Thủ đô Kabul phải đối mặt với tình trạng mất điện bất cứ lúc nào. Ảnh: AP
Kabul có thể đang phải đối mặt với tình trạng mất điện do Taliban không có khả năng thanh toán hóa đơn, báo Wall Street Journal đưa tin, dẫn lời cựu giám đốc điều hành của công ty điện lực nhà nước.
Theo ông Daud Noorzai - cựu lãnh đạo của Công ty điện lực DABS (Da Afghanistan Breshna Sherkat), nguy cơ mất điện có thể ập đến quốc gia Nam Trung Á này ngay trước mùa đông, rất có thể sẽ dẫn đến một thảm họa nhân đạo khác. Ông Noorzai từ chức khoảng 2 tuần sau khi Taliban thiết lập quyền kiểm soát đất nước.
"Hậu quả sẽ xảy ra trên toàn quốc. Nhưng hậu quả lớn nhất là nếu Kabul xảy ra mất điện, nó sẽ đưa Afghanistan trở lại thời kỳ đen tối. Đây sẽ là một tình huống thực sự nguy hiểm" - ông Noorzai, người còn có liên hệ với quản lý hiện tại của công ty năng lượng nhà nước, cảnh báo.
Hiện nay, một nửa lượng điện năng tiêu thụ của Afghanistan được nhập khẩu từ Uzbekistan, Tajikistan và Turkmenistan, trong khi Iran cũng cung cấp điện cho các vùng phía tây của đất nước này.
Các nhà máy thủy điện bị ảnh hưởng do hạn hán cùng với điện từ mạng lưới quốc gia chưa bao phủ đầy đủ là hai trong nhiều nguyên nhân khiến thủ đô Kabul phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ các nước Trung Á khác.
Các cảnh báo được đưa ra khi Mỹ và các đồng minh tiếp tục kêu gọi đẩy mạnh và trang trải một phần chi phí tái thiết Afghanistan sau khi Taliban tiếp quản.
Mùa đông đang tới khiến cuộc sống người dân tại quốc gia Nam Trung Á này trở nên bi đát hơn. Vào cuối tháng 9, Taliban cho biết tổ chức nhân đạo của Hội đồng Người tị nạn Na Uy (NRC) đã cam kết cung cấp viện trợ nhân đạo cho quốc gia này trong suốt mùa đông. Taliban cho biết thêm "Bác sĩ không biên giới" - một tổ chức nhân đạo y tế quốc tế - cũng sẽ tiếp tục hoạt động tại Afghanistan.
Sau khi lên nắm chính quyền, Taliban không còn tấn công các đường dây truyền tải điện từ Trung Á. Tuy nhiên, mọi thứ có thể thay đổi nếu các nhà cung cấp từ Trung Á quyết định cắt điện đang cung cấp cho DABS vì không thanh toán.
Một số cơ quan của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức khác trên thế giới đã bày tỏ lo ngại về tình hình kinh tế tồi tệ của Afghanistan, vốn có nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra, theo báo Business Standard.
Quan chức EU cảnh báo thảm họa nhân đạo ở Afghanistan
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, ông Josep Borrell hôm 3-10 cho biết Afghanistan đang phải đối mặt với "một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng và sự sụp đổ kinh tế xã hội đang rình rập". Theo ông Borell, nếu tình huống này xảy ra, nó sẽ gây nguy hiểm cho khu vực và an ninh quốc tế.
"Afghanistan là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, với hơn 1/3 dân số sống dưới 2 USD một ngày. Trong nhiều năm, nước này phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ nước ngoài: Vào năm 2020, viện trợ quốc tế chiếm 43% GDP của đất nước và 75% tiền lương trả cho dịch vụ dân sự đến từ viện trợ nước ngoài " - ông Borrell viết trong một bài đăng trên blog cá nhân.
Đặc biệt, nhà ngoại giao hàng đầu của EU lưu ý rằng viện trợ được sử dụng để tài trợ cho thâm hụt thương mại chiếm khoảng 30% GDP. Afghanistan phải nhập khẩu hầu hết các sản phẩm công nghiệp, tất cả nhiên liệu hóa thạch và một phần lớn lúa mì cần thiết để cung cấp cho quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận