Binh lính Taliban tại một chốt kiểm soát ở thủ đô Kabul (Afghanistan) mỉm cười khi thấy máy ảnh hướng về phía họ - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, phái đoàn cấp cao của Mỹ bao gồm các quan chức từ Bộ Ngoại giao, Cơ quan Phát triển quốc tế (USAID) và cộng đồng tình báo Mỹ.
Đặc phái viên Zalmay Khalilzad, người đã nhiều năm dẫn dắt phái đoàn Mỹ trong đàm phán với Taliban, vắng mặt trong sự kiện lần này.
Một quan chức Mỹ cho biết họ sẽ thúc giục Taliban tiếp tục đảm bảo cho công dân Mỹ và những người khác rời khỏi Afghanistan an toàn, thả Mark Frerichs - công dân Mỹ bị "bắt cóc".
Các ưu tiên khác bao gồm buộc Taliban thực hiện cam kết không để Afghanistan thành nơi ẩn náu của khủng bố, nới lỏng các quy định để viện trợ nhân đạo đến tay dân thường nhanh nhất có thể.
"Chúng tôi cũng sẽ thúc ép Taliban tôn trọng quyền của tất cả người Afghanistan, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em gái, thành lập một chính phủ đa đại diện với sự ủng hộ rộng rãi", một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Hãng thông tấn AFP.
Cuộc gặp diễn ra chỉ một ngày sau vụ đánh bom đẫm máu nhắm vào nhà thờ Hồi giáo ở tỉnh Kunduz khiến gần 190 người chết và bị thương. Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K) đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công.
Sự việc cho thấy sự bất ổn an ninh vẫn tiếp diễn tại Afghanistan sau khi Mỹ và đồng minh rút quân vào ngày 30-8 vừa qua. Theo AFP, việc phương Tây rút đi cũng để lại một khoảng trống lớn trong nền kinh tế Afghanistan vốn phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài.
Một quan chức Mỹ khẳng định cuộc gặp tại Doha lần này là một phần trong các cuộc tiếp xúc "thực dụng" nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia của Mỹ tại Afghanistan.
"Cuộc gặp lần này không phải để công nhận tính chính danh của Taliban. Chúng tôi đã nói rất rõ rằng bất kỳ sự công nhận tính chính danh nào đều sẽ phải căn cứ trên các hành động của Taliban", vị này nói với Reuters và đề nghị giấu tên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận