27/04/2019 11:07 GMT+7

Hoa lửa Truông Bồn: Tha thiết một bản hùng ca

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Vở kịch hát Hoa lửa Truông Bồn vừa ra mắt công chúng TP.HCM trong ba đêm 24, 25 và 26-4 tại Nhà hát Bến Thành.

Hoa lửa Truông Bồn: Tha thiết một bản hùng ca - Ảnh 1.

Cảnh trong vở kịch hát Hoa lửa Truông Bồn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Địa danh Truông Bồn ở Nghệ An được xem là tọa độ lửa khốc liệt trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. 

Ở đó vào sáng 31-10-1968, một ngày đau thương khốc liệt khi 13 chiến sĩ thanh niên xung phong của tiểu đội 2 tiểu đội cảm tử thuộc đại đội 317 - tổng đội TNXP chống Mỹ, cứu nước của Nghệ An cùng hi sinh khi đang làm nhiệm vụ. Họ hi sinh chỉ vài tiếng trước khi lệnh ngừng ném bom Mỹ ở miền Bắc được thực thi.

"Cái thân chúng tôi chả thiết thì kể làm chi thành tích"

Câu chuyện bắt đầu khi Tuấn - một cán bộ chính sách được giao nhiệm vụ làm hồ sơ ghi công, tôn vinh những hi sinh của các chiến sĩ ở Truông Bồn. Vị cán bộ quan liêu này đã làm một báo cáo thành tích gian dối vì tắc trách. 

Điều đó khiến những chiến sĩ như Thông, Hương quyết định đi tìm công lý để trả lại sự ghi công xứng đáng cho 13 đồng đội của họ đã anh dũng hi sinh. 

Đó cũng là tâm nguyện mà Thông - cô tiểu đội trưởng tiểu đội 2 TNXP, đại đội TNXP 317 thuộc tổng đội TNXP Nghệ An, người may mắn sống sót trong sự kiện bi thương năm ấy - đau đáu đến khi tuổi đã xế bóng.

Truông Bồn ngày ấy được tái hiện khá sinh động với không khí hừng hực của những cô gái, chàng trai tuổi đôi mươi cùng đăng ký nhập ngũ. 

Tiểu đội 2 với những cô gái thắt bím trên vai, chân yếu tay mềm nhưng vẫn thoăn thoắt, hối hả phá bom, mở đường, lấp hố bom để thông suốt cho những chuyến xe ra tiền tuyến. Hiểm nguy luôn cận kề nhưng họ vẫn "có can chi mô!" và tiếng hát vẫn át tiếng bom.

Trích đoạn trong Hoa Lửa Truông Bồn - Video: QUANG ĐỊNH

Những phút giây thư thả nghỉ ngơi là những phút họ mơ về ngày hòa bình. Họ chỉ cần hòa bình để hóa những giấc mơ giản dị thành hiện thực, như cô Thông đau đáu: "Cái thân chúng tôi chả thiết thì kể làm chi thành tích, công lao". 

Họ hồn nhiên dâng hiến tuổi xuân cho đất nước mà không hề toan tính. Những cán bộ chính sách quan liêu như ông Tuấn không chỉ đơn giản là làm sai, lấp liếm mà đau xót hơn là xúc phạm những anh linh của Tổ quốc...

Ngọt ngào làn điệu ví dặm

Là một tác phẩm xứ Nghệ nên âm sắc vùng miền thể hiện rất rõ trong vở diễn. Mô, răng, rứa, nớ, ni nỏ... cứ thế gây thương gây nhớ với những người con xứ Nghệ có mặt trong ba đêm diễn. 

Chỉ có chút khó khăn với những khán giả Nam Bộ khi đôi lúc chưa nghe và hiểu được hết các câu thoại. Vì là vở kịch hát nên khán giả lại có điều kiện thưởng thức thêm một loại hình nghệ thuật với những làn điệu nhiều sắc thái của ví dặm Nghệ Tĩnh qua giọng ca ngọt ngào của các nghệ sĩ. 

Có những giai điệu vui nhộn, có những giai điệu trữ tình, thiết tha, chuyển tải hết những cung bậc cảm xúc của các nhân vật.

Vở diễn đã có được những giây phút mộc mạc, chân thật gợi được cảm xúc nơi người xem. Đó là tinh thần lạc quan của những người trẻ khi hăng hái đi về phía mưa bom lửa đạn. 

Những khoảnh khắc rất đời trong sinh hoạt tập thể, những lo lắng có chút ích kỷ của người mẹ với Thông khi cô nằng nặc đòi nhập ngũ... 

Nhưng có chút tiếc nuối vì cách dàn dựng chưa đẩy cảm xúc khán giả đến tột cùng ở thời khắc 13 chiến sĩ cùng hi sinh trong một trận bom - một thời khắc lý ra phải tạo một cảm xúc rùng rùng, một nỗi đau bi tráng.

Những hình ảnh minh họa tương đối nghèo nàn trên màn hình LED không hỗ trợ tốt cho khoảnh khắc này. 

Tuy nhiên, trái tim người xem như bóp nghẹt khi hình ảnh thật của 13 chiến sĩ được tôn vinh trong sắc tím của loài hoa dại ở Truông Bồn. 

Những bức ảnh đã bạc màu theo thời gian, ánh mắt ấy, gương mặt ấy phơi phới thanh xuân. Đất nước đã đi qua bao nhiêu mùa hoa hòa bình, còn họ dừng lại mãi ở tuổi đôi mươi. Một thanh xuân tươi đẹp và cao quý biết mấy...

Hoa lửa Truông Bồn (kịch bản: PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, chuyển thể dân ca Nghệ Tĩnh: Nguyễn An Ninh, đạo diễn: NSND Lê Hùng) có sự tham gia của gần 50 diễn viên, nhạc công đến từ Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ như: NSND Hồng Lựu, NSƯT Minh Tuệ, Mai Kiên, Thiên Huế, Duy Thanh, Minh Thành, Minh Thông, Hà Lý, Thanh Mai...
Đêm nhạc “Bài ca không quên” trở về ký ức thời hoa lửa Đêm nhạc “Bài ca không quên” trở về ký ức thời hoa lửa

Ngày 06-7 vừa qua, tại Cung Văn hoá Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội), chương trình nghệ thuật “Bài ca không quên” đã diễn ra trang trọng, trong những cảm xúc thiêng liêng.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên