04/01/2023 09:18 GMT+7

Phòng ngừa đột quỵ mùa lạnh ra sao?

Nhiệt độ giảm sâu khiến nguy cơ đột quỵ gia tăng, đặc biệt ở người cao tuổi. Một số bệnh viện đã tiếp nhận số người đột quỵ nhập viện cấp cứu, điều trị tăng lên 20-30% so với thời điểm chưa ghi nhận khi thời tiết còn ấm.

Phòng ngừa đột quỵ mùa lạnh ra sao? - Ảnh 1.

Các bác sĩ khuyến cáo người cao tuổi hạn chế tập thể dục sớm vào mùa đông - Ảnh: NAM TRẦN

Có nhiều cách phòng ngừa đột quỵ, trong đó có cách ngừa thông qua thực phẩm.

Tăng 20-30% bệnh nhân đột quỵ nhập viện

Bác sĩ Tạ Vương Khoa - phó trưởng khoa nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) - cho biết khi thời tiết chuyển mùa từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại từ lạnh sang nóng thì nguy cơ người mắc bệnh đột quỵ tăng cao hơn.

Tại khoa nội thần kinh Bệnh viện Quân y 175, số bệnh nhân bị đột quỵ vào bệnh viện cấp cứu điều trị trong thời gian gần đây khi thời tiết ở TP.HCM khá lạnh vào sáng sớm tăng lên khoảng 20-30% (10-12 bệnh nhân/ngày so với mức 8-10 bệnh nhân/ngày trong điều kiện bình thường).

Trong số này, có 50-60% bệnh nhân nhập viện trong thời gian vàng (trong vòng 24 giờ đầu, đặc biệt là trong vòng 6 giờ đầu kể từ khi có biểu hiện đột quỵ). Theo bác sĩ Khoa, trình độ dân trí ngày càng cao và công tác truyền thông tốt hơn, người dân hiểu biết nhiều hơn về bệnh và tỉ lệ người bệnh đột quỵ nhập viện sớm đang cao dần.

Bác sĩ Khoa cho biết thêm thông thường quy trình tiếp nhận, xử trí ở những bệnh nhân đột quỵ nhập viện trong vòng 24 giờ đầu sẽ khẩn trương hơn so với những bệnh nhân nhập viện sau 24 giờ, vì đây là nhóm có cơ hội được điều trị đặc hiệu bằng tái thông mạch máu (thuốc ly giải huyết khối, can thiệp nội mạch lấy huyết khối), qua đó tăng cơ hội sống và giảm thiểu nguy cơ tàn phế cho người bệnh.

Tại Bệnh viện Châm cứu trung ương (Hà Nội), bác sĩ Đỗ Gia Quý, trưởng khoa đột quỵ - phục hồi chức năng, cho biết khi thời tiết lạnh, số ca đột quỵ vào viện có xu hướng gia tăng.

"Chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng trung bình số ca đột quỵ nhập viện tăng khoảng 20-30%", bác sĩ Quý thông tin.

Tại sao lạnh dễ gây ra đột quỵ?

Lý giải căn nguyên thời tiết lạnh dễ gây đột quỵ hơn, bác sĩ Khoa cho hay khi cơ thể nhiễm lạnh, mạch máu trong cơ thể có khuynh hướng co lại, tình trạng co mạch quá mức sẽ dẫn đến tăng huyết áp làm tăng nguy cơ bị đột quỵ. Với người trẻ thì khả năng tự điều chỉnh phản ứng co mạch để thích nghi với tình trạng nhiễm lạnh thường tốt hơn so với người trung niên và người lớn tuổi, nên tỉ lệ bị đột quỵ khi thời tiết chuyển lạnh ở người trẻ ít hơn.

Bác sĩ Quý cũng cho biết nguyên nhân khiến người cao tuổi dễ đột quỵ khi trời lạnh quan trọng nhất là do huyết áp thay đổi đột ngột. Các mạch ngoại vi co lại, làm cho áp lực lên mạch máu trung tâm tăng lên dẫn đến nguy cơ xuất huyết não, nhồi máu não. Bên cạnh đó, người cao tuổi mắc huyết áp cao, bệnh nhân tiểu đường, người rối loạn chuyển hóa, người nghiện rượu, nghiện thuốc lá... đều là những người có nguy cơ đột quỵ.

Bác sĩ Quý hướng dẫn người cao tuổi việc tập luyện là rất cần thiết, khi đó các hệ thống trong cơ thể được vận động, rèn luyện thường xuyên, duy trì sức khỏe tốt nhưng phải chú ý các động tác không được đột ngột.

"Vào mùa đông, người cao tuổi nên đi ngủ sớm và thức dậy muộn hơn. Hai yếu tố gió và lạnh rất quan trọng, cần phòng tránh để tránh đột quỵ. Nên tập thể dục trong nhà, để cơ thể làm quen với trạng thái thời tiết, không ra ngoài khi nhiệt độ giảm quá sâu. Người già thường có giấc ngủ ngắn, tỉnh giấc sớm, vì vậy nếu ngay khi dậy đã tập thể dục ở trời lạnh sẽ rất có nguy cơ dẫn tới đột quỵ", bác sĩ Quý khuyến cáo.

Phòng ngừa đột quỵ mùa lạnh ra sao? - Ảnh 2.

Người dân tại Hà Nội tập thể dục buổi sáng - Ảnh: NAM TRẦN

Phòng tránh đột quỵ bằng thực phẩm

Để phòng bệnh đột quỵ, bác sĩ Tạ Vương Khoa cho rằng cách tốt nhất vẫn là quản lý tốt các yếu tố nguy cơ, gồm nhóm yếu tố không thay đổi được (tuổi, giới tính, chủng tộc...) và nhóm yếu tố có thể thay đổi được (bệnh lý tăng huyết áp, tiểu đường, hút thuốc lá, dinh dưỡng...). Quản lý tốt các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được sẽ giúp giảm nguy cơ bị đột quỵ.

Một trong các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được được nhiều người quan tâm là dinh dưỡng, đây là một yếu tố rất quan trọng để phòng ngừa đột quỵ. Khuyến cáo người bệnh cần xây dựng một chế độ ăn hợp lý, tăng cường rau xanh, hạn chế tinh bột, hạn chế ăn mặn, giảm chất béo động vật...

Với thời tiết lạnh như hiện nay, người dân (đặc biệt là người lớn tuổi) cần có ý thức giữ ấm thân nhiệt, hạn chế tối đa chênh lệch giữa nhiệt độ cơ thể và nhiệt độ ngoại cảnh, bởi sự chênh lệch này là yếu tố nguy cơ của đột quỵ liên quan đến cơ chế thích nghi của mạch máu như đã đề cập ở trên.

Khuyến cáo hữu ích

Theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), phần lớn các ca đột quỵ có thể phòng ngừa bằng cách cải thiện chế độ ăn uống, ngừng hút thuốc và tập thể dục thường xuyên. Vì vậy thay đổi lối sống có tác động rất lớn trong việc giảm nguy cơ đột quỵ.

Phòng tránh đột quỵ thông qua thực phẩm bằng tăng món ăn nguồn gốc thực vật, chế độ ăn nhiều rau xanh, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây. Phân tích một số nghiên cứu cho thấy cứ 10 gram chất xơ bạn ăn mỗi ngày có thể giảm được gần 12% nguy cơ đột quỵ.

Làm sao để phòng tránh đột quỵ mùa lạnh cuối năm Làm sao để phòng tránh đột quỵ mùa lạnh cuối năm

Vào cuối năm, thời tiết thay đổi, lạnh đột ngột làm cho các mạch máu co lại, dẫn tới tăng huyết áp, gây xuất huyết não. Trời lạnh nhiều người thường ít vận động, dẫn tới tăng cân cũng là yếu tố làm tăng huyết áp và nguy cơ đột quỵ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên