẵn sàng hiến tạng để cứu sống người bệnh.
Chiều 14-5, TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, cho biết bệnh nhân 91 sức khỏe tạm ổn so với ngày hôm trước. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân không sốt, mạch và huyết áp ổn định, đang tiếp tục thở máy, mở khí quản, lọc máu, bơm rửa màng phổi, tiên lượng xấu.
Tử tế bao nhiêu vẫn không thừa
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Phúc cho biết tính từ cuộc hội chẩn đầu tiên hôm 10-5, đến nay đã có 30 người đề nghị hiến phổi cho bệnh nhân phi công người Anh.
"Hơn một năm trước có một phụ nữ người Anh đến Việt Nam lần đầu, không may qua đời. Bà ấy đã đăng ký hiến tạng tại Anh từ trước. Khi đến bệnh viện Việt Nam, người thân của bà cũng thông báo bà đã tình nguyện hiến tặng mô tạng sau khi qua đời và cho biết sẵn hiến tặng tạng tại Việt Nam.
Khi đưa người thân của bệnh nhân ra bên ngoài thì ba người chúng tôi òa lên khóc, giây phút đó tất cả đều xúc động tận tâm can. Nghĩa cử của họ thật cao đẹp. Đó là một kỷ niệm xúc động trong cuộc đời tôi, xâu chuỗi lại mọi thứ đều có nhân duyên, tử tế bao nhiêu cũng không thừa" - ông Phúc nói.
Hiện các bác sĩ Việt Nam vẫn ưu tiên số 1 là tìm tạng hiến tặng từ người hiến đã chết não. Theo ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, sau 2 lần hội chẩn ba miền Bắc, Trung, Nam, hội đồng chuyên môn thống nhất có chỉ định ghép phổi cho bệnh nhân.
Hiện bệnh nhân đã có 5 lần xét nghiệm âm tính với virus corona chủng mới, nhưng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM sẽ làm thêm 1 xét nghiệm và chuyển Viện Pasteur TP.HCM xét nghiệm để đối chứng, nuôi cấy xem virus đã bất hoạt hay chưa, nếu âm tính sẽ chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị nhiễm trùng, hồi sức cho bệnh nhân.
"Qua chụp chiếu chẩn đoán xác định trên 90% phổi của bệnh nhân là không còn hoạt động, tuy nhiên bệnh nhân vẫn đang bị nhiễm trùng, tình trạng hiện tại của bệnh nhân chưa thể ghép phổi. Tuy nhiên đây là giai đoạn chuẩn bị để đủ các điều kiện ghép phổi cho bệnh nhân" - ông Khuê nói.
Việt Nam thêm 8 ca khỏi COVID-19
Chiều 14-5, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đã công bố khỏi bệnh cho thêm 8 bệnh nhân, bao gồm bệnh nhân 50 C.A.S. - một trong những bệnh nhân nặng phải thở máy xâm nhập, sau khỏi bệnh lần 1 đã tái dương tính, đây là lần công bố khỏi bệnh thứ 2 của bệnh nhân 50. Bảy bệnh nhân cùng bình phục dịp này là bệnh nhân 134, 141, 185, 193, 196, 244, 263. Cả tám người đều đang trong tình trạng ổn định, đã có hai xét nghiệm âm tính liên tiếp. Hiện cả nước đã có 260 người bệnh COVID-19 bình phục, chỉ còn 28 bệnh nhân đang tiếp tục điều trị.
Tìm nguồn tài trợ cho ca ghép đặc biệt
Bộ Y tế giao Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận điều trị bệnh nhân phi công người Anh, hồi sức và phối hợp với Bệnh viện Việt Đức chuẩn bị ghép phổi cho bệnh nhân khi đủ điều kiện. Cục Quản lý khám chữa bệnh nghiên cứu xem xét các quy định pháp lý, xác định chi phí điều trị, tìm kiếm nguồn tài trợ cho ca ghép đặc biệt này.
Theo thông tin từ Bệnh viện Việt Đức - nơi đã thực hiện 3 ca ghép phổi từ người hiến phổi đã chết não, chi phí cho 1 ca ghép phổi tùy tình trạng của bệnh nhân nhận phổi và tùy thời gian điều trị hồi sức sau ghép, thường lên tới 1,5-2 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận