Trong hai ngày 9 và 10-9, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại New Delhi.
Dù nước chủ nhà Ấn Độ đã chọn một khẩu hiệu đầy lạc quan: "Một Trái đất, một gia đình, một tương lai", nhưng các lãnh đạo G20 vẫn đang bị chia rẽ vì nhiều vấn đề, trong đó có cuộc chiến ở Ukraine.
Xung đột Nga - Ukraine phủ bóng
Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio... dự kiến đến Ấn Độ dự hội nghị. Tuy nhiên năm nay Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ vắng mặt.
Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar giải thích sự vắng mặt của ông Tập không liên quan gì tới mối quan hệ Trung - Ấn căng thẳng hiện nay, và cũng sẽ không ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán nhằm đưa ra tuyên bố chung.
Các vấn đề kinh tế, biến đổi khí hậu và giáo dục là những chủ đề thường xuyên được thảo luận tại G20. Tuy nhiên theo Hãng tin Bloomberg, xung đột Nga - Ukraine có thể sẽ phủ bóng hội nghị năm nay.
Ông Happymon Jacob, người sáng lập Hội đồng Nghiên cứu chiến lược và phòng thủ tại Ấn Độ, cho rằng trong khi nhiều nước G20 muốn tập trung vào việc chỉ trích Nga thì với các nước đang phát triển khi phải đối mặt xung đột trong nước và thời tiết khắc nghiệt, xung đột Nga - Ukraine không phải là ưu tiên lớn của họ.
Theo báo cáo hồi tháng 3 của Đơn vị tình báo kinh tế (EIU), sự ủng hộ của các nước đang phát triển dành cho Nga ngày càng tăng khi số nước tích cực lên án Nga đã giảm từ 131 xuống 122.
Báo cáo lưu ý: "Một số nền kinh tế mới nổi đã chuyển sang vị thế trung lập". Nam Phi, Mali, Burkina Faso... đã gia nhập nhóm quốc gia nghiêng về Nga, điều này cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của Matxcơva ở châu Phi.
Trước sự chia rẽ quan điểm về cuộc chiến ở Ukraine, Ấn Độ có thể sẽ tập trung vào những vấn đề có ảnh hưởng lớn đến các nước đang phát triển như mất an ninh lương thực và nhiên liệu, lạm phát gia tăng, nợ nần và việc cải cách các ngân hàng phát triển đa phương.
Để G20 trở nên toàn diện hơn, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng đề xuất để Liên minh châu Phi trở thành thành viên thường trực của nhóm.
Tiếng nói của Nam bán cầu
Hội nghị G20 lần này là cột mốc quan trọng mà Ấn Độ chờ đợi từ lâu. Quốc gia Nam Á muốn khẳng định họ không chỉ là cầu nối cho các nước đang phát triển, mà còn là một cường quốc đang vươn mình trỗi dậy và là trung gian hòa giải cho phương Tây và Nga.
Trước khi tổ chức hội nghị, thủ tướng Ấn Độ đã mời 125 quốc gia - hầu hết là các nước đang phát triển - dự họp trực tuyến hồi tháng 1-2023.
Lúc đó, ông Modi liệt kê những thách thức lớn mà ông cho rằng có thể được giải quyết tốt hơn nếu các nước đang phát triển đóng vai trò lớn hơn trong trật tự toàn cầu: đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, khủng bố, chiến tranh ở Ukraine.
"Thế giới đang trong tình trạng khủng hoảng. Hầu hết các thách thức toàn cầu không phải do các nước thuộc nhóm Nam bán cầu tạo ra, nhưng chúng ảnh hưởng đến chúng tôi nhiều hơn", ông Modi bình luận.
Thời gian qua Ấn Độ đã cam kết tăng cường tiếng nói của các nước thuộc nhóm Nam bán cầu ("Global South" - một khái niệm phân chia theo trình độ phát triển), bao gồm hầu hết các nước đang phát triển hoặc mới nổi ở châu Á, châu Phi, Trung Đông, Mỹ Latin, châu Đại Dương và vùng Caribe. Và cam kết này sẽ được "kiểm tra" khi các nhà lãnh đạo đổ về New Delhi dự hội nghị.
Sẽ có tuyên bố chung?
Chưa rõ các nhà lãnh đạo G20 có thể đạt được tuyên bố chung vào cuối hội nghị lần này không. Tại Hội nghị G20 ở Indonesia năm ngoái, các bên đã nhất trí ra tuyên bố chung khá muộn trong ngày, một phần nhờ Bắc Kinh ủng hộ cách dùng từ ngữ trong tuyên bố.
Năm nay sẽ khó ra tuyên bố chung hơn do mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không đến dự, theo Hãng tin Bloomberg.
Từ đầu năm đến nay không có cuộc họp nào của G20 đưa ra được tuyên bố chung. Chẳng hạn hồi tháng 2, cuộc họp của các bộ trưởng tài chính kết thúc mà không có tuyên bố chung do Trung Quốc và Nga phản đối nội dung liên quan xung đột Nga - Ukraine.
Ông John Kirton, giám đốc kiêm người sáng lập Nhóm nghiên cứu G20 ở Canada, chỉ ra nếu các nhà lãnh đạo G20 không phá vỡ được thế bế tắc nói trên vào cuối tuần này, đây sẽ là lần đầu tiên G20 kết thúc mà không có tuyên bố chung - bước thụt lùi chưa từng có đối với họ.
"Pháo đài" an ninh
Để đón các nhà lãnh đạo thế giới, Ấn Độ triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an ninh cho thủ đô, biến nơi đây thành một "pháo đài" được bảo vệ nghiêm ngặt.
Để giao thông thông thoáng, chính quyền đã yêu cầu các trường học, ngân hàng, hầu hết doanh nghiệp tư nhân và mọi cơ quan chính phủ đóng cửa. Ranh giới với các bang lân cận cũng bị phong tỏa, đồng thời hơn 100.000 cảnh sát và nhân viên an ninh dự kiến sẽ tuần tra trên phố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận