23/08/2023 16:11 GMT+7

Ngày 24-8, Nhật xả nước thải hạt nhân ra Thái Bình Dương, nước này được xử lý ra sao?

Nước thải hạt nhân từ Nhà máy Fukushima sẽ được Nhật Bản xả ra Thái Bình Dương từ ngày 24-8, một sự kiện khiến nhiều quốc gia lo lắng.

Khu vực đổ nước thải hạt nhân ra Thái Bình Dương của Nhà máy Fukushima - Ảnh: BLOOMBERG

Khu vực đổ nước thải hạt nhân ra Thái Bình Dương của Nhà máy Fukushima - Ảnh: BLOOMBERG

Sau cuộc họp của Hội đồng nội các, Thủ tướng Nhật Kishida Fumio ngày 22-8 xác nhận quá trình xả nước thải từ thảm họa của Nhà máy hạt nhân Fukushima ra Thái Bình Dương sẽ bắt đầu vào ngày 24-8.

“Nếu không có vấn đề gì về thời tiết và điều kiện biển, chúng tôi dự kiến việc xả nước sẽ bắt đầu. Chính phủ Nhật Bản sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo đề xuất này được thực hiện an toàn, ngay cả khi phải mất hàng thập kỷ mới thải hết toàn bộ nước đã qua xử lý”, ông Kishida khẳng định.

Nhiều nơi phản đối xả nước thải hạt nhân

Trung Quốc phản đối kịch liệt kế hoạch xả thải và đe dọa sẽ mở rộng hạn chế nhập khẩu thủy sản từ Nhật. Trong khi đó, nhiều công ty Nhật bao gồm các thương hiệu mỹ phẩm phải đối mặt với sự tẩy chay của người tiêu dùng.

Một số nhà hàng ở Hong Kong vội vã tìm kiếm lựa chọn thay thế nguồn thủy sản có nguồn gốc từ Nhật.

Các cuộc biểu tình công khai đã diễn ra ở Hàn Quốc, bất chấp sự ủng hộ của chính phủ đối với kế hoạch của Nhật Bản.

Nhật phải tiêu tốn khoảng 12.000 tỉ yen (83 tỉ USD) để ứng phó với thảm họa này.

Một trong những thành phần quan trọng nhất và gây tranh cãi nhất thế giới hiện nay, đó một đường ống dẫn nước thải rộng 10cm.

Đây là đường ống dẫn nước làm mát các lò phản ứng bị hư hỏng ra Thái Bình Dương để thải bỏ.

Các ống được sử dụng để pha loãng nước thải tại Nhà máy Fukushima - Ảnh BLOOMBERG

Các ống được sử dụng để pha loãng nước thải tại Nhà máy Fukushima - Ảnh BLOOMBERG

Hiện trong nhà máy có hơn 1 triệu mét khối nước phóng xạ đã qua xử lý đang được lưu trữ trong khoảng 1.000 bể chứa.

Nước sẽ được xử lý bằng quy trình lọc được gọi là Hệ thống tiên tiến xử lý chất lỏng (ALPS).

Theo các chuyên gia, việc giải phóng khối lượng nước khổng lồ là cần thiết vì các bể chứa được dự báo sẽ đạt công suất vào đầu năm 2024. Mặt khác, việc ngừng hoạt động hoàn toàn địa điểm này không cho phép bổ sung thêm các bể chứa khổng lồ.

Vào tháng 7, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết: “Việc xả dần nước đã qua xử lý vào Thái Bình Dương sẽ có tác động phóng xạ không đáng kể đến con người và môi trường”. Đồng thời cơ quan này cũng chấp thuận đề xuất của Nhật, sau khi xem xét mức độ an toàn kéo dài 2 năm.

Quy trình lọc nước và xả thải

Cá bơn sống trong bể cá chứa đầy nước thải đã qua xử lý tại phòng thí nghiệm ở Nhà máy Fukushima vào tháng 7 - Ảnh: BLOOMBERG

Cá bơn sống trong bể cá chứa đầy nước thải đã qua xử lý tại phòng thí nghiệm ở Nhà máy Fukushima vào tháng 7 - Ảnh: BLOOMBERG

Theo ông Junichi Matsumoto - giám đốc quản lý nước của hệ thống ALPS, kế hoạch xả thải sẽ kéo dài khoảng 30 năm để giải phóng các lô nước đã qua xử lý.

Trước khi xả, nước sẽ qua một quy trình gồm 4 bước cơ bản: đo lường và xác nhận, chuyển giao, pha loãng và xả.

Nước được bơm vào các lò phản ứng để làm mát lò, sau đó được xử lý thông qua Hệ thống ALPS. Giai đoạn này sử dụng một loạt phản ứng hóa học để giảm nồng độ hạt nhân phóng xạ.

Quá trình trên không thể loại bỏ tritium - một dạng hydro phóng xạ yếu. Mặc dù nó có thể gây ung thư ở mức độ cao, nhưng con người sẽ cần phải hấp thụ hàng tỉ đơn vị becquerel - một thước đo độ phóng xạ - mới ảnh hưởng đến sức khỏe. Nước do Tepco thải ra sẽ có nồng độ dưới 1.500 becquerel/lít.

Sau quá trình xử lý ban đầu, nước được chuyển sang các bình để trộn và lưu thông trong 144 giờ. Công ty phân tích độc lập Kaken Co. và Cơ quan Năng lượng nguyên tử Nhật sau đó sẽ bắt đầu quá trình xét nghiệm tiếp theo và có thể kéo dài khoảng 2 tháng.

Tại khu vực pha loãng của cơ sở, ba máy bơm lớn hút nước biển trộn với chất lỏng đã xử lý để đảm bảo nồng độ tritium “thấp hơn nhiều” so với hướng dẫn của Chính phủ Nhật Bản và Tổ chức Y tế thế giới. Tepco tính toán khi quá trình hoàn tất, nước đã qua xử lý sẽ bị pha loãng hơn 350 lần.

Chất lỏng pha loãng đó sau đó di chuyển vào một bể ngầm một phần để lấy mẫu thêm. Trong các bước tiếp theo, nước chảy qua một bình chứa sâu hơn và sau đó dọc theo đường hầm dài 1km sâu 12m để xả.

Chính phủ Nhật Bản cho biết các nhà máy điện hạt nhân trên toàn cầu đều thải ra nước có chứa tritium.

Đối với Thủ tướng Kishida, việc xoa dịu những lo ngại cả trong nước và quốc tế về quá trình xả thải này rất quan trọng. Đặc biệt, Nhật Bản cũng đang tìm cách tăng cường an ninh năng lượng bằng cách khôi phục ngành điện hạt nhân quốc gia.

Trung Quốc triệu tập đại sứ Nhật Bản để phản đối việc xả nước thải ra biểnTrung Quốc triệu tập đại sứ Nhật Bản để phản đối việc xả nước thải ra biển

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đã triệu tập đại sứ Nhật Bản để phản đối việc Tokyo sắp xả nước thải còn dấu vết phóng xạ từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên