Tối 29-10, tại Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An), báo Nhân Dân phối hợp với tỉnh Nghệ An tổ chức chương trình nghệ thuật "Truông Bồn - Dấu chân anh hùng" nhân dịp kỷ niệm 55 năm sự kiện lịch sử Truông Bồn (31-10-1968 - 31-10-2023).
Nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An, hàng trăm cựu thanh niên xung phong qua các thời kỳ cùng hàng ngàn người dân tới dự lễ.
Tại chương trình, ông Nguyễn Xuân Thắng - giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương - xúc động nêu bật công lao to lớn và ý chí kiên cường, bất khuất, dũng cảm đương đầu với bom đạn của lực lượng thanh niên xung phong giữ mạch máu giao thông thông suốt, chi viện cho chiến trường miền Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Truông Bồn là tuyến đường độc đạo chiến lược, nối liền mạch máu giao thông để miền Bắc chi viện cho miền Nam ruột thịt.
Không quân Mỹ đã dồn lực đánh phá ác liệt, biến Truông Bồn trở thành "tọa độ chết". Tại Truông Bồn, đã có hơn 1.240 cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân tự vệ, thanh niên xung phong, công nhân ngành giao thông hy sinh.
Rạng sáng 31-10-1968, chỉ ít giờ trước thời điểm Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, 13 trong số 14 thanh niên xung phong đã ngã xuống khi đang làm nhiệm vụ san lấp hố bom sau một trận bom ác liệt tại Truông Bồn.
Phần lớn những người hy sinh đã hoàn thành nhiệm vụ, có quyết định ra quân, có người đã có quyết định đi học, có người đã định ngày cưới... Họ đã xung phong ra hiện trường cùng đơn vị làm nhiệm vụ với tinh thần "Một giờ còn ở đơn vị là một giờ còn ra hiện trường", "Đường chưa thông không tiếc máu xương".
"Sự hy sinh lớn lao của những con người cống hiến tuổi thanh xuân và máu xương của mình vì đất nước đã đi vào lịch sử, trở thành một dấu son đáng nhớ, một huyền thoại về ý chí bất khuất, kiên cường của quân và dân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Những cái tên, những gương mặt của tuổi thanh xuân ấy đã hóa thân vào lịch sử, sẽ mãi mãi được đời sau tri ân, ghi nhớ", ông Thắng nhấn mạnh.
Ngày nay, Truông Bồn đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho tuổi trẻ, là địa chỉ văn hóa tâm linh đón hàng vạn đồng bào, chiến sĩ về đây tri ân, thăm viếng anh linh các anh hùng, liệt sĩ hôm nay và mai sau.
Ông Thắng mong muốn hoạt động đền ơn đáp nghĩa các anh hùng, liệt sĩ, tri ân các cựu chiến binh, các thương binh, bệnh binh, cựu thanh niên xung phong… sẽ được nhân lên nhiều hơn nữa, trở thành một phong trào rộng rãi, được thực hiện thường xuyên, liên tục không ngừng nghỉ và bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực.
Tại chương trình, ban tổ chức đã trao 14 sổ tiết kiệm tặng thân nhân 13 Anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong Truông Bồn, cùng nhân chứng lịch sử là bà Trần Thị Thông; trao ủng hộ 50 căn nhà tình nghĩa trị giá 2,5 tỉ đồng để chung tay cùng tỉnh Nghệ An thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội.
Năm 1996, Truông Bồn được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Năm 2008, tập thể 14 chiến sĩ thanh niên xung phong Truông Bồn được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Hiện nay, Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn nằm trong quần thể có diện tích 22ha với 20 hạng mục chính và nhiều công trình phụ trợ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận