Ông Sergei Nechaev, đại sứ Liên bang Nga tại Đức - Ảnh: RIA NOVOSTI
Ông Nechaev nêu cảnh báo khi trả lời phỏng vấn nhật báo Izvestia, theo Hãng tin RIA Novosti ngày 12-9.
Nga nói phương Tây làm chiến sự không lối thoát
Theo Đại sứ Nechaev, việc Đức cũng như các nước đồng minh cấp thêm vũ khí cho Ukraine chỉ khiến tình hình chiến sự thêm căng thẳng, kéo dài cuộc xung đột và gây thêm nhiều thương vong.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng cho rằng việc các nước phương Tây gửi vũ khí cho Kiev là một trong những nguyên nhân đẩy các đàm phán Nga - Ukraine vào ngõ cụt.
Ngoài ra, hôm 4-9, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal đã gặp người đồng cấp Đức Olaf Scholz tại Berlin để gợi ý xuất khẩu điện từ các nhà máy điện hạt nhân Ukraine, đồng thời ngỏ ý xin thêm viện trợ vũ khí từ Đức.
Thủ tướng Đức Scholz cũng hứa sẽ cung cấp thêm các loại vũ khí mới nhất, hiện đại nhất cho Kiev, trong đó bao gồm một số vũ khí hạng nặng như hệ thống phòng không IRIS-T, bệ phóng tên lửa gắn trên xe bán tải và thiết bị chống máy bay không người lái.
Hôm 10-9, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock có chuyến thăm Kiev bất ngờ để bày tỏ sự ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Ngoại trưởng Baerbock nhấn mạnh: "Ngày hôm nay tôi tới Kiev để chứng tỏ họ có thể tiếp tục tin tưởng vào chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh với Ukraine lâu nhất có thể thông qua hoạt động chuyển giao vũ khí, hỗ trợ nhân đạo và tài chính".
Chữa cháy ở nhà máy nhiệt điện tại Kharkov, được cho là trúng tên lửa Nga ngày 11-9 - Ảnh: REUTERS
Mỹ liên tục bơm tiền cho Ukraine
Kể từ sau khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24-2 năm nay, Chính phủ Mỹ đã bơm tiền và vũ khí cho quân đội Ukraine nhiều hơn số tiền họ đã gửi cho Afghanistan, Israel và Ai Cập trong năm 2020 cộng lại, theo trang tin The Intercept của Mỹ.
Mới nhất, ngày 8-9, trong chuyến thăm bất ngờ tới Kiev, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 675 triệu USD, và khoản đầu tư "dài hạn" 2,2 tỉ USD để tăng cường an ninh cho Ukraine và 17 quốc gia láng giềng.
Vài tuần trước đó, Tổng thống Joe Biden đã công bố gói viện trợ không hoàn lại trị giá 3 tỉ USD, lớn nhất từ trước đến nay, nhân Quốc khánh Ukraine.
Nhân dịp này, chính quyền Mỹ cũng lưu ý rằng tổng số viện trợ quân sự cam kết dành cho Ukraine trong năm 2022 đã lên tới 12,9 tỉ USD.
Trong tháng này, ông Biden cũng yêu cầu Quốc hội viện trợ bổ sung 13,7 tỉ USD cho Ukraine, bao gồm cả tiền mua thiết bị và chia sẻ thông tin tình báo.
Theo The Intercept, các khoản viện trợ không ngừng kèm theo việc không có bất kỳ cuộc thảo luận công khai nào về những gì Mỹ đang làm để tìm cách chấm dứt xung đột, là tín hiệu cho thấy chiến tranh có thể kéo dài và Mỹ đang hỗ trợ Ukraine trong thời gian dài, thay vì theo đuổi đàm phán đình chiến.
"Mỹ đang chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài… Họ thực sự đang chuẩn bị cho cuộc chiến bất tận ở Ukraine", ông Stephen Semler, đồng sáng lập một tổ chức tư vấn chính sách đối ngoại của Mỹ, nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận