24/08/2018 15:08 GMT+7

Mỹ - Trung vừa đánh vừa đàm

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Mỹ - Trung nối lại đối thoại thương mại, trong bối cảnh các khoản thuế đánh lên hàng chục tỉ USD hàng hóa công bố trước đó giữa hai nước chính thức có hiệu lực.

Mỹ - Trung vừa đánh vừa đàm - Ảnh 1.

Trái cây của Mỹ bán tại siêu thị ở Thượng Hải, Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc đã bước vào cuộc đàm phán tại Washington từ ngày 22 đến 24-8, nhằm chấm dứt căng thẳng thương mại ngày càng leo thang. 

Tuy nhiên, cùng lúc hai nước cũng bắt đầu áp thuế lên tổng 32 tỉ USD hàng hóa của nhau, nâng giá trị hàng hóa bị đánh thuế song phương lên 100 tỉ USD và tiếp tục gia tăng lo ngại về chiến tranh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Đàm vẫn đàm

Phái đoàn của Trung Quốc do Thứ trưởng Bộ Thương mại Vương Thụ Văn dẫn đầu và đoàn Mỹ do Thứ trưởng Bộ Tài chính David Malpass dẫn đầu đã bắt đầu cuộc đàm phán chính thức đầu tiên, kể từ cuộc đàm phán thất bại giữa Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Bắc Kinh hồi tháng 6-2018. 

Chưa rõ lần này hai bên sẽ thảo luận ra sao, nhưng tổng thống Mỹ hồi đầu tuần cho biết ông không "kỳ vọng nhiều" vào cuộc gặp cấp chuyên viên này, đồng thời nhận định việc giải quyết tranh chấp thương mại hai nước sẽ mất nhiều thời gian. 

Ông thậm chí "đổ thêm chút dầu" khi cáo buộc Trung Quốc đã điều chỉnh tỉ giá đồng nhân dân tệ để bù đắp số tiền thuế quan phải trả cho Mỹ, đồng thời kêu gọi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có biện pháp đối phó.

Đến nay, chính quyền ông Trump dường như vẫn chưa thống nhất mức độ cứng rắn với Trung Quốc, nhưng Nhà Trắng tỏ ra tự tin sẽ chiến thắng trong bối cảnh Bắc Kinh không kìm cương được suy giảm kinh tế và thị trường chứng khoán hỗn loạn. 

Lần này, Washington đã có thêm thời gian quan sát phản ứng thị trường sau hai cuộc đàm phán trước đó, trong khi kinh tế Mỹ nhiều tháng qua vẫn ổn định và Tổng thống Trump tiếp tục được phe Cộng hòa ủng hộ. 

Dù vậy, nội các của ông Trump vẫn chia rẽ về căng thẳng thương mại với Trung Quốc khi Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin muốn tìm giải pháp qua đàm phán, trong khi đại diện thương mại Robert Lighthizer cương quyết gia tăng sức ép.

Nhưng Bắc Kinh cũng không tỏ ra yếu thế. Trong ngày đàm phán đầu tiên, Thời Báo Hoàn Cầu đã trấn an phái đoàn Trung Quốc không nên cảm thấy áp lực. 

"Thực sự xã hội Trung Quốc không kỳ vọng sẽ nhanh chóng đạt được thỏa thuận và chấm dứt chiến tranh thương mại" - tờ này viết.

Căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc sẽ tệ hơn trong năm nay, đè nặng lên tăng trưởng toàn cầu năm 2019. Phần lớn tác động từ các rào cản thương mại lên tăng trưởng kinh tế sẽ thấy rõ trong năm sau.

Tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody cảnh báo

Thuế vẫn đánh

Trưa 23-8, mức thế 25% Mỹ áp lên 16 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc và mức thuế trả đũa 25% Bắc Kinh áp lên 16 tỉ USD hàng hóa của Washington chính thức có hiệu lực. 

Như vậy, Mỹ chính thức hoàn tất kế hoạch áp thuế đối với khối hàng hóa tổng trị giá 50 tỉ USD nhập từ Trung Quốc. 

Trước đó, mức thuế mới đã được áp với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với tổng trị giá 34 tỉ USD từ hôm 6-7.

Nhưng các đòn trả đũa sẽ chưa dừng lại ở đó, khi trong tuần này Văn phòng đại diện thương mại Mỹ sẽ tổ chức các cuộc tham vấn công khai về kế hoạch đánh thuế đến 20% lên thêm 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc. 

Ông Trump trước đó đã dọa đánh thuế toàn bộ 500 tỉ USD hàng xuất khẩu của Bắc Kinh.

Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 23-8 nhấn mạnh Bắc Kinh kịch liệt phản đối việc tăng thuế mới nhất của Washington và sẽ khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đồng thời cảnh báo sẽ ra thêm các biện pháp đáp trả, có thể là đánh thuế thêm 60 tỉ USD hàng hóa Mỹ như đã nói trước đó.

Trong khi hai ông lớn ăn thua đủ, các nhà kinh tế cảnh báo mỗi 100 tỉ USD hàng hóa bị đánh thuế thì thương mại toàn cầu sẽ giảm 0,5%. Ảnh hưởng sẽ nặng nề hơn tại các nước lân cận. Chẳng hạn các hàng hóa lắp ráp sau cùng tại Trung Quốc đều đến từ các nước Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia và đi qua Singapore. 

Điều này có nghĩa là tăng trưởng kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể giảm đến 1% nếu căng thẳng thương mại tiếp diễn.

Chứng khoán châu Á lung lay

Thị trường châu Á sụt giảm ngày 23-8 trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, theo Reuters. Chỉ số châu Á - Thái Bình Dương giảm 0,1%, trong khi các chỉ số như Kospi (Hàn Quốc), Hang Seng (Hong Kong) giảm 0,1 - 0,5%. Tuy nhiên, một vài chỉ số tăng như Nikkei (Nhật Bản) thêm 0,2%, Shanghai Composite (Trung Quốc) thêm 0,4%.

Mỹ công bố danh sách áp thuế thêm 200 tỉ USD hàng Trung Quốc Mỹ công bố danh sách áp thuế thêm 200 tỉ USD hàng Trung Quốc

TTO - Chiều 10-7 (giờ Mỹ), tức sáng nay 11-7 chính quyền Mỹ chính thức công bố danh sách áp thuế thêm với 200 tỉ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên