Hôm 3-4, Mỹ khẳng định việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập nên được thực hiện thông qua đàm phán giữa các nước, chứ không phải tại Liên Hiệp Quốc.
Vào năm 2011, Palestine đã nộp đơn xin làm thành viên đầy đủ của Liên Hiệp Quốc. Nhưng đến nay Palestine vẫn trong tình trạng "nhà nước trên thực tế" thay vì được công nhận chính thức. Liên Hiệp Quốc đã cho phép Palestine làm quan sát viên từ năm 2012.
Tuần này, chính quyền Palestine yêu cầu xem xét đơn gia nhập của họ lần nữa. Nhưng nguyện vọng trên nhiều khả năng sẽ gặp khó khăn từ Mỹ.
Một nhà nước Palestine độc lập ở Liên Hiệp Quốc cần có sự chấp thuận của toàn bộ 15 thành viên Hội đồng Bảo an (thường trực và không thường trực), sau đó phải có sự đồng thuận của ít nhất 2/3 tổng số 193 thành viên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Mỹ là 1 trong 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, có lá phiếu chống quyền lực và có tiếng nói trọng lượng ở Liên Hiệp Quốc. Nhưng điều quan trọng ở chỗ Washington là đồng minh thân thiết của Israel, quốc gia tranh chấp với người Palestine.
Khi được hỏi liệu Mỹ có dùng lá phiếu chống tại Hội đồng Bảo an để chặn đơn gia nhập của Palestine hay không, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho rằng ông không muốn suy đoán, nhưng lưu ý việc thành lập nhà nước Palestine độc lập (với sự đảm bảo an ninh cho Israel) "là điều nên được thực hiện thông qua đàm phán giữa các bên" chứ không phải tại Liên Hiệp Quốc.
Theo ông Miller, hiện nay Mỹ đang ủng hộ việc Palestine tìm cách đàm phán với các nước, cho đây là cách làm phù hợp hơn.
Giai đoạn hiện nay về lý thuyết khá phù hợp để Palestine thúc đẩy nỗ lực làm thành viên đầy đủ của Liên Hiệp Quốc. Hàng chục ngàn người Palestine đã thiệt mạng chỉ trong 6 tháng chiến tranh giữa Israel với tổ chức Hồi giáo Hamas của người Palestine. Sức ép nhân đạo áp lên Israel đang lớn, và tình cảm ủng hộ người dân vô tội Palestine cũng đang dâng cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận