Bệnh nhân điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Để điều trị cho bệnh nhân này, ngoài những êkip luôn túc trực bên bệnh nhân, còn có các chuyên gia hàng đầu từ Hà Nội, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM luôn có mặt 24/24 giờ để hội chẩn trực tuyến, tìm hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Trong vài giờ phải thay ca
Luôn có một êkip túc trực gồm một bác sĩ và 2 điều dưỡng của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới ngay bên bệnh nhân phi công người Anh để theo dõi sát những diễn biến. Do đây là căn bệnh lây nhiễm, bác sĩ, điều dưỡng trực đều phải mặc đồ bảo hộ chuyên dụng và cứ 3-4 giờ lại phải thay ca trực trong phòng áp lực âm.
Sau hơn một tháng điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, bệnh nhân 91 đã qua giai đoạn nguy kịch. Bệnh nhân đã có 3 lần âm tính với virus corona ở dịch rửa phế quản và một lần âm tính ở dịch mũi họng.
Bác sĩ CK2 Nguyễn Thanh Phong - trưởng khoa nhiễm D Bệnh viện Bệnh nhiệt đới - cho biết phổi của bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu phục hồi trở lại, bệnh nhân đã có những tín hiệu tốt hơn nhưng vẫn cần phải tiếp tục theo dõi các kết quả xét nghiệm với virus corona trong những ngày tiếp theo.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân có phản ứng miễn dịch rất dữ dội, sốt cao liên tục từ khi mắc bệnh, cơ thể tiết ra chất chống viêm tấn công phổi, thận và các cơ quan khác. Bệnh nhân có diễn tiến ngày càng xấu, suy hô hấp tăng dần, các bác sĩ phải hỗ trợ hô hấp thở oxy mũi, sau đó chuyển sang thở oxy mask (thở qua mặt nạ) và ngày 5-4 phải thở máy xâm lấn.
Sang ngày 6-4, bệnh nhân phải chạy máy ECMO (oxy hóa máu bằng màng ngoài cơ thể).
Các bác sĩ cho biết can thiệp máy ECMO để giúp phổi của bệnh nhân được tạm nghỉ nhiệm vụ cung cấp oxy cho toàn cơ thể mà chỉ thở để nuôi chính nó, chờ phản ứng viêm qua đi. Bệnh nhân đã được thở ECMO trong gần hai tuần. Các bác sĩ cho biết chờ phổi của bệnh nhân hồi phục lại mới cai được máy ECMO.
Vì sao khỏe mà chuyển biến nặng?
Các bác sĩ cũng cho biết quá trình chuyển biến nặng của bệnh nhân COVID-19 phụ thuộc nhiều yếu tố như cơ thể có thể gặp bất thường trong hệ thống miễn dịch, yếu tố độc lực của virus.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn từng đưa ra giải thích là bệnh nhân không thuộc nhóm tuổi có nguy cơ cao (trên 60 tuổi), cũng không có bệnh lý nền nhưng bệnh nhân lại thừa cân, béo phì với cân nặng 100kg.
Các bác sĩ điều trị bệnh sốt xuất huyết từng chia sẻ họ rất lo lắng khi điều trị cho một bệnh nhân béo phì mắc bệnh sốt xuất huyết. Trên cơ địa béo phì, khi bị siêu vi thâm nhập, tấn công, bệnh nhân thường có diễn tiến nặng hơn, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Quá trình điều trị cho ca bệnh 91 cũng có nhiều điểm đặc biệt. Sau 24 ngày điều trị, ngày 12-4, kết quả xét nghiệm dịch lấy ở phế quản và mũi họng bệnh nhân với virus corona đã cho kết quả âm tính. Tuy nhiên, chỉ sau đó một ngày, bệnh nhân lại có kết quả xét nghiệm dương tính trở lại, phổi tổn thương nặng hơn, hô hấp hoàn toàn lệ thuộc vào ECMO.
Đến sáng 16-4, xét nghiệm dịch rửa phế quản âm tính, song dịch ở mũi và họng dương tính. Đến ngày 19-4, bệnh nhân có kết quả âm tính với cả hai mẫu. Lý giải về kết quả xét nghiệm lúc âm tính, lúc dương tính, bác sĩ Thanh Phong cho rằng điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quy trình xét nghiệm, cơ địa bệnh nhân...
Dù bước đầu bệnh nhân 91 đã có những tín hiệu tốt hơn nhưng vẫn cần tiếp tục theo dõi trong những ngày tới. Hiện bệnh nhân vẫn tiếp tục được chăm sóc tích cực tại phòng áp lực âm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, với sự hỗ trợ của các chuyên gia tuần hoàn ngoài cơ thể từ Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bệnh nhân 91 ngụ tại Q.2, 43 tuổi, là phi công hãng hàng không Vietnam Airlines. Từ ngày 13 đến 18-3 ông lưu trú tại TP.HCM và tới một số địa điểm ăn uống, giải trí, trong đó có bar Buddha ở Q.2.
Ngày 17-3, bệnh nhân khởi phát sốt, ho. Đến chiều 18-3, bệnh nhân tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM khám và được xác định dương tính với COVID-19. Bệnh nhân được theo dõi và điều trị tại bệnh viện này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận