21/06/2024 14:52 GMT+7

Nam sinh viên mất tích, gia đình phải chuộc 150 triệu: Lời cảnh tỉnh 'việc nhẹ lương cao'

Chuyện nam sinh viên Đại học Quốc gia TP.HCM mất tích hơn 2 tháng qua, gia đình phải bỏ ra 150 triệu đồng chuộc về tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh "việc nhẹ lương cao".

Tranh minh họa: DAD

Tranh minh họa: DAD

Như đã phản ánh: một nam sinh viên nội trú ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM mất tích hơn 2 tháng qua nhắn cho gia đình: "Con vất vả quá, bố đưa 250 triệu đồng chuộc con về".

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, người nhà sinh viên cho biết: "Gia đình đã chuộc đưa được con trai về đến TP.HCM. Con tôi bị bọn buôn người dụ dỗ, bảo sẽ giới thiệu vào làm công việc văn phòng, lương cao tại Tây Ninh nhưng sau đó lừa đưa qua Thái Lan làm công việc xẻ gỗ".

Sau khi thương lượng, gia đình đã đóng 150 triệu đồng để đưa N. về Việt Nam.

Cần xử lý nghiêm để răn đe

Đây không phải là lần đầu tiên lao động người Việt bị lừa theo kiểu "việc nhẹ lương cao".

Hiện nay, chỉ cần cú nhấp chuột tham gia vào một vài hội, nhóm "việc nhẹ lương cao" trên mạng xã hội, lập tức xuất hiện vô số lời mời chào kèm những hứa hẹn hấp dẫn từ phía những kẻ lừa đảo.

"Những thông tin tuyển dụng như thế này trên Facebook, TikTok đầy", bạn đọc tài khoản Bánh Bao cho biết.

"Kẻ lừa đảo dựa vào điểm yếu của con người để đưa ra những "miếng mồi" cho ai nhẹ dạ cả tin cắn câu" - bạn đọc Thanh Hoài viết.

Còn bạn đọc Phan Thị Hạnh khuyến cáo: "Tuyệt đối không được chủ quan, càng đừng quá tự tin vào năng lực của mình. Bởi kẻ lừa đảo luôn biết nắm bắt và thao túng tâm lý, chỉ cần ta sơ hở là dễ sa hầm sụp hố ngay".

Đưa ra câu hỏi và mong có câu trả lời cụ thể, nhiều bạn đọc thắc mắc: "Trách nhiệm của cơ quan chức năng ở đâu? Đưa người qua biên giới dễ vậy sao?".

Và để hạn chế dính bẫy lừa đảo việc nhẹ lương cao, bạn đọc Lê Văn Tuấn đề nghị: "Cơ quan chức năng cần điều tra xử lý bọn buôn người này. Cần xử lý công khai để giúp các em mới lớn có hoàn cảnh khó khăn tránh cái bẫy của bọn buôn người đòi tiền chuộc. Đây là tội phạm rất nguy hiểm cho xã hội".

Các trường nên cảnh báo sinh viên

Bạn đọc tài khoản SG bình luận: "Tôi thấy lạ lắm, cháu là sinh viên năm 2 mà sao tin vào việc nhẹ lương cao như vậy"?

Về ý này, bạn đọc Phạm Thiết Hùng cũng cho rằng: "Người đủ 18 tuổi là một công dân, phải chịu trách nhiệm về cuộc đời mình. Nhiều người đã có đóng góp cho đất nước. N. năm nay 20 tuổi, lại là sinh viên công nghệ thông tin, sao lại dễ tin đến vậy.

Trên mạng xã hội tràn ngập các bài báo viết về chuyện buôn người, lừa đảo bán người với thủ đoạn lừa "việc nhẹ lương cao". Vậy sinh viên này đọc, học cái gì trên mạng Intenet? Chứng tỏ nhận thức xã hội và kỹ năng sống rất hạn chế".

"Ở xa gia đình cũng còn có cái điện thoại, sao không gọi về báo với gia đình là tạm dừng học để đi làm kiếm tiền. Đó là việc cần làm để gia đình không lo lắng, tìm kiếm và cũng là cách thể hiện trách nhiệm của mình. Mong cháu sớm ổn định tinh thần để xin vào học lại", một bạn đọc viết thêm.

"Tôi thấy ở bến xe An Sương có dán thông cáo cảnh báo việc lừa người lao động. Vậy các trường đại học cũng nên dán các thông báo này để cho các cháu sinh viên cảnh giác", bạn đọc tài khoản SG gợi ý.

Theo đó, ngoài việc quản lý của các trường đại học, mỗi sinh viên cũng nên trang bị thêm các kỹ năng sống cho mình, không nên tin theo những điều dễ dàng quá như việc nhẹ lương cao.

Một số bạn đọc cho rằng qua vụ việc ngoài ý muốn này, mỗi gia đình cũng nên nhìn lại cách quan tâm chăm sóc con cái của mình, nhất là những sinh viên đi học xa nhà.

"Các con tôi cũng là sinh viên của các trường đại học tại Sài Gòn. Phải dặn con từng chút một. Không được mang xách đồ giúp cho ai ở nhà ga, bến tàu, sân bay, kể cả người già, đàn bà mang thai. Cần thì báo cho nhân viên làm việc nơi đó.

Không được đi xe của bất cứ ai nói là quen biết bố mẹ. Không được nghe tin báo miệng bố mẹ hay người thân gặp nạn phải gặp con gấp, họ sẽ chở đến nơi giùm. Không uống nước của người lạ đưa. Không vào quán xá với người lạ mời. Không cảnh giác, sa chân vào bẫy là mất cuộc đời" - bạn đọc Phạm Thiết Hùng tư vấn.

3 kỹ năng giúp sinh viên tránh bẫy "việc nhẹ lương cao"

- Trước khi làm gì hãy nhìn xung quanh vì có rất nhiều quyền trợ giúp. Cụ thể, hỏi người thân, hỏi bạn bè, hỏi trung tâm hỗ trợ sinh viên, hỏi ban quản lý ký túc xá, hỏi bạn chung phòng...

- Phải đọc kỹ hợp đồng lao động, đã ký hợp đồng lao động nhưng mà không đọc hợp đồng lao động, đó là lỗi tại bản thân. Đủ 18 tuổi thì không nên đổ thừa tại bị dụ dỗ.

- Nếu gia cảnh không đủ điều kiện cho con ăn học đại học thì nên hướng nghiệp đi học nghề ra trường sớm, đi làm sớm, có tiền rồi đi học tiếp cũng không muộn. Không nên lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc học đại học nhưng ra trường thì mông lung không biết xin việc nơi nao.

Bạn đọc Nguyen Hoang Lan

Nam sinh viên mất tích 2 tháng được gia đình chi 150 triệu đồng chuộc vềNam sinh viên mất tích 2 tháng được gia đình chi 150 triệu đồng chuộc về

Một nam sinh viên nội trú ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM mất tích hơn 2 tháng qua nhắn cho gia đình: 'Con vất vả quá, bố đưa 250 triệu đồng chuộc con về'.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên