09/07/2018 16:28 GMT+7

Kịch xiếc: vùng đất mới cho người trẻ

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - Vào nghề xiếc lúc còn là học trò cấp I, cấp II rồi lớn lên cùng xiếc với những khổ luyện và rất nhiều bôn ba, nay không ít người trẻ chuyển hướng sang kịch xiếc - một vùng đất mới, thay thế cho xiếc truyền thống.

Kịch xiếc: vùng đất mới cho người trẻ - Ảnh 1.

Teh Dar mang đậm hơi thở văn hóa Tây Nguyên với đạo cụ từ tre, nứa - Ảnh: VŨ THỦY

Kịch xiếc vẫn có những cảnh mạo hiểm cần kỹ thuật, khổ luyện và lại đòi hỏi như một diễn viên, lột tả cảm xúc trong một mạch chuyện xuyên suốt.

Từ diễn rong

Kịch xiếc: vùng đất mới cho người trẻ - Ảnh 2.

Các diễn viên của vở diễn Teh Dar trong một buổi tập luyện - Ảnh: VŨ THỦY

18 tuổi, cặp sinh đôi Nguyễn Huyền My và Nguyễn Huyền Ly (20 tuổi) tốt nghiệp trường xiếc sau 7 năm ròng rã khổ luyện, bôn ba diễn rong. "Hai đứa diễn kiểu "sơn đông mãi võ", đi diễn hội chợ, diễn trường học là chủ yếu. Mai diễn mà có khi hôm nay bầu sô mới bất chợt gọi đi, rồi lắm lúc lại bất chợt hủy sô. 

Quanh đi quẩn lại cũng chỉ diễn uốn dẻo, nhào lộn hoặc có khi là đu dây. Cả tháng trời không có sô thì đói ăn" - My kể. Để đủ sống, My phải làm đủ thứ công việc: làm diễn viên phụ, nhân viên bán quần áo, mỹ phẩm, bán hàng ăn buổi sáng, bưng bê cà phê...

Còn Hiền Phước, 27 tuổi - chàng trai khỏe khoắn, dẻo dai trong tiết mục đu dây trên sân khấu xiếc tại TP.HCM - có tới 17 năm gắn với xiếc. Anh kể mình bắt đầu học thể dục dụng cụ từ năm học lớp 3, tiếp đó là 5 năm học trường xiếc. 

Ra trường, 6 năm sau đó Phước gắn bó với rạp xiếc công viên Gia Định với những suất diễn cuối tuần mà khán giả phần lớn là các em nhỏ.

Trên người Phước vẫn còn đầy những vết thương từ nhỏ đến lớn do tập luyện, biểu diễn. "Khó khăn lớn nhất là thiếu những trang thiết bị tập luyện chuyên nghiệp để có thể đầu tư những tiết mục mới, nâng cao kỹ thuật" - Phước chia sẻ.

Các diễn viên kịch xiếc được thực sự là họ, diễn xiếc một cách hồn nhiên, tự tin

Đạo diễn TUẤN LÊ

Chuyển hướng

Kịch xiếc: vùng đất mới cho người trẻ - Ảnh 4.

Diễn viên tập luyện với các thúng bằng tre - hình tượng hóa của con voi trên sân khấu kịch xiếc - Ảnh: VŨ THỦY

My kể cách đây 2 năm, My và Ly quyết định chuyển hướng, thi và trúng tuyển vào vở diễn Teh Dar - vở diễn kịch xiếc về văn hóa Tây Nguyên được biểu diễn ở những sân khấu lớn, bỏ lại những ngày bôn ba diễn rong.

Teh Dar trong tiếng dân tộc K’Ho có nghĩa là "đi vòng tròn". Trong vai hai cô gái dân tộc K’Ho, họ diễn từ cảnh săn voi, cảnh hẹn hò, cảnh lên rẫy, cảnh rừng tre, cảnh canh rừng... Gần 2 giờ chiều, My và Ly mướt mồ hôi di chuyển lắt léo quanh một cái thúng khổng lồ trên sân khấu của Nhà hát TP (Q.1, TP.HCM). 

Âm nhạc nổi lên. Ở cuối sân khấu, 5 nhạc công chơi cồng chiêng, đàn t’rưng, đàn goong tấu lên những điệu nhạc Tây Nguyên tưng bừng. Tưởng chừng như "con voi" - cái thúng bằng tre khổng lồ với đường kính gần 2m lăn ầm ầm trên sân khấu sẵn sàng đè nghiến lên người diễn viên.

Kịch xiếc: vùng đất mới cho người trẻ - Ảnh 5.

Kịch xiếc đòi hỏi phối hợp tập thể - Ảnh: VŨ THỦY

Không một phút ngơi nghỉ, My và Ly liên tục diễn những màn đu người, nhào lộn, uốn dẻo, tung hứng, nhảy múa... mà chỉ cần một tích tắc lơ là sẽ bị những cái thúng tre, thanh tre, những quả bóng gỗ nặng trịch đập trúng người và chấn thương ngay lập tức. 

Gương mặt họ toát lên nét hoang dại, rắn rỏi trong cảnh săn voi tập thể, đầy chất ma mị khi là những hồn ma, lúc lại hào hứng, vui tươi trong cảnh hội làng, đầy si mê trong cảnh hò hẹn giữa núi rừng. 

Ở một hoạt cảnh, chân tay đan vào nhau, họ hóa thành những con nhện kỳ dị bò rạp xuống sàn, miệng phát ra tiếng phì phì đầy ghê rợn, chết chóc.

Phá vỡ khuôn mẫu

Lịch diễn vở Teh Dar cho cả năm đã được lên sẵn. Trước đó cả đoàn đã ở Hội An, còn tháng này, 15 suất diễn sẽ kéo dài liên tục ở Nhà hát TP.HCM. Những ngày diễn, họ bắt đầu một ngày bằng 2 giờ tập luyện chín cảnh diễn với cả đoàn. 

"Cả nhóm 15 người và cả các nhạc công phải tập luyện cùng nhau hằng ngày. Những vở diễn thế này không chỉ là kỹ thuật cá nhân, uốn dẻo, tung hứng, đu dây, thăng bằng, xoay gậy mà là sự phối hợp chính xác hoàn hảo của cả 15 người, thể hiện cảm xúc, cá tính của chính mình" - My kể. 

Chỉ cần một bước di chuyển sai là đội hình 15 người với tre gậy đan kín sân khấu như một ma trận rối rắm sẽ lệch nhịp.

Bùi Khánh Dư (29 tuổi) cũng trở thành một diễn viên kịch xiếc Teh Dar sau rất nhiều năm diễn xiếc truyền thống. Hạnh phúc lớn nhất của những nghệ sĩ như Dư là kết thúc mỗi suất diễn, cả khán phòng đứng lên vỗ tay vang dậy. 

Họ cũng có cơ hội được sống với nghề trong một môi trường mà từ kịch bản đến lịch tập luyện, lịch diễn được sắp xếp chuyên nghiệp với thu nhập tốt, được thỏa sức sáng tạo, sống với cá tính của mình trên sân khấu.

"Diễn viên xiếc phải phá vỡ khuôn mẫu của xiếc kiểu cũ để sáng tạo, thể hiện cá tính trong kịch xiếc. Mỗi cảnh trong vở diễn được chính các diễn viên xây dựng, sáng tạo dựa trên ý tưởng ban đầu từ đạo diễn" - Dư nói.

Những êkip công phu

Không chỉ có Teh Dar, những vở kịch xiếc khác như Làng tôi, À Ố show cũng là những vùng đất mới cho xiếc. Tham gia kịch xiếc không chỉ có những diễn viên xiếc qua trường lớp mà còn có cả vũ công, cascadeur, vận động viên parkour (thể thao mạo hiểm trên đường phố)...

Đạo diễn của vở Teh Dar - anh Tuấn Lê - cho rằng ở Việt Nam và cả trên thế giới, xiếc truyền thống, xiếc kiểu cũ đang chết dần, nhường chỗ cho những vở kịch xiếc được tìm tòi, sáng tạo, tập luyện công phu.

"Các diễn viên xiếc sẽ cùng biểu diễn với nhau, kết hợp với nhạc công, ánh sáng, dàn dựng sân khấu để kể một câu chuyện rung động, mang đậm hơi thở cuộc sống, văn hóa bằng ngôn ngữ xiếc" - anh Tuấn Lê nói.

7 chân lý cuộc sống đem lại hạnh phúc không ngờ 7 chân lý cuộc sống đem lại hạnh phúc không ngờ

TTO - Mỗi người bạn gặp trong đời đều phản ánh chính bạn, mỗi sự lựa chọn đều có tác động ít nhiều đến cuộc đời bạn. Hãy lạc quan và sống cho hiện tại, vì số phận do chính bạn quyết định.

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên