USS Decatur, tàu khu trục Mỹ thực hiện tuần tra tự do đi lại trên Biển Đông, sát các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép - Ảnh: Reuters |
Ngày 8-2, trong lúc đang thăm Úc, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nắn gân chính quyền mới của Mỹ bằng tuyên bố nước Mỹ cần phải ôn lại lịch sử về Biển Đông khi dẫn lại hai hiệp ước liên quan đến Thế chiến II khẳng định Nhật phải giao trả lại cho Trung Quốc tất cả những lãnh thổ của Trung Quốc mà nước này chiếm giữ.
Ông Vương Nghị cũng nhắc lại lập trường nhất quán là Bắc Kinh cam kết đối thoại với các bên liên quan trực tiếp dựa trên các sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
Tuyên bố của ông Vương Nghị về vùng biển tranh chấp được cho là đáp lại bình luận cứng rắn gần đây nhất của tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong buổi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ.
Theo đó, ông Tillerson nhấn mạnh Trung Quốc không được phép tiếp cận các hòn đảo nhân tạo mà nước này đã xây dựng ở Biển Đông và gọi việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông và tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông, nơi có tranh chấp với Nhật Bản, là “hành động phi pháp”.
Tuy nhiên bất chấp những căng thẳng nêu trên, giới quan sát cho biết rất khó có đụng độ quân sự giữa Washington và Bắc Kinh trong thời gian tới.
Thông điệp rõ ràng hơn đã được chính tân Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis khẳng định trong chuyến công du châu Á tuần trước: “Vào thời điểm hiện tại, chúng tôi nhận thấy không cần phải tiến hành bất kỳ hành động quân sự quy mô lớn nào".
Ông Mattis cũng nhấn mạnh ưu tiên các giải pháp ngoại giao trong giải quyết tranh chấp.
Trong bài bình luận trên tạp chí Foreign Policy đăng ngày 9-2, bà Nina Hachigian, Đại sứ Mỹ tại ASEAN nhiệm kỳ 2014-2017, cho rằng phát triển chính sách Biển Đông là một trong những nhiệm vụ cấp bách và thách thức nhất của chính quyền Donald Trump và thật không thông minh chút nào nếu ngay lập tức nhảy vào cuộc đối đầu với Bắc Kinh.
Theo bà Nina Hachigian, đối thoại thực chất giữa nhiều bộ ngành khác nhau của hai bên sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực.
Cũng theo Đại sứ Nina Hachigian, sau những cuộc tranh luận và đánh giá cẩn thận các nguy cơ và lợi ích giữa hai bên, chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump có thể tính đến việc gia tăng các hoạt động quân sự để bảo đảm các lợi ích của nước Mỹ ở Biển Đông bao gồm tự do hàng hải, hàng không, tự do lưu thông thương mại, hòa bình, ổn định, và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Còn trong bài bình luận trên tạp chí National Interest ngày 8-2, hai chuyên gia Amy Searight và Geoffrey Hartman cho rằng nếu Mỹ không thách thức những hành động cưỡng ép của Trung Quốc ở Biển Đông, nó sẽ gửi đi một dấu hiệu nguy hiểm về sức mạnh của hệ thống đồng minh của Mỹ cũng như sức hấp dẫn của Mỹ với tư cách là một đối tác an ninh.
Hai chuyên gia này cho rằng một trong những giải pháp khả dĩ của Nhà Trắng chính là tăng cường các nỗ lực xây dựng năng lực bảo vệ an ninh hàng hải cho các đồng minh và đối tác, trong đó có các quốc gia Đông Nam Á có liên quan đến tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông.
Ngoài ra, các lãnh đạo ở Washington cũng đừng e ngại gây căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung bởi những cách tiếp cận yếu ớt của Washington sẽ khuyến khích Bắc Kinh thực hiện những hành động khiêu khích hơn.
Hai chuyên gia Amy Searight và Geoffrey Hartman bày tỏ tin tưởng rằng Mỹ hoàn toàn có thể ngăn chặn Trung Quốc định đoạt trật tự khu vực trong khi vẫn duy trì một mối quan hệ song phương hiệu quả, đồng thời khẳng định ngăn chặn các nỗ lực của Trung Quốc chính là một phép thử đối với cam kết của Mỹ trong khu vực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận