21/02/2022 14:29 GMT+7

Giá dầu thế giới 'nhảy múa' trước tình hình Ukraine

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Giá dầu thô thế giới tăng rồi lại giảm trong đầu ngày 21-2 tương ứng các diễn biến mới liên quan tình hình Ukraine. Đến trưa cùng ngày, thị trường mới dần "bình tĩnh" trở lại, theo Hãng tin Reuters.

Giá dầu thế giới nhảy múa trước tình hình Ukraine - Ảnh 1.

Giá dầu thô tăng mạnh là nguyên nhân chính gây ra lạm phát tại nhiều nước, làm tăng thêm những khó khăn và tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng - Ảnh: REUTERS

Thế giới bắt đầu tuần mới bằng thông tin tích cực: Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã "đồng ý về nguyên tắc" tổ chức hội nghị thượng đỉnh về tình hình Ukraine.

Tuy nhiên, thông tin này lập tức khiến giá dầu thô quay đầu giảm mạnh sau khi đã tăng theo chiều thẳng đứng trước đó.

Giá dầu Brent giao sau ở mức 93,39 USD/thùng lúc 4h45 GMT, giảm 15 cent hay 0,2%, sau khi chạm mức 95 USD trước đó. Giá dầu thô WTI ở mức 91,14 USD/thùng, giảm so với mức cao trước đó là 92,93 USD.

Vàng, một tài sản được xem là an toàn trong thời kỳ hỗn loạn, cũng giảm sau khi tăng lên mức cao nhất trong 9 tháng qua vào đầu phiên giao dịch. Hiện giá vàng ở mức 1.896 USD/ounce.

Sự nhảy múa này liên quan phần lớn đến căng thẳng giữa các bên quanh vấn đề Ukraine hiện nay.

Giới đầu tư lo sợ nếu xảy ra chiến sự tại Ukraine sẽ khiến Nga - một trong những nước xuất khẩu dầu lớn của thế giới - siết chặt nguồn cung. Tâm lý này đẩy giá dầu lên cao.

Tuy nhiên, khi Nga và Mỹ có các động thái giảm căng thẳng (dù chỉ mới đồng ý về nguyên tắc), lo ngại chiến sự bùng nổ giảm bớt, kéo giá dầu đi xuống.

Các sàn chứng khoán ở Tokyo, Hong Kong, Thượng Hải, Seoul, Singapore, Đài Bắc, Manila và Wellington chìm trong sắc đỏ, theo Hãng thông tấn AFP.

Giới quan sát dự báo giá dầu sẽ vượt mốc 100 USD/thùng nếu căng thẳng tại Ukraine leo thang và quá trình đàm phán hạt nhân giữa Mỹ với Iran bế tắc.

Mỹ nêu điều kiện dự họp với Nga

Trong cuộc họp báo ngày 21-2, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nhấn mạnh Mỹ "cam kết theo đuổi chính sách ngoại giao", đồng thời nêu điều kiện với Nga về cuộc gặp thượng đỉnh là "một cuộc xâm chiếm không xảy ra".

"Chúng tôi cũng sẵn sàng tạo ra những hậu quả nhanh chóng và nghiêm trọng nếu Nga lựa chọn chiến tranh. Và hiện tại, Nga dường như đang tiếp tục chuẩn bị cho một cuộc tấn công toàn diện vào Ukraine", quan chức Nhà Trắng tiếp tục cáo buộc.

Nga phủ nhận mọi thông tin nói nước này sắp "xâm chiếm" Ukraine như phương Tây cáo buộc. Các cuộc tập trận của Nga gần biên giới Ukraine, theo Matxcơva, là chuyện nội bộ của nước này. Điện Kremlin chưa lên tiếng xác nhận cuộc gặp giữa ông Putin và ông Biden.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là người đề xuất hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga với hy vọng kéo giảm căng thẳng quanh vấn đề Ukraine.

Thông báo của Điện Élysée (Pháp) cho biết ngoại trưởng Mỹ và Nga sẽ gặp nhau ngày 24-2 để thảo luận về nội dung cuộc họp giữa ông Biden và ông Putin.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố sẽ không vội trừng phạt Nga vì như thế sẽ mất lợi thế răn đe trước Matxcơva.

Mỹ lý giải vì sao liên tục đe dọa nhưng vẫn chưa trừng phạt Nga Mỹ lý giải vì sao liên tục đe dọa nhưng vẫn chưa trừng phạt Nga

TTO - Chính quyền Tổng thống Biden đã từ chối tung ra các biện pháp trừng phạt đối với Nga trong bối cảnh liên tục cảnh báo về một cuộc tấn công của Nga với Ukraine.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên