25/04/2020 10:22 GMT+7

Mỹ: cảnh báo mở cửa vội vã có thể trả giá đắt

BẢO ANH
BẢO ANH

TTO - Phó tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 24-4 (giờ Việt Nam) cho biết có 16 bang của Mỹ đã tiết lộ các kế hoạch mở cửa trở lại chính thức, dỡ bỏ các biện pháp hạn chế hiện tại.

Mỹ: cảnh báo mở cửa vội vã có thể trả giá đắt - Ảnh 1.

Quang cảnh một tiệm xăm ở Atlanta, bang Georgia ngày 23-4 khi bang này chuẩn bị nới lỏng các hạn chế, mở lại nền kinh tế giữa dịch COVID-19 - Ảnh: AFP

Nhưng giờ đây, việc mở cửa trở lại là một vấn đề thậm chí khó khăn hơn và không có một lời khuyên đơn giản nào cho giai đoạn sắp tới, đặc biệt giữa tình trạng liên tục thiếu các xét nghiệm, khó khăn trong truy dấu vết ca nhiễm và thiếu hướng dẫn chi tiết từ các cơ quan y tế liên bang.

Tôi yêu quý những người sử dụng tất cả những dịch vụ này, gồm các spa, thẩm mỹ viện, tiệm cắt tóc, tiệm xăm. Nhưng họ có thể cần đợi thêm một chút thời gian nữa. Chỉ là một chút thôi, chứ không nhiều, vì an toàn là điều quan trọng nhất.

Tổng thống Donald Trump

Nơi hồ hởi, nơi lo lắng

Theo báo New York Times, những ngày qua, nước Mỹ đã ghi nhận những tín hiệu đầy hi vọng ở một số khu vực gồm bang New York, nơi thống đốc Andrew Cuomo dự đoán điều tồi tệ nhất đã qua đi hay thành phố San Francisco của bang California, nơi tỉ lệ số ca nhiễm mới đã ở mức ổn định và ở thành phố Seattle của bang Washington, nơi cảnh ảm đạm đã cải thiện tới mức một bệnh viện dã chiến đã được tháo dỡ và chuyển tới nơi khác.

Tại bang South Carolina, các cửa hàng bách hóa và các khu chợ sẽ được phép mở lại vào đầu tuần sau. 

Tại Florida, một số bãi biển đã đón khách trở lại. Tại Georgia, thống đốc bang này cho biết người dân sẽ có thể rời khỏi nhà vào ngày 24-4 để đi cắt tóc, tập thể dục hoặc thậm chí xăm hình.

Tuy nhiên, những bước đi hướng tới mở cửa trở lại tại một số bang miền nam - diễn ra theo sau các cuộc biểu tình phản đối những biện pháp buộc người dân ở lại trong nhà - đã đi ngược lại lời khuyên của nhiều chuyên gia y tế và diễn ra trong bối cảnh những đợt bùng phát mới xuất hiện ở một số khu vực khác của nước Mỹ.

Trong vài ngày qua, người ta đã phát hiện những ổ dịch bên trong môi trường làm việc ở Iowa, Kansas, Minnesota, South Dakota, Tennessee và ở thành phố Grand Forks, bang North Dakota, nơi ghi nhận hơn 100 ca nhiễm có liên quan tới một nhà máy sản xuất tuôcbin gió.

Trên khắp vùng trung tây và đại bình nguyên của Mỹ, tình hình sản xuất tại các nhà máy chế biến thịt đã chậm đi hoặc tạm ngưng do các đợt bùng phát lớn, bao gồm khoảng 900 ca nhiễm liên quan tới một nhà máy ở bang South Dakota. 

Ở thành phố Greeley thuộc bang Colorado, hơn 100 người tại một nhà máy chế biến thịt cũng nhiễm bệnh.

Tình hình đặc biệt kinh khủng tại một số khu vực có quy mô vừa và nhỏ ở vùng trung tây, nơi số ca nhiễm trước đây chỉ ở mức thấp. 

Tại quận Hall, bang Nebraska, hơn 640 ca nhiễm được ghi nhận giữa tuần này, chiếm gần 1/3 trong tổng số ca nhiễm của Nebraska. Hơn 200 ca nhiễm của quận Hall có liên quan tới nhà máy chế biến thịt.

"Chúng ta sẽ bước vào hai tuần khá tăm tối. Số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng và không may chúng ta sẽ ghi nhận thêm các ca tử vong" - Teresa Anderson, giám đốc một cơ quan y tế công địa phương quản lý quận Hall, tuần này tuyên bố.

Có thể phạm "sai lầm chết chóc"

Kênh CNBC ngày 24-4 dẫn lời giới phân tích cho biết với việc Mỹ và một số nước châu Âu vẫn còn ghi nhận hàng ngàn ca nhiễm mới mỗi ngày, người ta vẫn còn đặt ra nghi vấn liệu các quốc gia này có thể nới lỏng các biện pháp hạn chế an toàn hay không. 

Mỹ hiện ghi nhận hơn 886.000 ca nhiễm và 50.000 ca tử vong do COVID-19, cao nhất thế giới, tính đến chiều 24-4, giờ Việt Nam.

Báo Washington Post dẫn thông tin từ các mô hình dự đoán COVID-19 và đánh giá của chuyên gia cảnh báo những bang vội vã mở cửa trở lại ở Mỹ có thể sẽ phạm phải "sai lầm chết chóc".

Cedric Chehab, trưởng bộ phận chiến lược toàn cầu và rủi ro quốc gia tại Công ty nghiên cứu Fitch Solutions, lấy ví dụ trường hợp Trung Quốc, khi quốc gia tỉ dân này nới lỏng các hạn chế nhưng lại đối mặt với nguy cơ xảy ra một làn sóng dịch thứ hai.

"Trung Quốc đang mở lại nền kinh tế theo giai đoạn, nhưng chúng ta đã thấy được nguy cơ xảy ra làn sóng dịch thứ hai đang chớm nở từ thành phố Cáp Nhĩ Tân" - ông Cedric Chehab nhận định, sau khi thành phố Cáp Nhĩ Tân (khoảng 10 triệu dân) thuộc tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc bị phong tỏa trong tuần này.

Ông Cedric Chehab nói: "Với các nước như Mỹ, Tây Ban Nha và Ý, mặc dù số ca nhiễm mới đã đạt đỉnh, chúng vẫn còn khá cao so với những gì chúng ta thấy được ở Hàn Quốc và Trung Quốc. 

Do đó, câu hỏi đặt ra là liệu các nước này thật sự có thể bắt đầu nới lỏng hạn chế và mở lại nền kinh tế hay không khi mà số ca nhiễm mới vẫn còn cao như vậy?".

Thống đốc muốn mở, dân chưa dám

Thống đốc Brian Kemp của bang Georgia là một trong những lãnh đạo bang cuối cùng phát lệnh buộc người dân ở lại trong nhà từ hôm 3-4, nhưng cũng là một trong những thống đốc đầu tiên ở Mỹ công bố nới lỏng các hạn chế từ tuần này cho dù Tổng thống Trump không ủng hộ mở cửa tại đây.

Đài CNN ngày 24-4 cho biết tại Georgia, chủ một số cửa hàng hiện cho thấy chưa muốn hoạt động lại. "Mọi người cứ liên tục gọi điện tôi: "Cửa hàng sẽ mở cửa chứ? Chúng tôi đặt lịch hẹn ngày 24-4 được không?".

Nhưng tôi đã trả lời "Không!". Vẫn còn nhiều người đang bỏ mạng. Dù tôi yêu công việc này nhưng đây không phải là lúc" - Sabrina Watkins, một người làm tóc ở College Park (Georgia), kể.

Dịch COVID-19 sáng 25-4: Việt Nam 0 ca mới, số người chết ở Mỹ vượt 50.000 Dịch COVID-19 sáng 25-4: Việt Nam 0 ca mới, số người chết ở Mỹ vượt 50.000

TTO - Việt Nam không ghi nhận ca bệnh mới, tổng số ca nhiễm hiện tại là 270. Tại Mỹ, số người chết vì COVID-19 của Mỹ vượt mốc 50.000 ca.

BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên