08/09/2024 17:54 GMT+7

Nắm quỹ đất 5.000 ha, Phát Đạt bắt tay Thanh Bình Phú Mỹ làm khu công nghiệp xanh

Địa ốc Phát Đạt và Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ đã hợp tác phát triển, xây dựng và khai thác các khu công nghiệp theo mô hình khu công nghiệp kiểu mẫu, sinh thái và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành đa lĩnh vực.

Nắm quỹ đất 5.000 ha, Phát Đạt bắt tay Thanh Bình Phú Mỹ làm khu công nghiệp xanh - Ảnh 1.

Địa ốc Phát Đạt và Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ hợp tác phát triển, xây dựng và khai thác các khu công nghiệp xanh - Ảnh: P.Đ.

Ngày 8-9, Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt và Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ đã ký kết hợp tác chiến lược phát triển các dự án bất động sản khu công nghiệp - logistics, nhà ở - thương mại và dịch vụ.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ là chủ đầu tư khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, đây là khu công nghiệp chuyên sâu có quy mô hơn 1.000 ha, được thành lập dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Đạt, chủ tịch HĐQT Phát Đạt, cho biết doanh nghiệp này đang phát triển theo xu hướng tạo nên các sản phẩm, công trình xanh nên đã bắt tay với Thanh Bình Phú Mỹ hướng đến mục đích chung. Trong đó, dự án bất động sản nhà ở tại Bình Dương của Phát Đạt cũng đã tích hợp bộ đôi tiêu chuẩn công trình xanh, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.

Theo ông Đạt, Phát Đạt có hơn 5.000 ha đất công nghiệp trên nhiều địa phương khác nhau như Quảng Ngãi, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp…

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ, cho hay doanh nghiệp này có kinh nghiệm hơn 10 năm phát triển bất động sản công nghiệp và có chung mục tiêu phát triển nên việc hợp tác này sẽ giúp hai bên tận dụng lợi thế của nhau.

Với lợi thế của Phát Đạt có quỹ đất hơn 5.000 ha, bà Nhi cho biết nhà phát triển khu công nghiệp này sẽ đỡ "đau đầu" đi tìm quỹ đất, thay vào đó kết hợp để phát triển các khu công nghiệp xanh, phát triển bền vững, thu hút nhiều doanh nghiệp FDI và tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn.

Nắm quỹ đất 5.000 ha, Phát Đạt bắt tay với Thanh Bình Phú Mỹ để phát triển khu công nghiệp xanh - Ảnh 2.

Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 đã thu hút các dự án đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ… với vốn đăng ký hơn 3,4 tỉ USD

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, bà Nhi cho hay doanh nghiệp này xây dựng khu công nghiệp xanh, do đó trong thu hút đầu tư cũng hướng đến các doanh nghiệp phát triển bền vững, giảm phát thải CO₂ trong quá trình sản xuất. Hiện khu công nghiệp này đã thu hút các dự án đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ… với vốn đăng ký hơn 3,4 tỉ USD.

Tuy vậy, bà Nhi cho rằng để xây dựng khu công nghiệp phát triển bền vững, vốn đầu tư cho hạ tầng ban đầu tương đối cao để đồng bộ cho cả khu công nghiệp từ xử lý nước thải, khí thải, điện…

Dự kiến đến 2027, khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 sẽ hoàn tất các thủ tục đầu tư cho các nhà đầu tư, khi đó sẽ thu hút thêm 3,5 tỉ USD, nâng tổng vốn đầu tư dự kiến vào khu công nghiệp này đạt khoảng 6,9 tỉ USD.

Với sự hợp tác này, hai doanh nghiệp sẽ cùng phát triển, tạo ra các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ về sinh thái và công nghệ đối với các dự án do Phát Đạt đầu tư, phát triển trong thời gian tới.

Khu công nghiệp xanh "hút" khách

Hiện nhiều doanh nghiệp đang tập trung xây dựng các khu công nghiệp xanh để thu hút dòng vốn FDI thế hệ mới. Ông Hardy Diec, giám đốc điều hành Tập đoàn KCN Việt Nam, cho biết xu hướng khu công nghiệp xanh được nhà đầu tư FDI quan tâm, do đó các khu công nghiệp cần chú trọng môi trường xanh, quan tâm đến ESG, giảm phát thải carbon…

Bà Lê Thị Huyền Trang, giám đốc cấp cao JLL Việt Nam, cho biết trong số các công trình đạt các chứng chỉ xanh tại Việt Nam, thị trường công nghiệp đang dẫn đầu. Theo một cuộc khảo sát do Bộ Xây dựng và Tổ chức tài chính IFC tổ chức, phần lớn dự án xanh là các dự án công nghiệp với 55% dự án xây dựng xanh ở Việt Nam đến từ ngành công nghiệp.

Dữ liệu về các dự án đạt chứng nhận LEED trong năm 2023 cũng cho thấy rằng hơn 70% dự án đạt chứng nhận thuộc nhóm công trình công nghiệp gồm nhà máy và nhà kho. Đồng thời, 38% các dự án đạt chứng nhận EDGE trong năm trước cũng thuộc ngành công nghiệp.

Nắm quỹ đất 5.000 ha, Phát Đạt bắt tay với Thanh Bình Phú Mỹ để phát triển khu công nghiệp xanh - Ảnh 3.Công trình xanh thành tiêu chuẩn bắt buộc

Từ sản xuất vật liệu xanh đến xây dựng các công trình xanh đang là xu hướng của ngành xây dựng trong nước, thậm chí trở thành tiêu chuẩn bắt buộc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên