Tiến sĩ Patrick Cronin, giám đốc Chương trình an ninh châu Á - Thái Bình Dương, thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 10 tổ chức tại Đà Nẵng ngày 8-11 - Ảnh: NHẬT ĐĂNG
Ngày 9-11, Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ có cuộc đối thoại cấp cao về an ninh, tập trung vào vấn đề Biển Đông và Đài Loan.
Cuộc họp này đã bị trì hoãn, nhưng tái khởi động sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuần trước.
Đối thoại Mỹ - Trung được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nút thắt trong căng thẳng giữa hai nước thời gian này. Tuy nhiên theo tiến sĩ Patrick Cronin, cố vấn và giám đốc cấp cao Chương trình an ninh châu Á - Thái Bình Dương, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ mới (CNAS), sẽ không quá nhiều kỳ vọng cho những kết quả cụ thể sau cuộc gặp nêu trên.
"Đó sẽ là những câu chuyện tập trung vào mâu thuẫn trong vấn đề an ninh mạng, các hoạt động hàng hải, nhằm đảm bảo căng thẳng không leo thang thành xung đột. (Cuộc đối thoại) sẽ củng cố suy nghĩ rằng Washington và Bắc Kinh đều muốn tránh xung đột… Tôi cho rằng sẽ không nhiều khả năng xuất hiện những giải pháp cụ thể về các vấn đề lớn giữa hai bên, thay vào đó sẽ là đàm phán về tiến trình kiểm soát, quản lý xung đột để tránh căng thẳng, tăng cường hợp tác an ninh mạng cũng như không gian", tiến sĩ Cronin nói với Tuổi Trẻ sáng 8-11.
Ông Cronin là một trong 89 học giả quốc tế thuộc 220 đại biểu tham dự và làm việc tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 10, tổ chức tại Đà Nẵng trong hai ngày ngày 8 và 9-11.
Năm nay, Học viện Ngoại giao Việt Nam (DAV), Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) - các đơn vị đồng tổ chức, đã có những đánh giá về chặng đường 10 năm của hội thảo, cũng như câu chuyện của Biển Đông trong một thập kỷ qua.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Vũ Tùng - giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam - trong phát biểu khai mạc đã nhấn mạnh giá trị về mặt nội dung mà hội thảo mang lại. Năm nay là lúc các học giả đem tới những tham luận có tính chất trực diện hơn, điểm vào những vấn đề nóng nhất trong khu vực. Phần trình bày về chiến lược của Ấn Độ và Trung Quốc đã được trình bày rất thẳng thắn tại hai phiên đầu tiên ngày 8-11.
Cách đây ba năm, Trung Quốc đưa ra một khái niệm "Quan hệ nước lớn kiểu mới" với Mỹ. Nhưng lúc này tình hình quan hệ song phương giữa Bắc Kinh và Washington đang căng thẳng, từ thương mại cho đến Biển Đông, Đài Loan…
Trao đổi thêm cùng Tuổi Trẻ về chủ đề này, tiến sĩ Cronin nhận định Mỹ đang tăng cường cạnh tranh với Trung Quốc: "Trung Quốc đơn giản đang ngày càng chủ động trong 10 năm qua về vấn đề Biển Đông, theo những cách thức mà họ đã thể hiện. Mỹ dưới các chính quyền khác nhau, đến nay đều cố gắng thúc đẩy quan hệ với các đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương, nhằm đảm bảo luật pháp, tránh xung đột".
Khi nhắc lại về "Quan hệ nước lớn kiểu mới", ông Cronin thẳng thắn cho rằng Mỹ đã từ chối khái niệm ấy, vì "Mỹ không thiết lập quan hệ dựa trên những khẩu hiệu như vậy, mà xây dựng quan hệ dựa nhiều hơn vào quy tắc, công bằng và tuân thủ luật pháp quốc tế".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận