10/03/2020 11:36 GMT+7

Mỹ bác bỏ tin giả hít cocaine, chất tẩy trắng, tỏi, thủ dâm 'chữa được corona'

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram hay TikTok những ngày qua nổi lên hàng loạt “lang băm” giới thiệu cách chữa COVID-19 bằng chất tẩy trắng, tỏi, thủ dâm và thậm chí là cocaine.

Mỹ bác bỏ tin giả hít cocaine, chất tẩy trắng, tỏi, thủ dâm chữa được corona - Ảnh 1.

Bức ảnh đã được chỉnh sửa để lan truyền tin giả nói cocaine có khả năng tiêu diệt virus corona chủng mới trên tài khoản Twitter của Bizzle Osikoya ở Nigeria có hơn 190.000 người theo dõi - Ảnh chụp lại màn hình.

Đài CBS (Mỹ) vừa đăng bản tin dẫn cảnh báo của các cơ quan y tế Mỹ bác bỏ tất cả những thông tin sai lệch này, giúp dư luận không bị dẫn dụ vào những tình huống tiền mất tật mang.

"Thuốc trị bách bệnh chlorine dioxide"

Một trong những tài khoản có hơn 121.000 người theo dõi trên YouTube là Jordan Sather đã chia sẻ "giải pháp nước khoáng kỳ diệu", liên quan tới việc uống chất tẩy làm trắng để "chữa khỏi" bệnh COVID-19.

Anh này viết trên Twitter: "Chất chlorine dioxide (còn gọi là ‘MMS’) không chỉ là chất có thể tiêu diệt tế bào ung thư, mà cũng có thể diệt sạch virus corona" và "Ông lớn dược phẩm muốn bạn không biết chuyện này".

Trong khi đó Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) của Mỹ đã khuyến cáo rất rõ: việc uống các loại hóa chất có chứa chlorine dioxide có thể dẫn tới "nôn mửa và tiêu chảy nặng, hạ huyết áp tới mức đe dọa tính mạng vì mất nước và gây tổn thương gan cấp".

Dù vậy có một thực tế rất lạ là mỗi khi có một dịch bệnh mới hay một bệnh tật đáng lo ngại nào đó nổi lên, các loại sản phẩm có chứa hóa chất chlorine dioxide lại được rất nhiều nhà bán lẻ rao bán sôi nổi trên mạng xã hội.

Đáng lo ngại hơn khi uống chất tẩy trắng không phải liệu pháp "chữa trị" nguy hiểm duy nhất đang lan truyền trên mạng xã hội trong bối cảnh người dân khắp nơi cuống cuồng tìm cách phòng/điều trị bệnh COVID-19.

Một trong những tin đồn rộ lên gần đây và được lan truyền với tốc độ tên lửa trên mạng xã hội là việc cocaine có khả năng chống lại bệnh COVID-19.

Trên mạng xã hội Twitter, một số nội dung đăng tải nổi bật nhất đang góp phần vào việc lan truyền những thông tin sai lệch nguy hiểm. Ngay cả một số tài khoản Twitter đã được kiểm chứng xác thực (verified), cũng đã tham gia việc lan truyền tin tức giả này.

Một trong những trường hợp đó là một nhà phát triển nội dung giải trí và âm nhạc nổi tiếng của Nigeria, có hơn 190.000 người theo dõi trên Twitter.

Người này đã đăng lên mạng xã hội Twitter bức ảnh có chỉnh sửa để nó giống như bức ảnh chụp lại màn hình bản tin nóng trên truyền hình xác nhận thông tin cocaine có thể tiêu diệt virus corona.

Bức hình này đã nhận được gần 6.000 lượt like và gần 3.000 lượt tweet lại. Nó cũng đã tồn tại trên nền tảng mạng xã hội Twitter trong hơn một tháng mà không có bất cứ thông tin cảnh báo nào về tính sai lệch của thông tin này.

7% tin về corona trên Twitter là giả

Mặc dù ngày 8-3 vừa qua, lần đầu tiên Twitter triển khai việc gắn nhãn "truyền thông bị thao túng" (manipulated media) với những nội dung không đáng tin cậy trên nền tảng này.

Tuy nhiên giống như nhà sản xuất cao cấp của trang tin công nghệ CNET, Dan Patterson, đã chỉ ra việc gắn nhãn này cũng lại gây ra những vấn đề nhất định. Chẳng hạn việc gắn nhãn đó khiến nhiều cư dân mạng có cảm giác những nội dung không bị gắn nhãn này là thông tin chính xác.

Từ đó không ít người đã nghĩ những thông tin kiểu như cái đã đăng trên tài khoản Twitter của Bizzle Osikoya nêu trên là đúng.

Trên thực tế, theo báo Washington Post, một cuộc điều tra do Bộ Ngoại giao Mỹ tiến hành cho thấy đã có khoảng 2 triệu tweet đăng tải trên mạng xã hội Twitter trong 3 tuần, từ 20-1 đến 10-2 tung tin thất thiệt, lan truyền các thuyết âm mưu, sai lệch về dịch bệnh COVID-19.

Điều này có nghĩa tới 7% trong tổng số các tweet có nội dung về corona trên Twitter là tin giả.

Tình hình này trở nên tệ hơn nữa khi rất nhiều nội dung đăng trên Twitter còn dẫn link kết nối tới các video tin giả trên YouTube.

Thực tế cho thấy các thông tin thất thiệt về dịch bệnh COVID-19 đang tràn ngập trên mọi nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay như Twitter, Facebook, YouTube,….

Ngày 8-3, Bộ Y tế Pháp đã phải đăng thông cáo bác bỏ mạnh mẽ việc cocaine có thể chữa khỏi bệnh COVID-19 trên tài khoản Twitter của cơ quan này.

"Không, cocaine không thể bảo vệ bạn trước COVID-19. Cocaine là một loại ma túy gây nghiện. Dùng nó có thể gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe con người và dẫn tới những hậu quả không mong muốn".

Mỹ bác bỏ tin giả hít cocaine, chất tẩy trắng, tỏi, thủ dâm chữa được corona - Ảnh 2.

Poster tuyên truyền chống tin giả - Ảnh: SAUDI GAZETTE

Trong một động thái có lẽ là chưa từng có tiền lệ, Tổ chức Y tế thế giới đã phải lập riêng một tài khoản TikTok để phản bác lại tất cả những thông tin sai lệch, tin giả về dịch bệnh COVID-19.

Tài khoản này cũng nhằm cung cấp cho thanh thiếu niên những thông tin xác thực về những chủ đề liên quan dịch bệnh COVID-19 đang được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội.

Ông Putin nói tin giả về virus corona được nước ngoài đưa vào để gây hoảng loạn Ông Putin nói tin giả về virus corona được nước ngoài đưa vào để gây hoảng loạn

TTO - Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 4-3 khẳng định tin tức giả mạo liên quan tới virus corona chủng mới được đưa vào Nga để lan truyền sự hoảng loạn.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên