Đêm 8-5, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã tổ chức phiên điều trần thông qua hình thức trực tuyến liên quan đến xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Tham gia phiên điều trần có đại diện Chính phủ Việt Nam (Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ) và một số bên liên quan đến vụ việc. Các bên liên quan rất hoan nghênh khi DOC đã tổ chức phiên điều trần. Bởi đây là một bước quan trọng trong quá trình xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.
Kiên trì đưa ra nhiều lập luận, số liệu
Theo thông tin của Tuổi Trẻ, tại phiên điều trần này đại diện Chính phủ Việt Nam đã nêu rõ các lập luận, thông tin, số liệu khẳng định nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn đáp ứng sáu tiêu chí của quy chế kinh tế thị trường theo quy định pháp luật Mỹ.
Đồng thời nhấn mạnh việc nền kinh tế Việt Nam thậm chí còn phát triển vượt bậc hơn so với nhiều nền kinh tế đã được Mỹ công nhận quy chế kinh tế thị trường trong thập niên qua.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi, hợp tác chặt chẽ với phía Mỹ trong vấn đề này", đại diện một bộ tham gia phiên điều trần khẳng định.
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi Việt Nam cũng đã ký hơn 90 hiệp định thương mại song phương, khoảng 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Việt Nam cũng là thành viên của 16 hiệp định thương mại tự do (FTAs) với sự tham gia của khoảng 60 nền kinh tế.
Trong số này có nhiều FTAs thế hệ mới như CPTPP, EVFTA đáp ứng các tiêu chuẩn cao về những lĩnh vực truyền thống như thương mại hàng hóa và dịch vụ và những lĩnh vực mới như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, minh bạch hóa, cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư, doanh nghiệp nhà nước.
Theo ghi nhận, những nội dung đã được thảo luận tại phiên điều trần vừa qua là sự nỗ lực không mệt mỏi của các bên.
Bởi từ năm 2008, Việt Nam và Mỹ đã thành lập Nhóm công tác song phương về vấn đề kinh tế thị trường (Structural Issues Working Group - SIWG) và đã tổ chức 10 phiên họp kỹ thuật để trao đổi thông tin theo sáu tiêu chí mà Mỹ đưa ra, để giúp bạn cập nhật về những tiến triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua.
Từ đó tạo tiền đề cho Mỹ có cơ sở nhìn nhận và xem xét lại vấn đề kinh tế thị trường cho Việt Nam.
Các tiêu chí bao gồm: Mức độ chuyển đổi của đồng tiền; Vấn đề đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; Mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; Vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân; Mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực, giá cả và các yếu tố khác.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, một đại diện của Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết trong suốt quá trình này Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước để phân tích, tổng hợp thông tin theo đề nghị của DOC về sự thay đổi tích cực của nền kinh tế Việt Nam.
Trong đó nhấn mạnh đến mức độ mở cửa của nền kinh tế, chính sách thương mại, chính sách tiền tệ, đầu tư nước ngoài và những tiến bộ trong công tác hội nhập đáp ứng sáu tiêu chí trên.
Trên thực tế, vấn đề kinh tế thị trường là một trong những nội dung quan trọng mà hai quốc gia quan tâm và đã được đưa vào tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ. Đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu của ta vào Mỹ đang ngày càng gia tăng (tổng kim ngạch năm 2023 đạt 97 tỉ USD, bốn tháng đầu năm ước đạt 34,12 tỉ USD).
Hàng Việt xuất khẩu sẽ có lợi
Chính việc được công nhận quy chế kinh tế thị trường, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, có ý nghĩa rất lớn cho các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam, tạo ra lợi thế cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa của ta đối với hàng hóa xuất khẩu của các quốc gia khác khi mức thuế phòng vệ thương mại phản ánh đúng thực tiễn sản xuất tại Việt Nam.
Đặc biệt đối với các vụ việc phòng vệ thương mại, việc công nhận quy chế kinh tế thị trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi trong trường hợp hàng xuất khẩu của Việt Nam điều tra chống bán phá giá khi ta vẫn bị coi là nền kinh tế phi thị trường sẽ dẫn đến các nguyên tắc tính toán giá thông thường không được sử dụng.
Nước điều tra sẽ sử dụng nước thứ ba để tính toán giá thay thế khi tính biên độ phá giá, khiến cho biên độ phá giá thường rất cao, không phản ánh đúng thực tiễn sản xuất của Việt Nam.
Điều này tạo ra bất lợi rất lớn đối với hàng hóa xuất khẩu khi không thể cạnh tranh với các hàng hóa xuất khẩu từ quốc gia khác", vị lãnh đạo trên cho hay.
Còn với các vụ việc Mỹ điều tra chống lẩn tránh thuế, chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, nước này sẽ áp dụng phương pháp dành cho các quốc gia có nền kinh tế phi thị trường để tính chi phí sản xuất tại Việt Nam nhằm xác định quá trình lắp ráp hoặc hoàn thiện tại Việt Nam có đáng kể hay không.
Khi Việt Nam được coi là nền kinh tế phi thị trường sẽ cho phép DOC áp dụng thuế suất toàn quốc, dựa trên dữ liệu sẵn có nên bị đẩy lên rất cao, tương đương lệnh cấm và được duy trì trong tất cả các đợt rà soát, gây cản trở cho việc xem xét dỡ bỏ lệnh áp thuế.
Do đó, lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định việc Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ góp phần cụ thể hóa cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước, tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ.
Từ đó thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư song phương, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và nhân dân hai nước.
Nhiều tổ chức uy tín của Mỹ ủng hộ Việt Nam
Chia sẻ từ Mỹ, Tham tán thương mại - trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam Đỗ Ngọc Hưng cho hay tại phiên điều trần do DOC chủ trì, Việt Nam đã thể hiện những nỗ lực, cố gắng của ta trong việc đáp ứng sáu tiêu chí để công nhận nền kinh tế thị trường.
Ông Hưng cho rằng việc xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ thể hiện quan điểm chính sách nhất quán của chính quyền Mỹ sau khi hai nước nâng cấp Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2023. Điều này cũng thể hiện hình ảnh Việt Nam là đối tác tin cậy trong khu vực, phù hợp với chính sách đa dạng hóa chuỗi cung ứng và đẩy mạnh đầu tư của Mỹ.
Theo ông Hưng, thời điểm từ nay đến ngày 26-7 khi Mỹ đưa ra quyết định chính thức, sẽ là giai đoạn rất quan trọng, đòi hỏi sự vận động mạnh mẽ và quyết liệt nhất của các cấp thông qua nhiều kênh. Mặc dù còn nhiều thách thức lớn nhưng ông Hưng cho rằng với sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành của Việt Nam đã triển khai việc vận động một cách toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm.
Trong đó, kịp thời cung cấp thông tin đến hầu hết các đối tác có thiện cảm, cùng chia sẻ lợi ích với Việt Nam (cả trong nước, tại địa bàn Mỹ và các đối tác khác), giúp truyền tải thông tin một cách hệ thống, xuyên suốt về vấn đề này. Qua đó, các đối tác về cơ bản đều ghi nhận và có thể có hình thức ủng hộ phù hợp.
Thực tế, trong giai đoạn gửi ý kiến bình luận và phản biện lên DOC trước khi diễn ra phiên điều trần, có hơn 40 ý kiến bình luận ủng hộ nền kinh tế thị trường của Việt Nam.
Đáng chú ý, trong những ý kiến ủng hộ có những bình luận đến từ những tổ chức uy tín và có tiếng nói của Mỹ như Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham), Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC), Hiệp hội Công nghiệp bán lẻ Mỹ (RILA), Hiệp hội Các nhà xuất nhập khẩu Mỹ (AAEI), Hiệp hội Nông nghiệp Mỹ (NASDA), Hiệp hội Dệt may và da giày Mỹ (AAFA)...
Nhiều niềm vui và cơ hội
Là tập đoàn chế biến xuất khẩu cá tra và có mặt ở hơn 30 quốc gia trên khắp thế giới, Tập đoàn Nam Việt (TP Long Xuyên, An Giang) hiện đang xuất khẩu cá tra vào Mỹ với mức thuế 0% (mới chỉ được áp dụng trong năm 2024). Và theo lãnh đạo tập đoàn này, nếu Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường thì các doanh nghiệp xuất khẩu như Nam Việt sẽ hưởng lợi lớn.
"Nếu Việt Nam được công nhận là kinh tế thị trường thì quá tuyệt vời, sẽ thúc đẩy cho toàn ngành và tạo cơ hội cạnh tranh cho nhà xuất khẩu ở Việt Nam. Riêng Nam Việt sẽ có cuộc chơi sòng phẳng với các doanh nghiệp khác", đại diện tập đoàn trên nói.
Chia sẻ thêm về vấn đề trên, ông Trương Đình Hòe - tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cũng cho rằng có cơ hội nhưng đường đi cũng còn xa. Khi được công nhận là kinh tế thị trường, phương thức, cách làm mức thuế có thể khác.
Mức thuế thấp hơn nhưng cũng có thể cao hơn chứ không phải kinh tế thị trường mức thuế về hết 0%. Chẳng hạn Ấn Độ là kinh tế thị trường nhưng thuế chống bán phá giá với tôm xuất khẩu lại cao hơn Việt Nam. Chuyện này phức tạp và còn xa...
"Nhưng tôi thừa nhận với xu hướng là kinh tế thị trường, lợi thế cơ bản nhất là Việt Nam sẽ giống như các nước, mình làm ăn ngon lành hơn. Kế nữa là lợi thế với vụ kiện tranh chấp thương mại, khi đã là kinh tế thị trường thì phản ánh sẽ đúng hơn, không kiện tụng trong chống bán phá giá.
Nếu Việt Nam là phi kinh tế thị trường, lấy quốc gia khác làm cơ sở tham chiếu, có thể đúng hoặc sai. Khi vào chung một sân, Việt Nam sẽ bình đẳng với các nước, các nền kinh tế; sẽ là đối tác lớn của Mỹ, cạnh tranh công bằng với quốc gia khác; được đối xử công bằng trong tất cả vấn đề thương mại", ông Hòe nói.
Ngoài thủy sản, rau quả Việt có mặt tại trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, có 10 thị trường chính trong đó có Mỹ. Và theo ông Trần Văn Nam (doanh nghiệp thu mua rau quả xuất khẩu), trong số các nhóm mặt hàng nông, lâm, thủy sản, Mỹ mua nhiều nhất hạt điều, thủy sản, gỗ, trái cây... của Việt Nam.
Tuy nhiên để vào được thị trường Mỹ thì các mặt hàng phải được kiểm dịch cực kỳ khắt khe.
"Tóm lại rất khắt khe. Nhưng khi đã là kinh tế thị trường, doanh nghiệp, nhà vườn sẽ được đáp ứng. Cụ thể là sản lượng xuất khẩu tăng lên, giá trị cao, tính cạnh tranh lớn và có thương hiệu với người Mỹ. Thay vì trước đây trái cây Việt Nam vào Mỹ chỉ có người châu Á ưa chuộng", ông Nam giải thích.
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài ủng hộ Việt Nam
Trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 9-5, trả lời Tuổi Trẻ về vấn đề trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết Việt Nam hoan nghênh Bộ Thương mại Mỹ đã tổ chức phiên điều trần.
Tại phiên điều trần, phía Việt Nam đã nêu rõ các lập luận, thông tin, số liệu để khẳng định nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí của quy chế kinh tế thị trường.
Đại diện Bộ Công Thương Việt Nam tại phiên điều trần là luật sư Eric Emerson đến từ Công ty luật Steptoe LLP có trụ sở tại Washington (Mỹ). Ông Emerson nhấn mạnh Việt Nam nên được nâng cấp lên nền kinh tế thị trường vì đã đáp ứng sáu tiêu chí của Bộ Thương mại Mỹ.
Ông đồng thời chỉ ra rằng Việt Nam đang làm tốt hơn các nước khác đã được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, ít can thiệp vào các doanh nghiệp nhà nước hơn Ấn Độ và cởi mở hơn với đầu tư nước ngoài so với Indonesia, Canada hay Philippines.
Samsung Electronics là một trong những công ty ủng hộ việc Mỹ nâng Việt Nam lên quy chế kinh tế thị trường.
Tại phiên điều trần, ông Scott Thompson, giám đốc chính sách công của Samsung Electronics chi nhánh Mỹ, khẳng định công ty đã trở thành một trong những nhà sử dụng lao động nhiều nhất tại Việt Nam nhờ những thay đổi theo định hướng thị trường của Việt Nam.
"Họ đã nổi lên như một đối tác chuỗi cung ứng ổn định, an toàn của Mỹ, mang lại lợi ích cuối cùng cho nền kinh tế Mỹ", ông nói.
Sự ủng hộ của doanh nghiệp nước ngoài cho Việt Nam còn có thể được nhìn thấy từ trước phiên điều trần. Ông Ted Osius, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam và hiện là chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN có hơn 120 thành viên là những tập đoàn hàng đầu Mỹ và thế giới, thậm chí còn nhấn mạnh: "Việt Nam đã có nền kinh tế thị trường".
Trên Hãng tin Reuters, ông lập luận: "Việt Nam đã đáp ứng các tiêu chí quan trọng như khả năng chuyển đổi tiền tệ và sẵn sàng để được công nhận quy chế chính thức. Các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư đáng kể vào Việt Nam vì họ nhận ra tiềm năng phát triển của nước này".
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng, thực tế cho đến nay đã có 72 nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, trong đó có các nền kinh tế lớn như Anh, Canada, Úc, Nhật Bản... Việt Nam cũng đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với hơn 60 đối tác, trải rộng khắp các châu lục.
"Việc Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ góp phần cụ thể hóa cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước, tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ, qua đó thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai nước", người phát ngôn Bộ Ngoại giao lập luận.
Công nhận kinh tế thị trường ở Việt Nam có lợi cho Mỹ
Trong một bài viết đăng trên trang web của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có uy tín cao tại Mỹ, chuyên gia Murray Hiebert nhấn mạnh đã tới lúc thích hợp để Mỹ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Ông chỉ ra những cải cách kinh tế với Việt Nam đã đưa đất nước vào những điểm đến cởi mở với doanh nghiệp nước ngoài và ngày nay, Việt Nam đã trở thành một "nam châm lớn thu hút FDI" khi các công ty dịch chuyển chuỗi cung ứng.
Với Mỹ, ông Murray Hiebert dẫn ra việc công ty của Mỹ như Apple và Intel đã thành lập các nhà máy và trung tâm nghiên cứu lớn tại Việt Nam, đồng thời Hà Nội cũng nằm trong số 10 đối tác thương mại hàng đầu của Washington.
Việt Nam còn là đối tác trong các cuộc đàm phán do Mỹ thúc đẩy nhằm thiết lập Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương mà Mỹ đã rút lui.
"Nhiều nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Nhật Bản, Úc, Anh và Canada, đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Việc Mỹ tiếp tục coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường là phản tác dụng đối với một quốc gia mà Washington có quan hệ kinh tế sâu sắc và hợp tác an ninh ngày càng mạnh mẽ.
Bước hợp lý tiếp theo trong quan hệ Mỹ - Việt Nam nên là việc Bộ Thương mại công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường vào tháng 7 tới", ông Murray Hiebert viết trên CSIS.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận