Ông Đinh Ngọc Tân với con gái nuôi Đinh Thị Huyền và đứa trẻ ra đời trong hòa bình - Ảnh: Tự Trung |
Tháng 4 nắng như rải lửa. Từ TP.HCM về tới miền Trung, hai bên quốc lộ những thửa ruộng đã gặt nứt nẻ, bốc khói. Nhưng chúng tôi lại đi tìm ở xã Bình Thanh Tây, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi một câu chuyện giống như dòng nước mát...
Đêm 24-3-1975, tiếng súng cuối cùng cũng chấm dứt trên toàn tỉnh Quảng Ngãi. Rạng sáng 25-3, người dân từ các điểm tản cư theo chân du kích, quân giải phóng về lại xóm làng.
Mặt đường quốc lộ 1 như bãi chiến trường, ngổn ngang xe cộ, quần áo, vũ khí, quân trang, quân dụng và cả người chết, người bị thương la liệt. Giữa lúc ấy, vang lên tiếng khóc của một đứa trẻ...
Chiến tranh đã đi qua rất lâu và bây giờ là những ngày tháng của hòa bình. Vậy mà những khoảng trống nghiệt ngã chiến tranh để lại trong đời Huyền vẫn chưa thể lấp đầy, nên nước mắt của Huyền vẫn cứ miên man không dứt. “Nhưng mình là một người may mắn”, Huyền tự nhủ. Cô biết có nhiều người đang mang những vết thương chiến tranh còn sâu và đau hơn mình |
Ngày hòa bình
“Bên vệ đường quốc lộ, ngay dốc Ông Hành (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) có một người phụ nữ nằm bất động. Đứa bé chừng vài tháng tuổi đang bò trên ngực mẹ, vừa khóc vừa bú dòng máu ứa ra.
Chúng tôi đưa cả mẹ lẫn con xuống trạm xá của du kích. Lát sau có người bế đứa bé lên bảo: Không cứu được mẹ. Có ai nhận nuôi nó không... Mọi người dừng tay nhìn nhau dò hỏi.
Con bé xinh xắn mà gặp cảnh thương tâm khiến ai nhìn cũng cảm thán: tội quá. Một người đàn ông trong làng thấy thương đứa bé nên dang tay bế về, lát sau lại thấy bế lên ỉu xìu nói: vợ tôi đã có bốn đứa con gái rồi...
Lúc này, tôi làm liều bảo tôi sẽ nhận nuôi. Đứa bé sẽ ngủ với mẹ tôi, còn tôi sẽ đi làm kiếm tiền mua sữa...” - ông Đinh Ngọc Tân (thôn Phước Hòa, xã Bình Thanh Tây, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) kể về ngày hòa bình đầu tiên trong đời mình như thế.
Năm ấy ông mới 19 tuổi, vừa hứa hẹn với một cô gái “hết chiến tranh sẽ nên vợ chồng”.
Hết chiến tranh, Tân chợt tự nhiên có con - một bé gái xinh xắn. Anh dẹp bớt mớ đồ đạc của mình trong cái rương gỗ để có một khoảng trống rồi đặt đứa bé vào đó, cột cái rương sau xe đạp, đạp về nền nhà cũ mà mọi người trong gia đình anh đang xúm xít đánh tranh, lợp lá.
Mẹ và mấy cô em gái ngẩn ngơ khi thấy Tân bồng đứa bé ra khỏi rương. Những gì đã trải qua trong chiến tranh khiến họ không cần nhiều lời hỏi han, căn vặn, giãi bày. Câu chuyện của Tân và đứa trẻ mau chóng được chấp nhận. Đứa bé được đặt tên Đinh Thị Huyền.
Người cha
“Ngày đó cực quá. Bồng nó về cũng chưa nghĩ sẽ nuôi cách nào, vậy rồi lần hồi cũng xong. Hồi đầu đi làm thuê còn có ít tiền, tôi mua được vài lon sữa Guygoz cho nó bú, sau rồi chuyển xuống sữa Ông Thọ, rồi hết tiền chắt nước cơm, nghiền khoai mì cho ăn.
Tôi lấy vợ, có con. Tên ở nhà của nó là Một, con tôi sinh sau là Hai, Ba... Trong nhà, nó là chị cả” - ông Đinh Ngọc Tân kể lại câu chuyện làm cha trong một phút của tuổi 19, trong ngày hòa bình đầu tiên ở Quảng Ngãi, bình thản như sự việc dĩ nhiên phải diễn ra như vậy.
Có ba chuyện mà ông nhớ nhất về Huyền trong suốt mấy mươi năm qua. Chuyện thứ nhất là suốt một tuần đầu tiên khi ông mang về, đứa bé tiêu tiểu ra toàn máu.
“Chúng tôi sợ quá, ngỡ nó bị bệnh, bị thương bên trong. Sau mới biết là vì nó đã bú máu mẹ suốt cả một đêm. Càng thấy tội” - ông nói.
Rồi ông Tân nhìn Huyền, nay đã là một phụ nữ trưởng thành, có ba con, mà lắc đầu lặp lại: “Tội nó lắm”. Chuyện thứ hai là sau khi nuôi Huyền được hơn một năm, hai lần có hai gia đình đến nhận cháu.
“Nhưng tôi nghe chuyện họ kể, cứ thấy có gì đó không đúng. Vả lại, họ chỉ đến một lần, thấy tôi không bằng lòng thì bỏ đi, nên tôi nghĩ chắc không phải gia đình thật của Huyền”.
Chuyện thứ ba lại là một niềm ân hận. “Vợ tôi sinh tới năm đứa nên con bé làm chị cả cũng phải vất vả, rồi khó khăn quá khiến chúng tôi cho Huyền nghỉ học sớm khi mới hết lớp 5. Mấy đứa em nó sau này có hai đứa học được hết lớp 12.
Thời đó, vào hợp tác xã, 10 công điểm mới được bốn lạng gạo. Nhà đông con, bữa nào cũng vậy, mở nồi ra toàn củ mì, củ dong, củ lang cõng mấy hạt cơm...”.
Huyền không chỉ có cha mà còn có mẹ: bà Nguyễn Thị Nghị, vợ ông Tân, có ông bà nội là cha mẹ ông Tân, có các em luôn quấn chân chị Một.
Bà Nghị cười hiền lành: “Lúc anh Tân bồng con bé về là tháng 3, đến tháng 9 mới cưới tui. Tui mới về là đã có con gái biết ngồi, cứ vậy mà nuôi. Hồi nó 3 tuổi, bị sài lan hết đầu, rụng hết tóc.
Thuốc tây, thuốc bắc không đỡ, sau có người mách, tôi bán hai trái bầu mua được gáo dầu dừa, bỏ lên chảo xào với vôi rồi lấy lông gà phết lên, vậy mà khỏi...”.
Đứa con và khoảng trống 41 năm
Đã 41 tuổi, đã có con trai đang học đại học và được cha nhận xét “vợ chồng nó chịu khó, chịu khổ, làm ăn dù không bằng ai nhưng vẫn khá nhất nhà”, nhưng trong mắt Huyền lúc nào nước mắt cũng chực rơi.
Chị mỉm cười kể, nước lại tràn qua mi mắt: “Gia đình tôi đông người. Vừa kịp biết thì đã có em trai, em gái. Trên có ông bà nội, cha mẹ, các cô. Nhà nghèo, khó khăn, thiếu thốn ai cũng như nhau. Thế rồi hồi 7, 8 tuổi, đi chăn bò, mấy bà trong xóm bảo “Mi là con nuôi, con lượm của ba mi”.
Về hỏi ba, ba nói: Tau đẻ mi trên bàn tay này, cứ nói với họ vậy...”.
Không biết chiến tranh là gì nhưng Huyền đã được nghe làng xóm kể đủ, từ chuyện mẹ trúng đạn chết đến chuyện được ba Tân mang về nuôi, từ chuyện cái ngã tư ngoài quốc lộ thời chiến tranh đến mái tranh nhà họ Đinh suốt những năm hòa bình.
Từ đó, cảm giác cô đơn, trơ trọi trên đời cứ len vào suy nghĩ của Huyền.
“Mẹ mất rồi, mình còn cha, còn anh em nào không?”, Huyền lúc nào cũng tự hỏi. Ngày 25-3 mỗi năm, khi nhà nhà treo cờ mừng ngày hòa bình thì Huyền làm mâm cơm, thắp nén nhang khấn người mẹ bất hạnh.
41 năm rồi, từ cha đến con vẫn luật quật mỗi ngày với mấy sào lúa, bắp, vài con bò, đàn vịt và hôm nay là lần đầu tiên họ cùng nhau nói câu chuyện ngày đầu tiên của tình cha con, lần đầu tiên Huyền thổ lộ trước mặt cha mẹ nuôi khao khát được tìm lại gia đình ruột thịt của mình.
Ông Tân lại vẫn an nhiên như chuyện dĩ nhiên phải thế: “Nghe Huyền nói vậy thì tôi cũng mong con tìm lại được gia đình mình.
Tôi không có công sinh, chỉ vì tình thương mà cùng gia đình nuôi dưỡng, chăm nom con, không đòi hỏi báo đáp gì, cốt sao nó được vui sướng hơn mình. Nếu Huyền tìm được gia đình ruột thịt, cả nhà tôi sẽ an tâm hơn”.
Chiến tranh đã đi qua rất lâu và bây giờ là những ngày tháng của hòa bình. Vậy mà những khoảng trống nghiệt ngã chiến tranh để lại trong đời Huyền vẫn chưa thể lấp đầy, nên nước mắt của Huyền vẫn cứ miên man không dứt.
“Nhưng mình là một người may mắn”, Huyền tự nhủ. Cô biết có nhiều người đang mang những vết thương chiến tranh còn sâu và đau hơn mình.
Diễu hành nghệ thuật tại phố đi bộ Nguyễn Huệ Chiều 27-4, ông Võ Trọng Nam - phó giám đốc Sở Văn hóa và thể thao TP.HCM - đã chủ trì cuộc họp thông tin về kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2016) và kỷ niệm 130 năm Ngày quốc tế lao động (1-5-1886 - 1-5-2016). Ông Nam cho biết ngoài chương trình bắn pháo hoa nghệ thuật tại nóc hầm Thủ Thiêm (Q.2) và công viên văn hóa Đầm Sen (Q.11) như hằng năm, năm nay Sở Văn hóa và thể thao TP.HCM sẽ tổ chức thêm chương trình diễu hành nghệ thuật và biểu diễn thể thao trên phố đi bộ Nguyễn Huệ lúc 18g-19g30 ngày 30-4 và 1-5. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận