Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online sáng 1-3, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - trưởng khoa bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) - cho biết đơn vị vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam (60 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) trong tình trạng năm đầu ngón tay bên bị liệt bị người thân dùng lưỡi lam cắt sâu.
Khai thác bệnh sử ghi nhận bệnh nhân đột ngột liệt nửa người bên phải. Sau khi tham khảo "thầy thuốc online”, vợ và người em của bệnh nhân nhanh chóng "cấp cứu” cho ông bằng cách lấy lưỡi lam cắt sâu vào các đầu ngón tay bên bị liệt.
Thấy máu ở các đầu ngón tay chảy nhiều nhưng bệnh nhân vẫn còn liệt nên gia đình đưa ông vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức. Sau đó bệnh nhân nhanh chóng được chuyển ngay đến Bệnh viện Nhân dân 115 để kịp giờ vàng.
Tại đây, bệnh nhân đã trải qua hơn 6 tiếng đồng hồ kể từ lúc khởi phát triệu chứng. Qua thăm khám và thực hiện các chẩn đoán xác định bệnh nhân bị tắc động mạch não giữa và được can thiệp ngay sau đó.
Dự kiến bệnh nhân sẽ xuất viện trong hôm nay. Các bác sĩ dặn dò bệnh nhân bỏ thuốc lá và uống thuốc thường xuyên để không tái phát.
Ý thức phòng bệnh đột quỵ còn kém
PGS Thắng cho biết thêm, hiện số bệnh nhân đột quỵ nhập viện tại Bệnh viện Nhân dân 115 đông nhất so với trung bình tất cả các bệnh viện, trung tâm điều trị đột quỵ trên thế giới, kể cả Trung Quốc, Ấn Độ, với trung bình 15.000 ca mỗi năm.
Nguyên nhân là sự phân bổ bệnh nhân đột quỵ giữa các bệnh viện không giống nhau, không cân bằng, dù trên thực tế số bệnh nhân đột quỵ ở Việt Nam thấp hơn so với nhiều nước.
"Gánh nặng" lớn nhất hiện nay là việc phòng ngừa bệnh đột quỵ nói riêng và những bệnh lý khác của người dân ta còn rất kém. Tâm lý mong được điều trị nhanh khỏi, đơn giản… đã ăn sâu vào tiềm thức người dân.
Trong khi đó rất ngại những biện pháp điều trị lâu dài, thường xuyên. Do đó rất nhiều bệnh nhân bỏ thuốc, hoặc tiêm vào người những loại thuốc được quảng cáo là trị khỏi bệnh đột quỵ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận