Trà Vinh sẽ rút kinh nghiệm vụ tuyển 2.100 lao động TQGiở “chiêu trò” để không tuyển lao động Việt NamTuyển hơn 2.100 lao động Trung Quốc: Mập mờ với người trong nhà
Thông tin này đăng trên báo Tuổi Trẻ đã thu hút sự quan tâm lớn của người dân với hàng trăm phản hồi của bạn đọc trên cả nước gửi về báo những ngày qua. Đa số bạn đọc đều không đồng tình cũng như đặt ra những góc nhìn khác với rất nhiều câu cảm thán: Không hiểu nổi!
Bạn đọc không thể hiểu nổi bởi theo thống kê, cả nước đang có đến 72.000 lao động tốt nghiệp đại học, cao đẳng chưa có việc làm. Ở góc độ hẹp hơn, ngay như tỉnh Trà Vinh, theo thống kê của Sở Lao động - thương binh và xã hội, cũng có đến 1.749 người đang phải nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp với số tiền chi lên đến 10,6 tỉ đồng trong sáu tháng đầu năm 2014.
Thực tế có phải do không tuyển được lao động kỹ thuật cao của Việt Nam nên mới cho phép tuyển lao động Trung Quốc? Bởi ngay trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, một “thung lũng Silicon” do tiến sĩ Việt kiều Canada Nguyễn Thanh Mỹ sáng lập với cả Tập đoàn Mỹ Lan bao gồm nhiều công ty con đang thu hút hàng trăm lao động kỹ thuật cao Việt Nam để sản xuất ra những mặt hàng xuất đi thị trường các nước tiên tiến với lợi nhuận mang về vài chục triệu USD (sau thuế) mỗi năm.
Trong đó sản phẩm đáng quan tâm nhất của Tập đoàn Mỹ Lan là bản in offset CTP nhiệt (computer to plate) và sản phẩm in bản kẽm CTCP chiếm đến khoảng 60% thị phần trên thế giới và khoảng 30% nhà in của Mỹ đang sử dụng hai sản phẩm này. Thậm chí các kỹ sư của Tập đoàn Mỹ Lan còn phụ đạo trong giảng dạy về điện tử, chất dẻo linh động active polymer - một trong những ngành rất mới trên thế giới - cho các giảng viên ở Trường đại học Trà Vinh. Như vậy, những công nghệ mà Tập đoàn Mỹ Lan đang áp dụng lại không cao hơn công nghệ của Trung Quốc đang triển khai ở Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 hay sao?
Còn về phía Công ty China Chengda Engineering, họ lại dùng những chiêu trò như mập mờ trong thông tin tuyển dụng, gây khó khăn cho người lao động; giở đủ mánh khóe để làm khó khăn, không hợp tác với các trung tâm giới thiệu việc làm; không trả lời, không mời phỏng vấn khi người lao động nộp hồ sơ... Để rồi sau cùng nói không tuyển được lao động Việt Nam nhằm xin phép đưa một lượng lớn lao động Trung Quốc sang Trà Vinh làm việc.
Với cơ chế, cách làm việc thiếu quan tâm, sâu sát ở nhiều địa phương hiện nay cũng như những chiêu trò của nhà thầu Trung Quốc, chắc chắn người lao động Việt Nam còn bị bó chân, trói tay, không có cơ hội để cạnh tranh với lao động người Trung Quốc ngay trên chính quê hương của mình.
Và không chỉ ở Trà Vinh. Tại Hà Tĩnh với “Formosa”, tại tỉnh Thanh Hóa với “nhà thầu Viện nghiên cứu và thiết kế ximăng Hợp Phì”, Bình Thuận với “công trình Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân”... và đặc biệt là Tây nguyên với “dự án bôxit” đang có số lượng lớn lao động người Trung Quốc làm việc tại đây. Rõ ràng cùng với việc gấp rút bổ sung những quy định có tính ràng buộc chặt chẽ hơn, chính quyền các địa phương cũng phải tích cực tạo cơ hội cho người dân của mình cũng như lao động Việt Nam vào làm việc trong những công trình, nhà máy trên quê hương thì mới mong ngăn chặn được những chiêu trò tìm cách đưa lao động có quốc tịch Trung Quốc sang làm việc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận