16/05/2016 11:14 GMT+7

Ngân hàng Tiên Phong chặn kịp tin tặc trộm 1,13 triệu USD 

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Ngân hàng cổ phần thương mại Tiên Phong vừa khẳng định việc họ từng là mục tiêu trong vụ những kẻ tin tặc tìm cách đánh cắp 1,13 triệu USD cuối năm ngoái.

Giới tin tặc hiện nay không chỉ tìm cách đánh cắp thông tin thẻ tín dụng mà còn đang khai thác cả những kẽ hở công nghệ của các ngân hàng nhằm trộm cắp số tiền lớn hơn nhiều - Ảnh: Bloomberg

Theo Bloomberg, thông tin do thông cáo của Ngân hàng Tiên Phong cung cấp cho Hãng tin Reuters hôm qua, 15-5.

Những kẻ tấn công đã sử dụng dạng thức đặt lệnh giao dịch hơn 1 triệu euro (1,13 triệu USD) thông qua một ứng dụng phần mềm của bên thứ ba do Ngân hàng Tiên Phong sử dụng để kết nối với hệ thống thanh toán quốc tế Swift. Tuy nhiên lệnh giao dịch này đã bị chặn lại.

Swift là một tổ chức có trụ sở tại Bỉ. Công nghệ giao dịch chuyển tiền và thực hiện các tác vụ tài chính khác của tổ chức này hiện đang được sử dụng tại hơn 11.000 ngân hàng và các tổ chức tài chính trên thế giới.

Từ thứ 6 tuần trước, 13-5, Swift đã gửi cảnh báo tới các khách hàng của họ về việc tin tặc đã lợi dụng hệ thống thanh toán của Swift để tấn công một tổ chức tài chính thứ hai.

Đây là âm mưu trộm tiền qua mạng lớn thứ hai sau vụ mất cắp qua mạng lớn nhất trong lịch sử xảy ra trước đó với Bangladesh.

Theo đó tài khoản của Ngân hàng trung ương Bangladesh tại Ngân hàng Dự dữ liên bang New York hồi tháng 2 đã bị mất cắp hơn 80 triệu USD.

Tuy nhiên trong thông báo đó, Swift không nêu rõ tên tổ chức tài chính là gì mà chỉ nói đó là một khách hàng ngân hàng thương mại.

Thông cáo của Ngân hàng Tiên Phong cho biết: “Thông qua hệ thống giám sát và cảnh báo nguy cơ cùng một quá trình kiểm soát nội bộ chặt chẽ, TPBank đã xác định được khoản giao dịch khả nghi trị giá hơn 1 triệu euro do các tin nhắn giao dịch Swift không phải do chính ngân hàng thực hiện. Vụ tấn công này đã không gây ra bất cứ tổn thất nào, cũng không ảnh hưởng tới hệ thống SWIFT nói riêng cũng như hệ thống giao dịch giữa ngân hàng Tiên Phong và các khách hàng nói chung”.

Ngân hàng Tiên Phong cũng cho biết họ không còn dùng ứng dụng giao dịch do bên thứ ba cung cấp nữa. Mặc dù Ngân hàng Tiên Phong không nêu tên ứng dụng này nhưng Swift cũng đã cảnh báo việc ứng dụng đó rất có thể đã bị sử dụng trong âm mưu tấn công vừa rồi.

Trong vụ mất tiền của Bangladesh, quan chức chính phủ Mohammed Farashuddin ngày 15-5 cho biết ứng dụng mã độc được nhóm tin tặc sử dụng đã được viết tại Pakistan hoặc CHDCND Triều Tiên.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên