14/04/2013 08:48 GMT+7

Mỹ cậy Trung Quốc kiềm chế Triều Tiên

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Ngay trước khi rời Hàn Quốc sang Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có những lời đẹp đẽ hàm ý rằng chỉ Bắc Kinh mới có thể đủ áp lực và hành động để kiềm chế CHDCND Triều Tiên làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

"Trung Quốc là nước duy nhất có thể gây sức ép lên Triều Tiên"Kerry yêu cầu Trung Quốc mạnh tay hơn nữa với Triều Tiên

g12dyhgW.jpgPhóng to
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 13-4 - Ảnh: Reuters

“Thời điểm nguy hiểm”

Trong ngày làm việc dày đặc tại Bắc Kinh hôm qua, vị lãnh đạo ngoại giao Mỹ tiếp tục những lời lẽ tương tự. Theo Reuters, tại cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Đại lễ đường nhân dân, Ngoại trưởng Mỹ Kerry không giấu giếm: “Thưa ngài chủ tịch, đây rõ ràng là thời điểm nguy hiểm với những vấn đề vô cùng thách thức”.

Trong khi đó, ông Tập Cận Bình không nhắc gì đến bán đảo Triều Tiên trong bài phát biểu khai mạc cuộc gặp, mà chỉ nói rằng quan hệ Mỹ - Trung đang ở vào “giai đoạn lịch sử mới và có sự khởi đầu tốt đẹp”. Tuy nhiên, Reuters dẫn lời ông Kerry sau đó cho biết cuộc gặp với chủ tịch Trung Quốc rất “tích cực”.

Tại cuộc gặp với ông Dương Khiết Trì, ủy viên Quốc vụ viện về đối ngoại, ông Kerry và nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố cả hai nước đều nhất trí thúc đẩy phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. “Giải quyết đúng đắn vấn đề hạt nhân Triều Tiên là vì lợi ích tất cả các bên - ông Dương nói và khẳng định Bắc Kinh sẽ hợp tác để khôi phục đàm phán sáu bên về vấn đề này.

Ở cuộc gặp trước đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Mỹ dù không đề cập trực tiếp đến Bình Nhưỡng nhưng cho biết chuyến thăm của ông Kerry diễn ra trong “thời điểm nguy cấp” mà hai nước “có nhiều thách thức lớn trước mắt” cần giải quyết. Ông Kerry cũng gặp những lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc như Thủ tướng Lý Khắc Cường.

CNN dẫn lời hai quan chức Mỹ cho biết Washington muốn Bắc Kinh ngừng chuyển tiền cho các công ty bình phong và ngân hàng Bình Nhưỡng, và đưa ra thông điệp mạnh rằng Trung Quốc muốn một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân. “Ai trên thế giới cũng thấy rõ là không có quốc gia nào trên thế giới có quan hệ thân thiết và có ảnh hưởng lớn đến Bình Nhưỡng hơn là Trung Quốc” - ông Kerry tuyên bố trước chuyến đi. Bắc Kinh hiện cung cấp 90% nguồn nhập khẩu năng lượng, 80% hàng tiêu dùng và 40% lương thực của Bình Nhưỡng.

Đàm phán đổi viện trợ

Chuyến đi của ông Kerry cũng mang thông điệp rất rõ ràng: Mỹ không muốn có xung đột trên bán đảo Triều Tiên. Thậm chí để giảm căng thẳng, trong thời gian ở thăm Hàn Quốc, ông Kerry đã hủy chuyến thăm dự kiến trước đó đến làng đình chiến Bàn Môn Điếm ở biên giới liên Triều.

Trong ngày dừng chân tại Seoul, ông Kerry đã để mở khả năng thảo luận với Bình Nhưỡng với điều kiện nước này nghiêm túc việc đàm phán về chương trình hạt nhân. Tuyên bố chung Mỹ - Hàn, đăng trên trang web Bộ Ngoại giao Mỹ, nhấn mạnh Washington chú trọng các biện pháp ngoại giao để chấm dứt căng thẳng, nhưng khẳng định Bình Nhưỡng phải có các bước giải trừ hạt nhân. “Chúng tôi tiếp tục khuyến khích Bình Nhưỡng đưa ra lựa chọn đúng đắn. Nếu vậy, chúng tôi sẵn sàng thực hiện cam kết trong tuyên bố chung sáu bên năm 2005”, ý nói về thỏa thuận “đổi hạt nhân lấy viện trợ” cho Bình Nhưỡng.

Giải pháp đàm phán tìm hòa bình cũng được Nga sốt sắng ủng hộ. Ngày 12-4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bày tỏ ủng hộ ý tưởng của Thụy Sĩ tổ chức cuộc đàm phán sáu bên gồm Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản và hai miền Triều Tiên. Các cuộc đàm phán sáu bên đã ngưng trệ từ năm 2009 sau khi Triều Tiên rút khỏi vòng đối thoại này nhằm phản đối các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc liên quan đến chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng.

Ngoại trưởng Mỹ dự kiến phát biểu về cam kết của Mỹ tại châu Á ở Tokyo, điểm cuối cùng của chuyến công du sau khi rời Trung Quốc.

Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết: Đối với vấn đề Triều Tiên, “lập trường của phía Trung Quốc kiên quyết không thay đổi, nghĩa là bất luận tình hình như thế nào, (Trung Quốc) đều kiên quyết phi hạt nhân hóa trên bán đảo, kiên quyết bảo vệ hòa bình trên bán đảo, kiên quyết giải quyết vấn đề thông qua đối thoại. Trung Quốc hối thúc các bên không thực hiện bất kỳ hành động nào khiến tình hình căng thẳng tiếp tục gia tăng, kêu gọi khởi động lại tiến trình đàm phán sáu bên; các bên tiến hành đối thoại, cải thiện quan hệ, thiết lập niềm tin lẫn nhau, cùng nhau thúc đẩy bán đảo phi hạt nhân hóa, thực hiện bình ổn lâu dài tại khu vực Đông Bắc Á. Phía Trung Quốc sẽ tiếp tục không ngừng nỗ lực cho tiến trình này”.

ĐÔNG PHƯƠNG(Trích từ trang web Bộ Ngoại giao Trung Quốc)

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên