Một máy bay Boeing 737 MAX 8 ở Washington, Mỹ - Ảnh: Reuters
Tuy vậy FAA bắt đầu bị đưa vào tầm ngắm điều tra của Bộ Giao thông Mỹ. Kết luận từ đây có thể sớm trở thành bê bối tồi tệ nhất lịch sử hàng không dân dụng Mỹ nếu cho thấy FAA đã sai lầm.
Trong suốt cả quá trình, tổng thống đã hành xử như thể ông ấy là một chuyên gia hàng không dù chẳng được đào tạo bài bản về hàng không ngày nào.
Báo Washington Post chỉ trích ông Trump
Tự sản xuất rồi tự đánh giá
Một bài viết trên tờ Seattle Times ngày 17-3, tờ báo có trụ sở tại thành phố gần với nhà máy lắp ráp máy bay lớn nhất thế giới của Boeing, đã mô tả chi tiết mối quan hệ giữa tập đoàn này và FAA, rằng cơ quan này đã ủy thác gần như toàn bộ việc đánh giá an toàn dòng máy bay 737 MAX cho Boeing. Những báo cáo, phân tích được Boeing giao lại cho FAA sau đó đầy những thiếu sót nghiêm trọng.
Bài điều tra chi tiết của Seattle Times được tiến hành dựa trên các cuộc phỏng vấn với các kỹ sư hiện tại của Boeing - những người từng trực tiếp hoặc gián tiếp đánh giá 737 MAX. Báo cáo của Boeing về sự an toàn của hệ thống tăng cường tính năng điều khiển MCAS kiểm soát máy bay chỉ tập trung vào điểm mạnh của nó và phớt lờ câu hỏi vì sao thiết bị này có thể tự thiết lập lại vị trí ban đầu mỗi khi phi công can thiệp.
Trong vụ tai nạn với chiếc 737 MAX 8 của Hãng Lion Air (Indonesia), phần mềm trên máy bay đã được kích hoạt khiến máy bay chúc đầu xuống nhằm tránh nguy cơ thất tốc. Tuy nhiên, khi phi công can thiệp (có tài liệu nói trên 20 lần) để máy bay ngóc đầu lên, hệ thống vẫn tiếp tục thiết lập lại vị trí ban đầu. Kết quả là máy bay đâm đầu xuống biển.
Các chuyên gia kỹ thuật của FAA thừa nhận khi quá trình cấp giấy chứng nhận an toàn cho 737 MAX đang được tiến hành, họ đã bị cấp trên yêu cầu đẩy nhanh tiến độ vì sự phát triển của 737 MAX đã bị chậm hơn 9 tháng so với đối thủ A320neo của Airbus.
Nguyên lý hoạt động của hệ thống MCAS trên máy bay Boeing 737 MAX. Bộ phận được cho là gây tai nạn máy bay - Đồ họa: BÌNH AN
Ba ngày "rối nùi" trong Nhà Trắng
Boeing có một lịch sử gắn bó mật thiết và lâu dài với các tổng thống Mỹ. Năm 2015, tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama đã tự gọi mình là "nhân viên bán hàng toàn cầu số hai" cho Boeing - một tập đoàn mà ông mô tả là biểu tượng của nước Mỹ.
Mối quan hệ vẫn như thế dưới thời Tổng thống Donald Trump, người đã tự thuyết phục mình bằng cách nói với các cố vấn rằng việc cấm bay 737 MAX ở Mỹ có thể gây ra tâm lý hoảng loạn và tổn thương thị trường chứng khoán.
Thảm họa của Ethiopian Airlines xảy ra ngày 10-3 là vụ thứ hai trong vòng chưa đầy 5 tháng liên quan đến dòng máy bay 737 MAX. Trong lúc các chính phủ trải dài từ Á sang Âu đã quyết định hành động, chính quyền Trump vẫn giậm chân tại chỗ trong những ngày sau đó.
"Tổng thống gọi điện cho giám đốc điều hành của Boeing Dennis Muilenburg và các bên liên quan hầu như mỗi ngày từ sau sự cố" - hai nguồn thạo tin tiết lộ với báo Washington Post. Quan điểm của Muilenburg, như tất cả đều đoán được, khẳng định 737 MAX vẫn an toàn và có thể tiếp tục bay.
Ông Trump đã có xu hướng công bố quyết định ngừng bay vào ngày 12-3 (giờ Mỹ) nhưng nhanh chóng cất nó đi khi nhận được một phản hồi từ FAA. Tổng thống tiếp tục nói chuyện với Muilenburg trước khi được cung cấp dữ liệu từ vệ tinh cho thấy hệ thống tự động hóa trên 737 MAX có thể là nguyên nhân chính khiến thảm họa ngày 10-3 xảy ra.
Ngay trong sáng hôm sau (13-3), ông Trump tiếp tục nhận được tin Canada đã cấm bay 737 MAX, biến Mỹ trở thành quốc gia duy nhất còn cho phép loại máy bay này hoạt động.
Tổng thống Trump đã bắt đầu dao động trong cuộc họp sau đó, các nguồn thạo tin nói với báo Washington Post. Cuối cùng đích thân ông Trump đưa ra tuyên bố "ngưng dùng 737 MAX" - một quyết định khiến các quan chức hàng không bất ngờ.
"Tổng thống không phải là người nên ra quyết định và không bao giờ nên làm như vậy" - nhà phân tích hàng không Richard Aboulafia cho rằng bất kỳ quyết định cấm bay 737 MAX nào nên do các cơ quan liên bang đưa ra.
Hai vụ tai nạn giống nhau
Ngày 17-3, Bộ trưởng giao thông Ethiopia Dagmawit Moges cho biết các dữ liệu hộp đen đã được trích xuất cho thấy "sự tương đồng rõ ràng" giữa vụ rơi máy bay của Hãng hàng không Ethiopian Airlines hồi tuần trước với vụ máy bay của Hãng Lion Air rơi tại Indonesia vào tháng 10-2018.
Phát biểu với giới truyền thông, Bộ trưởng Moges khẳng định: "Có những tương đồng rõ ràng đã được ghi nhận giữa chuyến bay 302 của Hãng Ethiopian Airlines và chuyến bay 610 của Hãng Lion Air, đây sẽ là vấn đề được nghiên cứu nhiều hơn nữa trong cuộc điều tra". Bộ trưởng Moges cũng cho biết báo cáo sơ bộ về vụ rơi máy bay của Ethiopia hồi tuần trước, khiến 157 người thiệt mạng, sẽ được công bố trong vòng 30 ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận