17/12/2021 08:17 GMT+7

Năm 2021: Phim rạp Việt Nam đã 'chết lâm sàng', phim trực tuyến 'sống sót' ra sao?

MI LY
MI LY

TTO - Dù có 'Bố già' lập kỷ lục doanh thu, rạp Việt năm 2021 vẫn là bức tranh buồn vì chỉ hoạt động cầm chừng trong khoảng 4 tháng. Trong hơn nửa năm qua, phim rạp 'chết lâm sàng' vì dịch bệnh.

Năm 2021: Phim rạp Việt Nam đã chết lâm sàng, phim trực tuyến sống sót ra sao? - Ảnh 1.

"Bố già" thành công rực rỡ trong một năm ảm đạm của điện ảnh Việt - Ảnh: ĐPCC

Từ đầu năm đến dịp 30-4, phim rạp Việt vẫn chiếu nhưng khó khăn chồng chất vì chỉ có một số ít phim thắng, còn lại chết như ngả rạ. Do COVID-19, năm nay chỉ có 12 phim Việt ra rạp, chỉ bằng 1/3 các năm trước.

Xu hướng phim trực tuyến quốc tế nở rộ trong năm 2021 nhưng phim Việt chưa được hưởng lợi nhiều vì lên trực tuyến chưa phải là lựa chọn hàng đầu trong cách phát hành: doanh thu thấp, ít tiếp cận khán giả.

Phim rạp Việt 'chết lâm sàng'

12 phim Việt đã ra rạp năm nay bao gồm: Võ sinh đại chiến, Cậu Vàng, Em là của em, Sám hối, Mỹ nhân thần sách, Kiều@, Kiều, Gái già lắm chiêu V, Bố già, Song song, Trạng Tí phiêu lưu ký, Thiên thần hộ mệnh. Mọi năm, số lượng phim Việt vào khoảng trên 30 hoặc 40 phim.

Trong số 12 phim trên, chỉ có Gái già lắm chiêu V, Bố già Thiên thần hộ mệnh có doanh thu ổn.

Năm 2021: Phim rạp Việt Nam đã chết lâm sàng, phim trực tuyến sống sót ra sao? - Ảnh 2.

"Gái già lắm chiêu V" phát hành tại rạp và lên Netflix sau 3 tháng - Ảnh: ĐPCC

Riêng Bố già lập kỷ lục phim Việt ăn khách nhất từ trước đến nay với hơn 420 tỉ đồng. Thiên thần hộ mệnh đến nay thu 40 tỉ đồng và vẫn đang chiếu (số liệu Box Office Vietnam). Gái già lắm chiêu V thu hơn 55 tỉ đồng tại rạp nhưng còn bán cho Netflix với mức giá khá cao, theo tiết lộ của đạo diễn Bảo Nhân.

Còn lại, có 9 phim từ lỗ đến lỗ nặng và đã kết thúc hành trình tại rạp. Chỉ có Trạng Tí phiêu lưu ký (ra 30-4) được mong đợi sẽ trở lại rạp trong tương lai.

Bây giờ là giữa tháng 12, chỉ có vài phim ấn định ra cuối năm: Bóng đè (24-12), Rừng thế mạng, Bẫy ngọt ngào (đều 31-12). Các phim đang quảng bá trở lại đồng thời "thấp thỏm" theo dõi thị trường và tình hình dịch bệnh để điều chỉnh chiến lược phù hợp.

Trong hơn nửa năm TP.HCM và nhiều địa phương chịu ảnh hưởng dịch, các nhà sản xuất phim không có nguồn thu, có người phải bán nhà để trả lương cho nhân viên. Hầu hết phim Việt đều hoãn từ nửa năm đến một năm, thiệt hại kinh phí truyền thông không thể thu hồi.

Các phim 1990, Em và Trịnh, Chìa khóa trăm tỷ đều đẩy lịch ra rạp sang năm 2022 vì năm 2021 quá "chật chội" khi phải cạnh tranh suất chiếu với các bom tấn Hollywood đang ra ồ ạt.

Năm 2021: Phim rạp Việt Nam đã chết lâm sàng, phim trực tuyến sống sót ra sao? - Ảnh 3.

"Em và Trịnh" lùi sang năm 2022 dù ban đầu định chiếu dịp Giáng sinh 2021 - Ảnh: ĐPCC

Tình trạng "chết lâm sàng" của phim Việt không chỉ do phim không thể ra rạp để thu hồi vốn. Ảnh hưởng lâu dài hơn nằm ở chỗ nhiều dự án phim đang trong quá trình xây dựng khó có thể huy động vốn để thực hiện. Hậu quả là nhà sản xuất phải hủy dự án hoặc nhẹ hơn thì lùi lịch sản xuất.

Hiện tại, một phim Việt cần tối thiểu 15-20 tỉ đồng để sản xuất, cần huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau. Do dịch bệnh, khả năng sinh lời từ phim rạp trở nên bấp bênh, khó đoán hơn trước đây, các nhà đầu tư sẽ trở nên dè chừng.

Do hiệu ứng domino số lượng phim ít - cơ hội doanh thu giảm - cơ hội huy động đầu tư giảm, số lượng phim rạp Việt Nam 2022 được dự báo sẽ không tăng mạnh.

Trong hình dung lạc quan, nếu tình hình dịch sớm được kiểm soát, rạp chiếu mở cửa ổn định trở lại thì các phim sẽ ra rạp đều đặn hơn. Nhưng theo dự báo của giới làm nghề, phải mất 3 năm tới để phim rạp Việt phục hồi đà tăng trưởng như trước dịch.

Phim trực tuyến: giấc mơ xa vời?

Giữa thời phim trực tuyến quốc tế phát triển nở rộ, liên tục gây sốt và mang về lợi nhuận lớn cho nhà sản xuất - phát hành, phim trực tuyến Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu.

Chúng ta đang nói đến những phim chiếu song song rạp - trực tuyến hoặc được sản xuất dành riêng cho nền tảng trực tuyến có trả phí, chứ không phải những phim rạp đã chiếu nhiều năm rồi mới lên trực tuyến, cũng không phải các web-drama chiếu miễn phí trên YouTube.

Năm 2021: Phim rạp Việt Nam đã chết lâm sàng, phim trực tuyến sống sót ra sao? - Ảnh 4.

"Thiên thần hộ mệnh" chưa lên trực tuyến mà vẫn bám trụ tại rạp sau đợt giãn cách - Ảnh: ĐPCC

Chiến lược phát hành phim điện ảnh song song tại rạp và nền tảng trực tuyến cũng chưa phổ biến tại Việt Nam. Lý do là mức phí do các nền tảng này trả không cao.

Gái già lắm chiêu V được bán cho Netflix với mức giá cao bậc nhất từ trước đến nay đối với phim Việt, nhưng phim cũng phát hành trên Netflix 3 tháng sau khi ra rạp.

Hồi tháng 4, có tin đồn Thiên thần hộ mệnh của Victor Vũ sẽ lên thẳng Netflix nhưng điều này không xảy ra, phim vẫn dồn sức ra rạp trước.

Hầu hết phim được mua với mức giá chỉ bằng một phần nhỏ so với doanh thu chiếu rạp, bị nhiều người trong ngành cho là "không thấm vào đâu". Giữa phim chiếu toàn cầu (trên hệ thống 190 quốc gia của Netflix) và phim chỉ chiếu tại Netflix Việt Nam thì mức giá cũng chênh lệch.

Năm 2021: Phim rạp Việt Nam đã chết lâm sàng, phim trực tuyến sống sót ra sao? - Ảnh 5.

Bao giờ Việt Nam mới có những phim tốt sản xuất dành riêng cho nền tảng trực tuyến? - Ảnh: NETFLIX

Nếu vậy, sẽ khó có phim sản xuất dành riêng cho nền tảng trực tuyến. Bởi, chiếu trực tuyến không có nghĩa là bê nguyên một phim điện ảnh hay web-drama lên nền tảng trả phí.

Đối tượng khán giả xem trực tuyến vẫn có nhiều khác biệt với đối tượng khán giả xem rạp về gu thưởng thức, thói quen. Những ứng dụng lớn như Netflix sản xuất các nội dung đáp ứng thuật toán, thói quen được cá nhân hóa của người xem.

Mặc dù vậy, phim trực tuyến vẫn đang là xu hướng không thể cưỡng lại của phim ảnh thế giới. Việt Nam không thể nằm ngoài dòng chảy đó.

Thảo luận về Luật điện ảnh (sửa đổi) trong năm 2021, nhiều nhà làm phim, nhà quản lý bày tỏ sự quan tâm với phim trên không gian mạng, từ khâu kiểm duyệt, bản quyền cho đến quản lý nhà nước.

Chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam đến 2030: Giấc mơ lãng mạn? Chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam đến 2030: Giấc mơ lãng mạn?

TTO - Tại hội nghị - hội thảo tổng kết 7 năm thực hiện "Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030", nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát đặt câu hỏi phải chăng những mục tiêu lớn lao này rất lãng mạn?

MI LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên