Một máy bay của Nga thực hiện chuyến bay giám sát trong khuôn khổ hiệp ước Bầu trời mở - Ảnh chụp màn hình
"Nga đã không tuân thủ hiệp ước này, vì vậy chúng tôi sẽ rút trừ khi họ nghiêm túc thực thi nó", ông Trump khẳng định ngày 21-5.
Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, trong ngày 22-5 Washington sẽ thông báo ý định rút lui tới tất cả 32 nước đã phê chuẩn hiệp ước và chính thức khởi động tiến trình kéo dài 6 tháng.
Tổng thống Mỹ tỏ ra lạc quan và giảm nhẹ sự lo ngại rằng động thái lần này có thể dẫn tới các căng thẳng với Nga. "Sẽ có cơ hội để đàm phán lại hiệp ước hoặc đưa ra một hiệp ước mới khác không chừng. Mỹ sẽ rút và tôi cho là Nga sẽ quay lại, nói muốn đàm phán một hiệp ước với chúng tôi".
Hiệp ước được ký kết năm 1992 và có hiệu lực từ năm 2002 cho phép các quốc gia thành viên thực hiện các chuyến bay trinh sát không vũ trang qua các quốc gia tham gia để thu thập dữ liệu về lực lượng vũ trang và các hoạt động quân sự khác.
Ý tưởng của những người đặt nền móng cho hiệp ước này là khi các quốc gia càng giảm bớt nghi ngờ về nhau, nguy cơ xung đột sẽ càng ít.
Khoảng 1.500 chuyến bay đã được thực hiện trong khuôn khổ hiệp ước Bầu trời mở. Theo Hãng tin Reuters, các quốc gia tham gia hiệp ước đồng ý cho phép các chuyến bay giám sát trên toàn bộ lãnh thổ. Mặc dù vậy, một số khu vực tại Nga vẫn bị hạn chế đến thời điểm hiện tại.
Nhà Trắng đã lập luận rằng trong bối cảnh hiện tại, các hình ảnh thu thập được trong những chuyến bay như vậy hoàn toàn có thể lấy được nhanh chóng với chi phí thấp hơn nhờ vào mạng lưới vệ tinh của Mỹ.
Theo Đài CNN, đây là hiệp ước kiểm soát vũ khí lớn mới nhất mà Mỹ sẽ từ bỏ dưới thời chính quyền Trump sau Hiệp ước kiểm soát lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được ký năm 1987 với Liên Xô cũ.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko lập tức lên tiếng trước động thái của Mỹ và cho rằng người thiệt nhất không phải là Nga mà là các đồng minh của Mỹ tại châu Âu, những nước thường được chia sẻ các hình ảnh trinh sát ở Nga.
Tuyên bố này không phải không có cơ sở. Đức, đồng minh của Mỹ trong NATO, ngay sau đó đã kêu gọi Washington "xem xét lại" quyết định đồng thời thúc giục Matxcơva "tuân thủ đầy đủ hiệp ước".
"Tôi lấy làm tiếc khi nghe tin này. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuân thủ hiệp ước và làm mọi thứ để duy trì nó", Ngoại trưởng Đức Heiko Maas khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận