22/02/2022 06:05 GMT+7

Nga công nhận độc lập của 2 khu vực ở miền đông Ukraine

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Các nước phương Tây gồm Mỹ, Đức, Pháp, Anh khẳng định sẽ phản ứng với quyết định công nhận độc lập với hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine (Donetsk và Luhansk) của Nga.

Nga công nhận độc lập của 2 khu vực ở miền đông Ukraine - Ảnh 1.

Người ủng hộ Nga vui mừng với quyết định công nhận hai khu vực ly khai do Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine là các thực thể độc lập của Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21-2 ở Donetsk - Ảnh: REUTERS

Ngày 21-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin có bài phát biểu dài yêu cầu các nhà lập pháp của nước này công nhận hai nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk ở Ukraine.

Theo Reuters, xuất hiện trên truyền hình, ông Putin, trông có vẻ tức giận, khẳng định Ukraine là một phần không thể thiếu trong lịch sử của Nga và miền đông Ukraine là vùng đất cổ của Nga. Ông tin tưởng rằng người dân Nga sẽ ủng hộ quyết định của mình.

Quân đội Nga sẽ được mời vào?

Truyền hình nhà nước Nga chiếu cảnh ông Putin, cùng với các nhà lãnh đạo phe ly khai do Nga hậu thuẫn, ký sắc lệnh công nhận nền độc lập của hai vùng ly khai Ukraine cùng với các thỏa thuận hợp tác và hữu nghị.

Vài giờ sau đó, ông ra lệnh cho quân đội Nga hoạt động như "những người gìn giữ hòa bình" ở khu vực ly khai Donetsk và Luhansk.

Theo Hãng tin AFP, ông Putin đã chỉ thị cho Bộ Quốc phòng đảm nhận "chức năng gìn giữ hòa bình" ở các khu vực Donetsk và Lugansk.

Phía Matxcơva không nêu thêm chi tiết cũng như thời điểm và quy mô của bất kỳ đợt triển khai nào mà chỉ nói rằng lệnh "có hiệu lực kể từ ngày ký".

Hành động công nhận độc lập của Donetsk và Lugansk của ông Putin cho phép phe ly khai chính thức mời quân đội Nga vào trong vùng lãnh thổ miền Đông của Ukraine.

Nga công nhận độc lập của 2 khu vực ở miền đông Ukraine - Ảnh 2.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh công nhận hai khu vực ly khai Donetsk và Luhansk của Ukraine ngày 21-2 - Ảnh: REUTERS

Trong tuyên bố của mình, ông Putin gọi hai vùng lãnh thổ đòi ly khai với Ukraine là Cộng hòa nhân dân Luhanks và Cộng hòa nhân dân Donetsk.

Cả hai khu vực này đều là những vùng lãnh thổ tự trị bởi lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine, sau khi xảy ra các cuộc giao tranh với chính quyền Kiev vào năm 2014.

Sự công nhận của Nga với hai vùng lãnh thổ này, trong mắt phương Tây, là một sự leo thang nghiêm trọng, thủ tiêu các thỏa thuận Hiệp định Minsk, năm 2015, mà nhiều người tin rằng có thể giúp tìm ra một phương cách ngoại giao thoát khỏi bế tắc hiện tại.

Tuy nhiên, ông Putin khẳng định Nga “đã làm tất cả để đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, trong đó có việc “đấu tranh để thực hiện các thỏa thuận Minsk”, song đều vô ích.

Cũng trong bài phát biểu, nhà lãnh đạo Nga một lần nữa nêu lên vấn đề Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kết nạp Ukraine. Theo ông Putin, Matxcơva có cơ sở để khẳng định việc Ukraine gia nhập NATO và sau đó là việc triển khai các cơ sở của NATO trên lãnh thổ Ukraine chỉ là “vấn đề thời gian”, coi đây là “đòn tấn công chủ động” của phương Tây đối với nước Nga. 

Tổng thống Nga nhấn mạnh các đề xuất về đảm bảo an ninh của Nga đưa ra hồi tháng 12-2021 đã bị bỏ qua nên Matxcơva có “toàn quyền áp dụng các biện pháp đáp trả để đảm bảo an ninh của mình”.

Ông Putin gọi cho Đức và Pháp

Theo Hãng tin Reuters, ông Putin đã gọi điện cho Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong ngày 21-2 để thông báo việc công nhận nền độc lập của Donetsk và Luhansk. Điện Kremlin cho biết cả hai (lãnh đạo Pháp và Đức) đều bày tỏ sự thất vọng về quyết định này.

Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn của Thủ tướng Đức Olaf Scholz về thông tin này sau khi ông Scholz nói chuyện điện thoại với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Mỹ Joe Biden sau bài phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Người phát ngôn không nói rõ các biện pháp trừng phạt mà các nước phương Tây sẽ áp đặt lên Nga nhưng khẳng định: "Các đối tác đã thống nhất là quyết tâm không giảm bớt các cam kết của họ với sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".

Tương tự, Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết bà đồng ý với người đứng đầu về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell rằng Anh và EU sẽ phối hợp để đưa ra các biện pháp trừng phạt nhanh chóng với Nga.

"Chúng tôi đã nhất trí sẽ phối hợp để đưa ra các biện pháp trừng phạt nhanh chóng chống lại chính quyền của Tổng thống Putin và sát cánh cùng Ukraine", bà Truss viết trên Twitter.

Ngày 21-2, sau tuyên bố của ông Putin, Nhà Trắng Mỹ cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ sớm ban hành lệnh "cấm người Mỹ đầu tư, thương mại và tài chính, kể cả đầu vào hoặc ra" ở hai khu vực ly khai là Donetsk và Luhansk, hiện nằm dưới sự kiểm soát của phe ly khai do Nga hậu thuẫn, vừa được ông Putin công nhận.

Bà Jen Psaki, người phát ngôn của Nhà Trắng, cho biết Washington "cũng sẽ sớm công bố các biện pháp bổ sung liên quan đến sự vi phạm trắng trợn các cam kết quốc tế của Nga hiện nay".

"Những biện pháp này riêng biệt và là bổ sung cho các biện pháp cấm vận kinh tế nhanh chóng và mạnh mẽ mà Mỹ đã và đang chuẩn bị trong sự phối hợp với đồng minh và các quốc gia đối tác nếu Nga có hành động quân sự với Ukraine", bà Psaki nói.

Donetsk cho biết có thường dân bị thương do pháo kích của Ukraine Donetsk cho biết có thường dân bị thương do pháo kích của Ukraine

TTO - Một nguồn tin của Sputnik cho biết một quả đạn pháo có thể đã phát nổ trên lãnh thổ quận Tarasovsky của vùng Rostov, cách biên giới giữa Liên bang Nga với Ukraine 1km.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên