11/01/2024 23:25 GMT+7

Nga dọa phản ứng hạt nhân nếu bị Ukraine tấn công vào bãi phóng tên lửa

Cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev cảnh báo nước này sẽ phản ứng bằng hạt nhân nếu Ukraine tấn công vào các bãi phóng tên lửa bên trong lãnh thổ Nga.

Cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev trong chuyến thăm khu vực Volgograd ở miền nam nước này đầu năm 2023 - Ảnh: AFP

Cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev trong chuyến thăm khu vực Volgograd ở miền nam nước này đầu năm 2023 - Ảnh: AFP

Ngày 11-1, ông Medvedev nói rằng một số chỉ huy quân sự Ukraine đã bàn kế hoạch sử dụng các tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công các điểm phóng tên lửa ở Nga.

Tuy nhiên, ông không nêu tên các chỉ huy cũng như chi tiết về kế hoạch này.

"Điều này có nghĩa là gì? Nó chỉ có nghĩa rằng họ có nguy cơ kích hoạt đoạn 19 trong các nguyên tắc cơ bản trong chính sách nhà nước của Nga trong lĩnh vực răn đe hạt nhân. Họ nên nhớ như thế", ông Medvedev, hiện giữ chức phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, viết trên Telegram.

Đoạn 19 trong học thuyết hạt nhân năm 2020 của Nga đặt ra các điều kiện mà theo đó tổng thống Nga sẽ cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Nó bao gồm phản ứng trước một cuộc tấn công sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, hoặc việc sử dụng vũ khí thông thường chống lại Nga "khi sự tồn tại của đất nước đang bị đe dọa".

Dù Tổng thống Nga Vladimir Putin là người ra quyết định đối với kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Nga, nhưng các nhà ngoại giao cho rằng phát biểu của ông Medvedev cho thấy lập trường cứng rắn ở cấp cao nhất ở Điện Kremlin.

Trước đó, ông Medvedev cũng nhiều lần nhắc đến vũ khí hạt nhân trong các phát biểu về vấn đề Ukraine, mà theo phương Tây là nhằm gây chú ý hoặc ngăn cản việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Đến nay, Mỹ và các đồng minh đã cam kết viện trợ quân sự trị giá gần 250 tỉ USD và các hỗ trợ khác cho Kiev.

Nga và Mỹ cho đến nay là các cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, với Nga có 5.889 đầu đạn hạt nhân, trong khi Mỹ có khoảng 5.244 đầu đạn hạt nhân.

Ông Zelensky: Ukraine không thể thiếu viện trợ từ phương Tây

Cuộc chiến ở Ukraine đang chuẩn bị tròn 2 năm kể từ khi xung đột nổ ra vào cuối tháng 2-2022.

Có mặt tại Estonia ngày 11-1 trong chuyến công du khu vực Baltic, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng việc ngừng chiến chỉ có lợi cho Nga.

"Việc tạm dừng sẽ không dẫn đến kết thúc chiến tranh, nó sẽ không dẫn đến đối thoại chính trị với Nga hay ai khác...", Hãng tin Reuters dẫn lời ông Zelensky nói, cho rằng Nga đang thiếu hụt đạn dược và củng cố lực lượng lính tinh nhuệ.

Dù vậy, ông thừa nhận chiến tranh lâu dài cũng không tốt cho Ukraine và Kiev sẽ khó tồn tại trừ khi nhận được gói hỗ trợ tài chính bị trì hoãn từ Liên minh châu Âu.

Nga triển khai hệ thống tên lửa Yars có khả năng mang đầu đạn hạt nhân sát biên giới UkraineNga triển khai hệ thống tên lửa Yars có khả năng mang đầu đạn hạt nhân sát biên giới Ukraine

Quân đội Nga thông báo hoàn tất quá trình triển khai hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars tại căn cứ Kozelsk, vùng Kaluga.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Nga Ukraine hạt nhân