Một chiếc xe bọc thép của Nga đậu bên ngoài nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ngày 1-9 - Ảnh: REUTERS
Nga và Ukraine đều đưa ra tuyên bố về Zaporizhzhia - nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu - trong ngày 5-10.
Nhà máy này đã trở thành tâm điểm quan tâm của quốc tế do khả năng xảy ra thảm họa hạt nhân, sau các cuộc pháo kích vào khu vực này. Cả Matxcơva và Kiev đều đổ lỗi cho nhau về các cuộc pháo kích.
Theo Hãng tin Reuters, Nga đã kiểm soát Zaporizhzhia vào tháng 3 ngay sau khi phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine, nhưng các nhân viên Ukraine vẫn chịu trách nhiệm vận hành nhà máy.
Zaporizhzhia nằm ở tỉnh Zaporizhzhia phía nam Ukraine, thuộc một trong bốn khu vực Tổng thống Vladimir Putin chính thức sáp nhập vào Nga từ ngày 4-10.
Hãng thông tấn RIA dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin cho biết: "Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia hiện nằm trên lãnh thổ Liên bang Nga và theo đó, cần được vận hành dưới sự giám sát của các cơ quan liên quan của chúng tôi".
Ông Putin sau đó đã ký một sắc lệnh chỉ định Zaporizhzhia là "tài sản liên bang".
Cơ quan điều hành năng lượng hạt nhân của Nga Rosenergoatom cho biết sẽ tiến hành đánh giá phương án sửa chữa hỏng hóc và chuyển tất cả nhân viên Ukraine hiện có sang một tổ chức mới do Nga làm chủ.
Theo Rosenergoatom, tổ chức vận hành mới được thiết kế nhằm đảm bảo sự vận hành an toàn của nhà máy và các hoạt động chuyên môn của nhân viên hiện có tại đây.
Ở một diễn biến liên quan, ông Petro Kotin, người đứng đầu công ty năng lượng hạt nhân nhà nước Ukraine (Energoatom), cho biết bản thân đang phụ trách Zaporizhzhia và ông kêu gọi các công nhân ở đó không ký bất kỳ văn bản nào với phía Nga.
"Tất cả các quyết định tiếp theo liên quan đến hoạt động của trạm sẽ được thực hiện trực tiếp tại văn phòng trung tâm của Energoatom", ông Kotin cho biết.
Nhà lãnh đạo trên nói thêm: "Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc theo luật pháp Ukraine, trong hệ thống năng lượng Ukraine, trong Energoatom".
Cố vấn Mykhailo Podolyak của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi phản ứng lập tức với "nỗ lực tấn công pháp lý" của ông Putin. Viết trên Twitter, ông kêu gọi các biện pháp trừng phạt đối với Rosatom, nhà cung cấp năng lượng hạt nhân thuộc sở hữu của nhà nước Nga.
Ông Podolyak cũng yêu cầu ngừng mọi hoạt động xây dựng cơ sở hạt nhân với Rosatom và từ chối mọi quan hệ đối tác hạt nhân với Nga.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận