30/12/2019 09:52 GMT+7

'Bảo bối' Avangard của Nga

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Nga đã sẵn sàng đưa các tổ hợp tên lửa siêu thanh Avangard và Sarmat vào hiệp ước START mới, sau khi hiệp ước này được gia hạn. Loại vũ khí “khủng” này chẳng khác con át chủ bài trong thương lượng.

Bảo bối Avangard của Nga - Ảnh 1.

Tên lửa siêu thanh đạn đạo liên lục địa Sarmat sẽ được triển khai cho quân đội Nga trong năm 2020 - Ảnh: AFP

Trên kênh truyền hình Nga Channel One hôm 22-12, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov giải thích rằng Nga đã giới thiệu và cho biết sẵn sàng đưa các hệ thống vũ khí mới, bao gồm vũ khí siêu thanh, vào hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (viết tắt là START mới), sau khi hiệp ước được gia hạn (thời gian hết hạn vào ngày 5-2-2021).

Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi đã giới thiệu Avangard với người Mỹ rồi và đến thời điểm nhất định, chúng tôi cũng sẵn sàng làm thế với Sarmat".

Nga chủ động

Ba ngày trước đó, Tổng thống Vladimir Putin đã nhắc lại tuyên bố của ông hôm 5-12 rằng Nga đã sẵn sàng gia hạn hiệp ước START mới với Mỹ trước cuối năm nay. Ông than phiền Nga vẫn chưa nhận được câu trả lời nào từ Mỹ. Và ngày 26-12 (giờ địa phương), Bộ Quốc phòng Nga báo cáo với Tổng thống Putin trung đoàn tác chiến đầu tiên trang bị tổ hợp tên lửa siêu thanh Avangard đã bắt đầu đi vào trực chiến.

Tên lửa siêu thanh có trang bị hệ thống lượn Avangard đạt tốc độ Mach 20 là thế hệ vũ khí siêu thanh hiện đại mà Tổng thống Putin tự hào "trên thực tế bất khả chiến bại". Theo trang dedefensa (Bỉ), lời nhận định vũ khí Nga vượt trội so với bất kỳ nước nào của ông Putin mang ý nghĩa cộng hưởng chính trị rõ ràng.

Nhận định ấy không nhất thiết là một thách thức đối với Mỹ, nhưng chắc chắn đó là lời khẳng định rằng ưu thế chiến lược là công cụ bảo vệ chính sách an ninh quốc gia Nga trong bối cảnh Matxcơva và Washington đã rút khỏi hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và vấn đề gia hạn hiệp ước START mới vẫn còn để ngỏ.

Để cứu vãn hiệp ước START mới, cuối tháng 11-2019, Bộ Quốc phòng Nga đã từng "nửa kín nửa hở" trình diễn cho phái đoàn thanh sát Mỹ xem qua tên lửa siêu thanh Avangard. Vào lúc này, Bộ Quốc phòng Nga đã thông báo mục đích trình diễn vũ khí mới nhất nhằm duy trì khả năng tồn tại và hiệu quả của hiệp ước START mới. 

Nga cáo buộc Mỹ tìm cách phá vỡ các hiệp ước hiện có để Nga cạn kiệt kinh tế trong cuộc chạy đua vũ trang mới mà Nga không mong muốn. Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump vẫn còn chần chừ vì muốn lôi kéo Trung Quốc vào một hiệp ước mới ba bên Mỹ - Nga - Trung song Bắc Kinh vẫn từ chối.

Mỹ chậm chân

Trong cuộc chạy đua chế tạo vũ khí siêu thanh, rõ ràng Mỹ đã chậm chân hơn Nga. Hải quân Mỹ đã hai lần thử nghiệm đầu đạn siêu thanh trang bị hệ thống lượn lắp cho tên lửa đạn đạo liên lục địa vào năm 2011, năm 2017 và sẽ tiếp tục thử nghiệm đến năm 2024. Theo kế hoạch, không quân Mỹ sẽ thử nghiệm hai tên lửa hành trình siêu thanh phóng đi từ máy bay ném bom B-52 vào năm 2022, trong khi đến năm 2023 lục quân Mỹ mới thử nghiệm tên lửa siêu thanh lần đầu tiên.

Cách đây một năm, vào trung tuần tháng 12-2018, đô đốc John Richardson - tư lệnh hải quân Mỹ - đã công bố "kế hoạch duy trì ưu thế hàng hải. Phiên bản 2.0". Kế hoạch xác định một trong những ưu tiên hàng đầu của Lầu Năm Góc trong những năm tới là phát triển và triển khai vũ khí siêu thanh tấn công vào năm 2025. Đến tháng 7-2019, Quốc hội Mỹ mới công bố báo cáo về vũ khí tên lửa siêu thanh của Nga và Trung Quốc. Trong khi đó, Nga đã triển khai tên lửa siêu thanh Avangard vào cuối năm 2019.

Theo Tổng thống Putin, tên lửa siêu thanh đạn đạo liên lục địa Sarmat sẽ được triển khai cho quân đội Nga trong năm 2020. Đến năm 2023, Nga sẽ là quốc gia đầu tiên trang bị cho hải quân tên lửa hành trình siêu thanh tầm ngắn Zircon.

Chuyên gia Kelley Sayler - tác giả báo cáo - biện luận rằng Mỹ chậm chân trong quá trình nghiên cứu tên lửa siêu thanh không phải vì lý do kỹ thuật mà xuất phát từ yếu tố chính trị. Quốc hội Mỹ chỉ chấp thuận đầu tư cho các chương trình chín muồi có cơ hội thành công và khi có lo ngại về các đối thủ Mỹ đang sở hữu tên lửa siêu thanh.

Vì sao Mỹ không phát triển tên lửa siêu thanh hạt nhân như Nga và Trung Quốc? Theo Kelley Sayler, tên lửa hạt nhân không đòi hỏi độ chính xác cao nên dễ phát triển nhưng cũng dễ dẫn đến leo thang nhanh hơn. 

Nếu phát hiện một vụ phóng tên lửa siêu thanh nhưng không thể theo dõi quỹ đạo tên lửa, đối phương của Mỹ lo sợ bị tấn công hạt nhân có thể phản công trước. Đây là kịch bản mà Mỹ tin rằng đối phương không dám làm vì cho rằng đó là giải pháp tự sát.

Nga sản xuất đại trà Nga sản xuất đại trà 'hàng khủng' tên lửa siêu thanh Avangard

TTO - Dấu hiệu của cuộc chơi khoe cơ bắp vũ khí hạng nặng giữa các cường quốc bỗng bùng lên nhanh chóng sau khi Tổng thống Putin công khai khoe về những vũ khí "vô địch" của Nga.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên