Gia đình ba tôi có năm anh em. Từ khi chú Út ra đời, ông nội tôi đã có gia đình mới, một mình bà nội tảo tần chăm lo cho cả năm anh em. Nội tôi rất thương ba tôi và các chú, dù ai cũng lập gia đình và có cuộc sống riêng nhưng lúc nào nội cũng lo lắng, quan tâm theo cách người ta hay nói "con dù lớn vẫn là con của mẹ".
Bỗng một ngày, chú Năm ngã bệnh, người đau nhức, mệt mỏi, chán ăn, vàng da, mắt. Nội tôi dẫn chú đi khám. Bác sĩ thông báo chú tôi bị viêm gan B giai đoạn cuối. Và sau đó là chuỗi ngày vất vả với người làm mẹ như nội tôi.
Chú rời gia đình và ra ở hẳn với nội để tiện chạy chữa. Còn nước còn tát, dù còn một tia hy vọng, nội vẫn chạy Đông chạy Tây để chữa bệnh cho chú.
Nhưng cuối cùng, bao công sức, nhọc nhằn, tình thương bao la của người mẹ đã không được đền đáp. Ngày chú ra đi, cây nhãn trước nhà đầy bướm đen. Nội tôi khóc nghẹn cảnh "người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh".
Đau đớn chưa dừng lại ở đó, ba năm sau, chú Tư tôi cũng bị viêm gan B giống như chú Năm, cũng do phát hiện muộn, bệnh đã chuyển qua giai đoạn ung thư nên dù chạy chữa khắp nơi chú cũng không qua khỏi. Nội tôi, một lần nữa tiễn con, nỗi đau chồng chất nỗi đau.
Viêm gan B - căn bệnh có hơn 300 triệu người mắc phải trên toàn cầu và con số này không ngừng tăng lên hằng năm. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là nước có tỉ lệ nhiễm vi rút viêm gan ở mức cao. Đáng chú ý, ung thư gan chiếm nhiều nhất trong các loại ung thư, làm hàng ngàn người tử vong hằng năm.
Lúc này, ba tôi và các chú như bừng tỉnh sau sự ra đi lần lượt của hai chú. Cả gia đình kéo nhau đi xét nghiệm viêm gan B. Rất may mắn, khi tất cả mọi thành viên trong gia đình đều có kết quả âm tính.
Việc cần làm, cấp bách nhất trong lúc này là gì ? Còn gì quan trọng hơn việc tiêm ngừa. Thế là cả nhà lại cùng nhau tiêm ngừa viêm gan B. Ai cũng chợt nhận ra giá trị của cuộc sống này, mất mát đã quá đủ rồi, cần phải hành động ngay và tiêm ngừa trước khi quá muộn.
Kể từ ngày cả nhà tiêm ngừa, đến nay cũng gần 20 năm, nội tôi không phải chứng kiến cảnh đau thương, chia lìa nào nữa. Ngót nghét năm nay nội tôi đã ngoài 90 tuổi. Trời thương nên nội tôi vẫn còn minh mẫn và khỏe mạnh.
Tôi năm nay đã hơn 30 tuổi và cũng có gia đình nhỏ của riêng mình. Hai bé nhà tôi đã tiêm ngừa viêm gan B khi vừa lọt lòng mẹ.
Ngày nay, xã hội phát triển, khoa học công nghệ ngày càng hiện đại, bản thân tôi cũng là cử nhân công nghệ sinh học, việc tiêm ngừa cho trẻ - cho thế hệ mai sau của đất nước cực kỳ quan trọng. Không chỉ riêng vắc xin viêm gan B mà tất cả vắc xin tiêm ngừa đều mang một ý nghĩa cao đẹp, hạn chế các rủi ro mắc phải sau này.
Đặc biệt, tôi rất ấn tượng với hệ thống tiêm chủng của VNVC. Hệ thống có đầy đủ vắc xin cho trẻ em và người lớn, giá cả bình ổn, rõ ràng. Người tới tiêm ngừa được tư vấn tận tình. Với tư cách là khách hàng, tôi xin chân thành cảm ơn việc làm ý nghĩa mà hệ thống VNVC mang lại cho cộng đồng.
Chúng ta hãy cùng nhau tiêm ngừa cho bản thân chúng ta, cho con em chúng ta, vì một xã hội văn minh và khỏe mạnh. Đừng để điều đáng tiếc xảy ra rồi mới nói giá như, nếu như… thì cũng đã muộn màng.
Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể
Báo Tuổi Trẻ với sự đồng hành của Hệ thống tiêm chủng VNVC đang tổ chức cuộc thi viết "Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể". Đây là cơ hội để mọi người chia sẻ câu chuyện của mình, truyền cảm hứng và nâng cao ý thức về tầm quan trọng của tiêm chủng trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ban tổ chức cho biết cuộc thi mở cho tất cả mọi người từ 6 tuổi trở lên, không giới hạn quốc tịch hay nghề nghiệp. Cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC) được phép viết bài để hưởng ứng cuộc thi nhưng không được chấm giải.
Về dung lượng, tác phẩm dự thi là bài viết ngắn bằng tiếng Việt, tối đa 800 từ, khuyến khích tác phẩm có hình ảnh, chùm ảnh hoặc video clip minh họa.
Nội dung là một câu chuyện liên quan đến chủ đề "tiêm chủng" và tầm quan trọng của tiêm chủng trong việc duy trì, nâng cao sức khỏe cộng đồng, như kỷ niệm đẹp về tiêm chủng của bạn hoặc người thân;
Kỷ niệm về việc bạn đã cân nhắc lý do và đưa ra quyết định tiêm chủng; Cảm nhận và trải nghiệm cá nhân trong, sau khi tiêm chủng hoặc những ảnh hưởng của tiêm chủng đối với cuộc sống cá nhân và cộng đồng xung quanh.
Người tham gia có hai cách để nộp bài viết dự thi: Gửi email đến địa chỉ tiemngua@tuoitre.com.vn. Trong email, cần cung cấp thông tin cá nhân đầy đủ: tên, tuổi, quốc gia, địa chỉ email, số tài khoản và số điện thoại liên lạc; Hoặc vào chuyên trang của cuộc thi ở địa chỉ tuoitre.vn, sau đó điền thông tin và tải file chứa bài dự thi theo yêu cầu.
Những tác phẩm dự thi tốt sẽ được ban tổ chức chọn lựa, đăng tải trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ (bài được chọn đăng không đồng nghĩa là bài sẽ đoạt giải). Thời gian nhận bài viết: Ngày 10-6 đến 30-7-2023, bất kỳ tác phẩm nào gửi sau thời hạn này 30-7-2023 sẽ không được xem xét.
Các tác phẩm dự thi sẽ được đánh giá bởi ban giám khảo gồm các chuyên gia y tế, nhà báo, nhân vật có tầm ảnh hưởng xã hội.
Giải thưởng gồm 2 giải đặc biệt trị giá 30 triệu đồng/giải; 10 giải nhất trị giá 10 triệu đồng/giải; 15 giải nhì (5 triệu đồng/giải); 20 giải ba và 100 giải khuyến khích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận