05/07/2018 09:52 GMT+7

Nghĩ đến dân, đừng sợ bản hợp đồng

NGUYỄN MINH HÒA
NGUYỄN MINH HÒA

TTO - Không thể chấp nhận lời giải thích từ những người có trách nhiệm rằng, đã lỡ ký hợp đồng với VWS, chấp nhận công nghệ chôn lấp nên không thể thay đổi.

Nghĩ đến dân, đừng sợ bản hợp đồng - Ảnh 1.

TP.HCM đã có bước đi dài trong phát triển đô thị, nhưng lĩnh vực thu gom và xử lý rác lại quá lạc hậu. Năm 2005, TP.HCM dành nhiều ưu đãi về giá, ứng trước vốn, giao 130ha đất cho Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS).

Sau hơn 10 năm, lời hứa "công nghệ xử lý rác theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ" đã tan biến, còn mùi hôi phát tán khắp nơi.

Mùi hôi hành hạ người dân đô thị bước qua năm thứ ba. Người dân không chấp nhận chuyện đã rồi, từ từ giải quyết, phải sống chung với mùi hôi. 

Yêu cầu cấp bách là phải chấm dứt mùi hôi, trả lại sự trong lành của đô thị. Song song đó là những giải pháp mang tính lâu dài nhằm giải quyết triệt để vấn đề rác ở TP.HCM.

Do vậy, không thể chấp nhận lời giải thích từ những người có trách nhiệm rằng, đã lỡ ký hợp đồng với VWS, chấp nhận công nghệ chôn lấp nên không thể thay đổi. 

Rằng phải chờ đến khi chấm dứt hợp đồng và trông chờ vào thiện chí của nhà đầu tư. Hãy nghĩ đến dân đang chịu mùi hôi. Đừng chỉ nghĩ đến bản hợp đồng đã lỡ ký.

Có thể cách nay 10 năm, nhận thức của người chịu trách nhiệm bàn thảo hợp đồng chưa tới, không đủ thông tin, nay vấn đề phát sinh nên thương thảo lại hợp đồng, thậm chí hủy bỏ là bình thường.

Trong bất cứ hợp đồng dân sự nào, phần phụ lục cũng có điều khoản trường hợp có những phát sinh, hai bên thương thảo lại để tìm ra tiếng nói chung. Nên nhớ đây không phải hợp đồng "mua đứt bán đoạn" một sản phẩm mà là hợp đồng hợp tác phát triển. 

Mục đích cao nhất của hợp tác phát triển là mang lại lợi ích cho các bên. Lợi ích ở đây chính là toàn thể nhân dân. 

Không lý gì, chỉ vì một thương thảo sai mà bắt nhân dân phải chịu. Đàm phán lại, không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là đạo lý.

Vậy phải đàm phán lại thế nào? Phải theo nguyên tắc giảm dần chôn lấp có hạn định, chẳng hạn đến năm 2020 chấm dứt hẳn. Buộc đơn vị này chuyển sang công nghệ khác tốt nhất đang có trên thế giới. 

Nếu VWS không đáp ứng, phải kiên quyết chấm dứt, tìm nhà đầu tư khác. Không nên kéo dài tình trạng luẩn quẩn như gà mắc tóc hơn 10 năm nay với một chủ đầu tư không chịu đổi mới.

Tính ra tiền ứng trước và tiền trả cho việc thu gom, chôn lấp rác hơn 10 năm qua trên địa bàn TP.HCM cũng đủ mua được vài nhà máy sử dụng công nghệ đốt rác phát điện, đang phổ biến ở cả các nước không thuộc hạng giàu có.

Thật ngại ngùng khi TP.HCM là 1 trong 5 thành phố lớn, đông dân ở Đông Nam Á, có thu nhập đầu người cao nhất cả nước mà hằng ngày vẫn cặm cụi đào đất chôn rác, còn người dân phải bịt khẩu trang khi sống trong chính căn nhà của mình.

'Lỡ' ký hợp đồng nên dân Nam Sài Gòn phải chịu mùi hôi!

TTO - Tại cuộc họp tình hình kinh tế - xã hội ngày 3-7, lãnh đạo Sở Tài nguyên - môi trường, UBND TP.HCM nhìn nhận mùi hôi mà dân khu Nam Sài Gòn phải chịu đựng là do yếu tố “lịch sử” từ việc chọn công nghệ chôn lấp tại khu xử lý rác Đa Phước.

NGUYỄN MINH HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên