26/04/2021 14:00 GMT+7

Ngày mới ở xã đảo Thạnh An

THẢO LÊ - KIM ÚT
THẢO LÊ - KIM ÚT

TTO - Thạnh An, một ngày tháng 4-2021, đảo nhỏ vui vẻ, háo hức hẳn lên. Sau hàng chục năm chờ đợi, Thạnh An đã chính thức được công nhận là xã đảo.

Ngày mới ở xã đảo Thạnh An - Ảnh 1.

Sau nhiều năm chờ đợi, xã Thạnh An chính thức được công nhận là xã đảo - Ảnh: THẢO LÊ

Từ trung tâm TP.HCM, chúng tôi mất hơn một tiếng đồng hồ đi xe máy và 45 phút ngồi ghe để ra đảo Thạnh An. Ngồi trên chiếc ghe chông chênh giữa nắng gắt, chúng tôi khó thích ứng được cái cảm giác lâng lâng, chóng mặt.

"Chờ lâu lắm rồi"

Thạnh An có địa hình biệt lập cách trung tâm huyện Cần Giờ 8km đường thủy, với tổng diện tích tự nhiên hơn 13.000ha được bao bọc bởi sông nước và rừng phòng hộ. Xã có địa hình trũng thấp thường xuyên bị ngập do triều, mật độ dân cư cao nhưng không có khả năng mở rộng diện tích.

Trên 5% dân cư có thu nhập thuộc diện hộ nghèo. Với vị trí địa lý đặc biệt, một thời gian dài người dân trên đảo sống trong hoàn cảnh khó khăn như thiếu điện, thiếu cơ sở vật chất. Không biết bao lần người dân nơi đây phải oằn mình chống chọi với những cơn bão lớn, phải tạm sơ tán lánh nạn, tưởng chừng như đã "bỏ xứ mà chạy".

Gặp gỡ ông Phan Nguyên Vỹ (67 tuổi) tại khu chợ nhỏ trên đảo, chúng tôi ngồi nghe ông kể những ngày ông mới ra đảo mới thấu được cái thiếu thốn mà người dân phải chịu đựng.

"Người dân ở đây đều tứ xứ đổ về. 40 năm trước, hòn đảo chả có gì ngoài rừng ngập mặn và bùn đất. Được cái nhiều cá tôm mà người dân quyết định ở lại nơi này" - ông Vỹ nói.

Hồi ông Vỹ mới đến, đảo Thạnh An không có những con đường bêtông như giờ, cũng không có những ngôi nhà kiên cố, mà chỉ nhà lá lụp xụp, đường đầy sình lầy. Người dân không có điện, tối đến chỉ vài ngọn đèn dầu hiu hắt, nhờ "tôm cá đầy ghe" mà sống. 40 năm qua, ông Vỹ cùng bầy con không biết bao lần "tưởng đã chết" vì bão.

Cho đến năm 2015, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành dự án cáp điện ngầm, đưa điện từ đất liền ra phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của bà con Thạnh An. Người dân như được "truyền máu", bắt đầu "thay da đổi thịt". Bà con có điều kiện chuyển đổi phương tiện sản xuất, nâng cao thu nhập, những căn nhà kiên cố mọc thêm lên.

Nhưng rồi hết những cơn thịnh nộ của trời, hai năm nay người dân đảo này lại tiếp tục chống chọi với bão COVID-19. Dịch bệnh, nhà hàng, khách sạn đóng cửa, thủy sản Thạnh An cũng giảm đường tiêu thụ. Thanh niên trên đảo đi biển ngày một ngày hai. Nghề nuôi thủy sản bị ảnh hưởng, một số nhà nuôi cá lồng bè trên biển cũng bị bỏ hoang...

Cũng như bao người dân khác ở Thạnh An, ông Vỹ luôn chờ đợi ngày hòn đảo được lên xã đảo. "Du khách ra đây, ai cũng gọi là xã đảo Thạnh An. Nhiều năm nay ai cũng kêu xã đảo chứ có phải xã đảo đâu" - ông Vỹ nói.

"Chờ lâu lắm rồi" là câu nói mà ông Vỹ tâm sự với chúng tôi khi hay tin Thạnh An được công nhận xã đảo. Trái với sự bần thần nhớ những ngày xưa cũ khó khăn, đôi mắt ông Vỹ đầy hi vọng khi bàn về tương lai xã đảo Thạnh An, "Thạnh An có nhiều hải sản quý hiếm. Lên xã đảo, mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ tìm thị trường đầu ra để bà con nơi đây tiếp tục bám biển mưu sinh" - ông Vỹ trải lòng.

Ngày mới ở xã đảo Thạnh An - Ảnh 2.

Người dân Thạnh An thu hoạch nghêu - Ảnh: GIA TIẾN

Khát vọng đổi mới

Chào tạm biệt ông Vỹ, dọc bờ biển đến gần bến tàu, chúng tôi gặp gỡ một nhóm thanh niên đang ngồi ăn uống bên đường. Thấy chúng tôi đến, họ mời món tôm tít luộc nóng hổi.

Nhìn chúng tôi loay hoay với vỏ tôm dày cộm, anh Trương Văn Nguyên vội lấy kéo cắt vỏ, mời chúng tôi nếm thử "thức ngon từ biển Thạnh An".

"Dân ở đây là vậy đó, bà con mến khách lắm. Ra đây không có chỗ ngủ thì anh cho mượn nhà mà ngủ. Đợt nào có dịp rủ bạn bè ra chơi. Hôm nào anh đi đánh cá thì đưa cho chìa khóa mở cửa nhà mà ngủ, sáng dậy đi chơi".

Từ rất lâu rồi, anh Nguyên và bạn bè luôn đau đáu một ngày Thạnh An mở thêm khu nghỉ dưỡng, thêm các nhà hàng, khách sạn để du khách đến đây có chỗ vui chơi, để họ đi rồi quay trở lại.

Vừa tâm sự, anh xin chúng tôi số điện thoại, dặn dò chúng tôi có về thành phố thì nhớ quay trở lại thăm đảo, "đừng có đi rồi không ghé lại nữa". Người dân nơi đây mến khách là thế, nhưng có vẻ sự mến khách ấy chưa đủ níu chân khách du lịch. Thạnh An là một trong những địa điểm du lịch được nhiều người biết đến, nhưng cơ sở hạ tầng chưa đủ phục vụ du khách.

Lên xã đảo, niềm mong chờ của người dân là được hỗ trợ nguồn lực để Thạnh An phát huy được lợi thế sẵn có, phát triển du lịch, góp phần đưa Cần Giờ trở thành thành phố nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái xứng tầm.

Chúng tôi về lại đất liền với hai chai nước suối mà anh Nguyên nhét vội vào tay. Con thuyền đi chông chênh hơn lúc đến nhưng chúng tôi không còn cảm thấy mệt mỏi. Hi vọng lần sau chúng tôi đến, Thạnh An sẽ đổi thay, phát triển nhiều hơn. Và ngày đó, khi mang những gói khô cá dứa về, chúng tôi mạnh dạn chia sẻ với bạn bè rằng đây là đặc sản xã đảo Thạnh An - một địa điểm du lịch tuyệt vời...

Trao quyết định công nhận xã đảo Thạnh An

Dự kiến ngày 27-4, UBND TP.HCM sẽ tổ chức lễ trao bằng công nhận huyện Cần Giờ đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 và trao quyết định công nhận Thạnh An là xã đảo thuộc TP.HCM.

Trước đó, ngày 1-4-2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định công nhận xã đảo Thạnh An thuộc TP.HCM được hưởng các chính sách ưu đãi đối với xã đảo theo quy định. Ngày 24-4, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng đoàn công tác thành phố và các chuyên gia đã ra thăm xã Thạnh An. Ông Nên chúc mừng bà con xã đảo Thạnh An cùng huyện Cần Giờ khi xã đảo này được chính danh trên bản đồ xã đảo Việt Nam.

Trong buổi làm việc, TS Trần Du Lịch gợi ý thành phố hỗ trợ người dân Thạnh An phát triển du lịch homestay để tạo điều kiện cho bà con thay đổi cuộc sống.

Niềm vui lớn

thanh an 3

Nhiều người dân Thạnh An đang sống bằng nghề khai thác hải sản - Ảnh: KIM ÚT

Ông Nguyễn Văn Hồng - chủ tịch UBND huyện Cần Giờ - cho biết việc Chính phủ công nhận Thạnh An lên xã đảo là niềm vui lớn không chỉ của dân đảo mà của cả huyện. Việc công nhận xã đảo sẽ giúp tiếp cận được những ưu đãi, như người dân đảo sẽ được cấp bảo hiểm xã hội miễn phí.

Chính sách xã đảo sẽ là cơ sở để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho Thạnh An. Thời gian tới, huyện sẽ chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng cho xã đảo và rà soát lại những danh mục cần đầu tư công để đưa vào kế hoạch phát triển năm 2021 - 2025.

Việc phát triển du lịch xã đảo cũng nằm trong tổng thể phát triển kinh tế biển huyện Cần Giờ thành thành phố nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái. Huyện Cần Giờ sẽ phát triển du lịch xã đảo Thạnh An theo từng giai đoạn mà trước mắt là tập trung khai thác lợi thế biển của xã đảo.

Bí thư Nguyễn Văn Nên thăm Thạnh An trước ngày thành xã đảo Bí thư Nguyễn Văn Nên thăm Thạnh An trước ngày thành xã đảo

TTO - Sáng 24-4, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng đoàn công tác TP và nhiều chuyên gia kinh tế, quy hoạch đô thị, giáo dục... đã có chuyến thăm xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM, trước ngày xã này thành xã đảo.

THẢO LÊ - KIM ÚT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên