05/01/2018 15:24 GMT+7

Đột quỵ não và khoảng “thời gian vàng” cho hồi phục

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Trung ương  (Bộ Y tế)
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế)

Khoảng thời gian giúp bệnh nhân đột quỵ có khả năng phục hồi tốt được gọi là “thời gian vàng”, nó được tính từ lúc người bệnh bắt đầu có những dấu hiệu của bệnh đến sau từ 3-5 giờ.

Đột quỵ não và khoảng “thời gian vàng” cho hồi phục - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: pinterest.com.mx

Đột quỵ là bệnh gây tử vong đứng thứ 3 trong số những nguyên nhân gây tử vong ở con người và là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế. Hiện nay, bệnh đột quỵ đang gia tăng theo xu hướng trẻ hóa độ tuổi mắc bệnh. Đây là căn bệnh nguy hiểm tới tính mạng và để lại di chứng nặng nề nếu không kịp thời phát hiện, có xử lý ban đầu đúng và nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế. Tuy nhiên nhiều người dân vẫn đang có những nhầm lẫn về đột quỵ như có sự nhầm lẫn giữa các triệu chứng của bệnh với hiện tượng bị cảm, trúng gió; tự ý cho người bệnh uống thuốc không có chỉ định… dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Mức độ nguy hiểm của đột quỵ não

Trên thế giới tỷ lệ tử vong do bệnh khoảng 20%. Đột quỵ não (tai biến mạch máu não) có 2 dạng là thiếu máu cục bộ não (hay còn gọi là nhồi máu não) và chảy máu não. Trên thế giới nói chung và cả Việt Nam chúng ta có đến 65-85% các ca đột quỵ là do tắc mạch dẫn đến nhồi máu não. Mỗi dạng đột quỵ có những nguyên nhân khác nhau. Đột quỵ dạng nhồi máu não thường do nghẽn mạch, tắc mạch hoặc co thắt mạch máu não. Đột quỵ dạng chảy mãu não có thể do nguyên nhân tăng huyết áp, vỡ túi phồng động mạch, vỡ dị dạng động tĩnh mạch não, viêm tắc xoang tĩnh mạch và do các bệnh lý chảy máu khác.

Đột quỵ nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời tại các cơ sở y tế chuyên khoa sẽ nguy hiểm đến tính mạng người bệnh hoặc để lại những hậu quả nặng nề cho bản thân người bệnh, là gánh nặng cho gia đình. Di chứng của đột quỵ não để lại trên người bệnh, nếu nhẹ là nói ngọng, méo mồm, vận động khó. Nặng là mất ý thức, liệt nửa người hoặc cả người…

"Thời gian vàng" cho hồi phục

Nhiều người vẫn lầm tưởng đột quỵ là căn bệnh không thể hồi phục. Tuy nhiên, ngày nay với sự tiến bộ của y học, bệnh nhân bị đột quỵ vẫn có thể hồi phục sức khỏe, hòa nhập tốt nếu được phát hiện kịp thời và nhanh chóng được đưa đến các cơ sở điều trị có chuyên khoa. Bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện càng nhanh, cơ hội hồi phục càng lớn. Khoảng thời gian giúp bệnh nhân đột quỵ có khả năng phục hồi tốt được gọi là "thời gian vàng", nó được tính từ lúc người bệnh bắt đầu có những dấu hiệu của bệnh đến sau từ 3-5 giờ, thậm chí là 9 giờ. Tuy nhiên khoảng thời gian từ 3-5 giờ sau đột quỵ vẫn là thời gian lý tưởng nhất cho việc điều trị. Từ ngoài 5 giờ đến 9 giờ được gọi là khoảng thời gian "tranh tối tranh sáng", tức là bệnh nhân có thể hồi phục hoặc không. Vượt quá "thời gian vàng" sẽ không có biện pháp điều trị tối ưu và khả năng phục hồi của người bệnh sẽ là rất khó. Trong trường hợp này, bệnh nhân có thể được điều trị ở các bệnh viện địa phương theo phác đồ chung của Bộ Y tế mà không cần phải chuyển về bệnh viện Trung ương. Tùy vào dạng đột quỵ và mức độ của bệnh các bác sĩ sẽ có những chỉ định khác nhau.

Cách xử trí khi người thân bị đột quỵ

Nếu một người bình thường tự nhiên có các dấu hiệu như: đột ngột tê bì hoặc yếu nửa người, nửa mặt, méo miệng, nói ngọng; Đột ngột chậm chạp, lẫn lộn, nói câu vô nghĩa; Đột ngột mất thị lực một bên hoặc cả hai bên mắt; Đột ngột đi lại khó khăn, chóng mặt, nôn, buồn nôn hoặc mất thăng bằng, rối loạn phối hợp vận động; Đột ngột đau đầu dữ dội mà không rõ nguyên nhân, có thể kèm theo nôn nhiều hoặc không nôn; Đột ngột đi vào hôn mê, co giật, thở ngáy… người nhà cần nghĩ ngay đến đột quỵ não.

Cách xử lý cần làm lúc này theo thứ tự là:

- Nhanh chóng đỡ người bệnh để không bị ngã chấn thương. Trong trường hợp người bệnh đã ngã, không bê, xốc mạnh người bệnh ra vị trí khác để tránh tổn thương não thêm nặng;

- Nhẹ nhàng đặt người bệnh nằm chỗ thoáng, nghiêng đầu sang một bên nếu có nôn. Móc hết đờm dãi cho bệnh nhân dễ thở;

- Gọi cấp cứu đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất; Nếu bệnh viện gần nhất có đủ điều kiện chữa trị thì không nên chuyển đến viện xa, trừ khi có chỉ định của bác sĩ, việc di chuyển xa có thể khiến bệnh nặng hơn và lỡ mất "thời gian vàng" trong điều trị; Tuyệt đối không tự ý cho bệnh nhân uống hoặc nhỏ thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc khác nào khác cũng như không được đánh gió, đánh cảm cho người bệnh.

Có hay không thần dược chữa đột quỵ tại nhà?

Đột quỵ não có 2 dạng là nhồi máu não do tắc nghẽn mạch và chảy máu não do vỡ mạch. Một số loại thuốc được cho là có tác dụng chữa đột quỵ mà người dân hay mua phòng xa cho gia đình hiện nay có công dụng là làm tan huyết khối. Như vậy thuốc chỉ có tác dụng với đột quỵ dạng nhồi máu não. Với đột quỵ dạng chảy máu não, việc uống các loại thuốc này là cực kỳ nguy hiểm, dẫn đến tổn thương nặng thêm. Có thể ví von là chỗ vỡ đang nhỏ như quả bóng bàn có thể trở thành to như quả bóng đá. Vấn đề nằm ở chỗ khi một người có các dấu hiệu như đột ngột tê bì hoặc yếu nửa người, nửa mặt, méo miệng, nói ngọng… người nhà không thể biết chắc chắn đó có phải là đột quỵ không và đột quỵ ở dạng nào. Nhồi máu hay chảy máu. Ngay cả khi đưa bệnh nhân đến bệnh viện, các bác sĩ chuyên khoa dày dạn kinh nghiệm cũng không dám kết luận chính xác người bệnh bị nhồi máu não hay chảy máu não nếu chỉ thăm khám lâm sàng. Kết quả chính xác chỉ được khẳng định sau khi hoàn thành các xét nghiệm, chụp chiếu. Do đó việc tự ý dùng thuốc tại nhà của một số người dân là cực kỳ nguy hiểm.

Phòng tránh đột quỵ não

Đột quỵ não không chừa bất cứ ai. Ngày nay độ tuổi mắc bệnh đang ngày càng trẻ hóa do nhiều nguyên nhân khác nhau. Cũng không có cách nào có thể phòng, tránh được bệnh triệt để. Tuy nhiên có thể căn cứ vào những yếu tố nguy cơ gây bệnh để phòng bệnh. Ngoài những yếu tố nguy cơ không tác động được như tuổi tác, gen, dân tộc, di truyền thì bệnh tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường, các bệnh tim, các rối loạn chuyển hoá lipide, béo phì hay thói quen hút thuốc lá, nghiện rượu…là những yếu tố nguy cơ có thể tác động được để phòng tránh đột quỵ não có thể xảy ra. Tức là để hạn chế nguy cơ xảy ra đột quỵ, người bị cao huyết áp phải điều trị bệnh cao huyết áp, người mắc đái tháo đường phải điều trị đái tháo đường, người béo phì phải giảm cân, người nghiện rượu, nghiện thuốc phải từ bỏ thói quen có hại này.

Những người không mắc các yếu tố nguy cơ nói trên cần giữ cho mình một thể trạng tốt, một lối sống lành mạnh.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên