Mới đây, tại Đồng Nai đã xảy ra vụ nghi ngộ độc thực phẩm lớn sau khi ăn bánh mì, tính đến hiện tại đã có 487 bệnh nhân vào viện theo dõi, điều trị. Ngày 2-5 tại TP.HCM cũng đã xảy ra vụ 15 học sinh nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn sushi trước cổng trường...
Vì sao nắng nóng kéo dài dễ ngộ độc?
Theo ghi nhận tại TP.HCM, tại nhiều khu chợ truyền thống, cổng trường học, vỉa hè không khó để mua được các loại thực phẩm đã được chế biến sẵn, bày bán bắt mắt đủ loại như: bánh tráng trộn, bánh mì, cơm cuộn sushi, bún thịt nướng, chân gà...
Khách hàng của những hàng quán này rất đa dạng, chủ yếu là người đi làm, học sinh, sinh viên… Lợi thế lớn nhất của thực phẩm đường phố là rẻ, nhanh chóng và tiện lợi, phù hợp với nhiều gia đình, nhất là tại khu vực đô thị.
Chị Minh Hương (33 tuổi, TP Thủ Đức) cho biết gia đình thường xuyên sử dụng thức ăn được chế biến sẵn, bày bán tại nhiều hàng quán khác nhau vì bận rộn, không có thời gian nấu nướng.
Đặc biệt là bữa ăn sáng, trẻ nhỏ thường chọn thức ăn nhanh như: xôi, bánh mì, bánh ướt... trước cổng trường học để kịp giờ vào học.
“Tôi thường chọn những hàng quán ăn đã lâu mà không xảy ra chuyện gì. Trường hợp con muốn ăn món nào lạ, nếu có mua thì do tin tưởng lẫn nhau, hoặc quan sát kỹ màu sắc, mùi vị thực phẩm chứ không có biện pháp nào để đảm bảo an toàn”, chị Hương cho hay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết thời tiết càng nóng ẩm, vi sinh vật và vi khuẩn có hại càng phát triển nhanh khiến thực phẩm dễ ôi thiu, hư hỏng.
Khi xâm nhập thực phẩm, vi khuẩn phát triển rất nhanh nhân lên gấp nhiều lần trong thời gian ngắn, sinh ra chất độc gây ngộ độc.
Đối với những thực phẩm khi đã nhiễm độc tố, mặc dù đun sôi ở nhiệt độ cao các vi sinh vật có thể bị tiêu diệt nhưng độc tố chúng sinh ra không mất đi, vẫn có nguy cơ gây ngộ độc.
“Các loại thực phẩm như: thịt, trứng, sữa, cá, hải sản, pate, giò lụa… là môi trường giàu dinh dưỡng, protein để vi khuẩn thuận lợi sinh sôi và phát triển phát sinh độc tố", PGS Thịnh cho hay.
PGS Thịnh nhận định hiện nay thức ăn đường phố rất khó để kiểm soát. Nhiều nơi lấy mục đích kinh doanh, lợi nhuận là chính, không quan tâm đến sức khỏe người dùng.
Do đó, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ vỉa hè. Nhất là tuyên truyền nâng cao ý thức cho người bán để họ có trách nhiệm với cộng đồng.
Đối với người mua để thể hiện trách nhiệm với sức khỏe của mình cần lựa chọn cơ sở ăn uống sạch sẽ, thoáng mát, có nhãn mác, thương hiệu, đã đăng ký kinh doanh…
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần hạn chế thấp nhất việc kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè, quy định những khu vực được phép buôn bán, thẩm định đảm bảo vệ sinh. Nhất là với những nơi buôn bán thực phẩm đã nấu chín, nguy cơ ngộ độc rất lớn.
Hạn chế thức ăn lề đường để tránh ngộ độc
Bác sĩ Trương Thị Minh Hiền - khoa dinh dưỡng Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức - cho biết thời tiết nắng nóng kéo dài là môi trường thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi, phát triển, dẫn đến thực phẩm mất các chất dinh dưỡng, mất an toàn vệ sinh, thậm chí có thể gây ra ngộ độc thực phẩm.
Đáng nói, nhiệt độ từ 37 - 40 độ C là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển mạnh với cấp số nhân, gấp ba lần so với thời tiết bình thường.
Đối với các loại thực phẩm đã nhiễm khuẩn ở mức độ cao thì dù thức ăn được nấu chín, đun sôi thì độc tố vẫn còn, người dùng vẫn có nguy cơ ngộ độc.
Thức ăn đường phố là lựa chọn của nhiều người lao động, học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, đằng sau dịch vụ ăn uống này lại tồn tại nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm, dễ ngộ độc.
Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng nên hạn chế ăn thức ăn đường phố. Nếu sử dụng phải lựa chọn cơ sở uy tín, có người bán hàng đeo khẩu trang, bao tay, có tủ kiếng, nắp đậy để tránh côn trùng...
Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong thời tiết nắng nóng, bà Phạm Khánh Phong Lan - giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM - khuyến cáo người dân nên ăn chín uống sôi.
Bà Lan cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố, thức ăn trước cổng trường. Bởi đây là những hàng quán di động, hình thức bảo quản thực phẩm không nhiều hoặc rửa chén bát cũng khó.
Đồng thời, những hàng quán này thường di chuyển nhiều, nguy cơ bụi và côn trùng xâm nhập cao. Thông thường, nhóm dễ ngộ độc nhất chính là trẻ em. Vì vậy, các đơn vị tập trung, tăng cường kiểm soát thức ăn đường phố.
Thành lập 11 đoàn kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống
Trong Tháng hành động về an toàn thực phẩm năm 2024 (từ ngày 15-4 đến 15-5), Sở An toàn thực phẩm TP.HCM thành lập 11 đoàn kiểm tra tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố với số lượng cơ sở dự kiến kiểm tra 2.366 cơ sở.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận