Ngành bao bì và tái chế 'bứt tốc' trên đường đua xanh

Ngày càng nhiều doanh nghiệp chuyển đổi xanh, đầu tư bao bì theo chuẩn bền vững xuyên suốt từ thiết kế đầu vào đến tái chế đầu ra.

Ngành bao bì và tái chế 'bứt tốc' trên đường đua xanh - Ảnh 1.

Chị Đoàn Trần Hoàng My sử dụng máy Botol đặt tại cửa hàng Annam Gourmet để tái chế các chai nhựa - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa và bao bì. Sự bùng nổ của thương mại điện tử trong những năm gần đây càng làm trầm trọng thêm bài toán này, khi bao bì đóng gói - chủ yếu là nhựa, xốp và túi ni lông - được sử dụng dày đặc và gần như chỉ dùng một lần trước khi bị thải bỏ.

Áp lực từ những con số

Trước suy thoái môi trường ngày càng rõ nét, nhận thức và hành vi tiêu dùng cũng thay đổi mạnh mẽ. "Tiêu dùng xanh" không chỉ còn là phong trào nhất thời, mà đã dần trở thành thói quen sinh hoạt thường nhật của nhiều người.

Theo khảo sát của Nielsen Việt Nam, khoảng 65% người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm có bao bì xanh, bền vững, thân thiện với môi trường. Vietnam Report năm 2024 cũng ghi nhận 92,1% người tiêu dùng đặc biệt quan tâm đến tính thân thiện môi trường của bao bì, tăng 12,5% so với năm trước.

Một khảo sát khác của Vietnam Report cho thấy 57,4% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả thêm nếu bao bì thân thiện với môi trường và mức giá không chênh lệch quá nhiều so với loại bao bì thông thường. Đáng chú ý, theo nghiên cứu của McKinsey (2021), 70% người thuộc thế hệ Gen Z trên toàn cầu sẵn sàng chi trả cao hơn cho sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, chị Nguyễn Thị Hà Lan (30 tuổi, ngụ TP.HCM) cho biết trước đây gần như không quan tâm đến chất liệu bao bì khi mua sắm. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, sau khi theo dõi báo chí và các bản tin thời sự, chị bắt đầu chú ý hơn và ưu tiên các sản phẩm sử dụng bao bì giấy hoặc vật liệu có thể tái chế.

bao bì - Ảnh 2.

Túi tái sử dụng nhiều lần ở Annam Gourmet Thảo Điền được nhiều người tiêu dùng lựa chọn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

"Mỗi lần đi siêu thị, tôi thường tránh mua sản phẩm đóng gói bằng hộp xốp hay bao bì nhựa ni lông. Ngay cả túi đựng rác trong nhà, tôi cũng chọn loại có nhãn 'thân thiện với môi trường'. Dù giá có nhỉnh hơn, tôi vẫn chấp nhận", chị Hà Lan chia sẻ.

Khởi đầu của một vòng đời xanh

Nắm bắt xu thế tiêu dùng mới và áp lực cạnh tranh, các doanh nghiệp bao bì, tái chế không ngừng đổi mới để thích nghi.

Nguyễn Đỗ Thu Minh, trưởng phòng phát triển bền vững Công ty cổ phần Tetra Pak Việt Nam, cho biết đơn vị này đang theo đuổi mô hình phát triển bền vững toàn diện, bao trùm toàn bộ vòng đời của bao bì: từ khâu thiết kế, sản xuất, sử dng đến thu gom và tái chế.

Tại Việt Nam, doanh nghiệp này đang mở rộng mạng lưới thu gom, tăng cường năng lực xử lý bao bì sau sử dụng. Tính đến giữa năm 2025, doanh nghiệp đã và đang hợp tác với 3 đơn vị tái chế, 6 đơn vị thu gom, cùng hệ thống cộng tác với các điểm thu gom trên toàn quốc. 

Tetra Pak đồng thời là thành viên sáng lập của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), chia sẻ sứ mệnh làm cho quá trình thu gom, tái chế bao bì diễn ra một cách dễ tiếp cận và bền vững hơn, từ đó thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

"Tầm nhìn của tập đoàn là phát triển dòng bao bì thực phẩm 'bền vững nhất thế giới', không chỉ giảm thiểu tác động môi trường mà còn tối ưu hiệu quả sử dụng và khả năng tái chế", bà Minh cho biết.

Trong khi đó, ở lĩnh vực bao bì nhựa - vốn chịu nhiều chỉ trích do tính khó phân hủy - nay đã có những bước chuyển mình với sự phát triển của ngành tái chế nhựa tại Việt Nam trong những năm qua.

Ngành bao bì và tái chế 'bứt tốc' trên đường đua xanh - Ảnh 3.

Các sản phẩm bao bì xanh và giải pháp tái chế mới nhất của Tetra Pak được giới thiệu tại một triển lãm ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Công ty Circular Plastics Company (CPC), một trong những đơn vị tiên phong trong tái chế nhựa PET công nghệ cao tại Việt Nam, đang tập trung xử lý ba "nút thắt" lớn của ngành: loại bỏ nhãn PVC, kiểm soát tác động từ chai siêu nhẹ và cải thiện độ nhớt của nhựa tái chế.

Theo đại diện CPC, nhãn co PVC (thường xuất hiện trên chai PET) có nhiệt độ nóng chảy thấp, sinh khí độc và để lại cặn cháy trong quá trình tái chế, gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm đầu ra.

CPC đã đầu tư hệ thống phân loại tự động nhiều bước, kết hợp rửa bằng ma sát và sử dụng máy phân ly khí để tách riêng mảnh PVC ra khỏi PET. Song song đó, kiểm soát tác động từ chai siêu nhẹ, CPC đã triển khai công nghệ nghiền ướt, giúp kiểm soát lượng bụi và ổn định chất lượng nguyên liệu tái chế.

Đáng chú ý, nhựa PET sau sử dụng thường có độ nhớt nội tại (IV) thấp, ảnh hưởng đến khả năng gia công thành phẩm. CPC đã ứng dụng quy trình polycondensation trong môi trường chân không để nâng chỉ số IV và loại bỏ mùi không mong muốn. Đây cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo nhựa tái chế có thể quay trở lại chuỗi sản xuất bao bì thực phẩm.

bao bì - Ảnh 4.

Các chai nhựa PET sau tiêu dùng được thu gom, phân loại và đóng kiện trước khi được đưa vào quy trình tái chế tại nhà máy - Ảnh: CPC.

bao bì - Ảnh 5.

Dây chuyền sàng lọc chai nhựa PET tại nhà máy tái chế của CPC - Ảnh: CPC.

Không chỉ các nhà sản xuất bao bì, các doanh nghiệp tiêu dùng lớn cũng đang điều chỉnh chính sách sử dụng bao bì, dưới áp lực từ người tiêu dùng và mục tiêu ESG (môi trường xã hội - quản trị).

Đại diện Công ty thực phẩm Orion Vina cho biết từ năm 2021, Orion chính thức khởi động dự án "Bao bì hiền lành" dựa trên 5 yếu tố cốt lõi: sử dụng vật liệu có thể tái chế hoặc có nguồn gốc tái chế, giảm thiểu hàm lượng nhựa, giảm hàm lượng mực in, giảm kích thước bao bì, sử dụng vật liệu có nguồn gốc hữu cơ hoặc phân hủy sinh học…

"Tâm điểm trong mọi hoạt động của Orion là tạo ra giá trị bền vững, đồng thời truyền cảm hứng sống xanh tới cộng đồng", đại diện Orion chia sẻ.

Ngành bao bì và tái chế 'bứt tốc' trên đường đua xanh - Ảnh 6.

Orion Vina triển khai dự án “Bao bì hiền lành” với 5 tiêu chí: dùng vật liệu tái chế hoặc có thể tái chế, giảm nhựa, giảm mực in, thu gọn bao bì và ưu tiên vật liệu hữu cơ hoặc phân hủy sinh học - Ảnh: Orion Vina

Chuyển đổi xanh là bắt buộc

Theo Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), chuyển đổi sang kinh tế xanh không còn là lựa chọn, mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc với doanh nghiệp.

Chính phủ đã xác định rõ quan điểm "không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế" và từng bước triển khai các chính sách thúc đẩy chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Luật Bảo vệ môi trường 2020, cùng các chính sách như trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và Chiến lược quốc gia về kinh tế tuần hoàn, đang tạo hành lang pháp lý yêu cầu doanh nghiệp báo cáo phát thải, sử dụng hiệu quả tài nguyên và tăng cường tái chế.

Bên cạnh áp lực trong nước, doanh nghiệp Việt còn đối mặt với yêu cầu ngày càng khắt khe từ chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều thị trường xuất khẩu lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản đã siết tiêu chuẩn môi trường, buộc doanh nghiệp phải tuân thủ nếu không muốn bị loại khỏi sân chơi quốc tế.

Ngành bao bì và tái chế 'bứt tốc' trên đường đua xanh - Ảnh 7.Dự án Việt Nam Xanh đạt Giải Nhì giải Báo chí TP.HCM lần thứ 43

Ngày 19-6, tại Lễ trao Giải Báo chí TP.HCM lần thứ 43, tuyến truyền thông “Việt Nam Xanh” do báo Tuổi Trẻ thực hiện đã vinh dự được trao Giải Nhì - hạng mục công trình tập thể.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên