08/02/2020 10:15 GMT+7

Tin giả: Lây trên mạng từ tỏi Lý Sơn, máy bay rơi đến hỗn loạn corona

HÂN MINH (TP.HCM)
HÂN MINH (TP.HCM)

TTO - Những ngày nóng với thông tin dịch bệnh corona, xã hội cũng nóng với các kiểu thông tin giả đang lan nhanh từ mạng ra ngoài đời. Corona chưa tới đã thấy tin giả tràn lan thành dịch trên mạng...

Tin giả: Lây trên mạng từ tỏi Lý Sơn, máy bay rơi đến hỗn loạn corona - Ảnh 1.

Mấy ngày qua, dư luận và cả những người trồng tỏi trên đảo đều phản ứng trước thông tin thiếu cơ sở về việc tỏi đặc sản Lý Sơn (Quảng Ngãi) bị nhiễm thuốc trừ sâu - Ảnh: TRẦN MAI

Từ sau tết, ai ai cũng quan tâm đến những thông tin liên quan đến dịch cúm corona. Virus chưa lây nhiễm ngoài đời, bao người đã hoang mang tột độ vì tin giả tấn công trên mạng.

Lắm kiểu "tin vịt"

Như bao người, tôi thường xuyên mở tivi, đọc báo và cả lướt Facebook để theo dõi các thông tin diễn biến hằng ngày. Mớ hỗn loạn thông tin về dịch cúm tràn lan trên Facebook khiến chúng tôi như lạc vào mê cung. Không phải ai cũng tự tin phân định được đâu thật đâu giả.

Cách đây vài ngày, tôi giật mình khi thấy thông tin về một gia đình ở Hà Nội có 4 người đã bị nhiễm corona.

Nội dung được cho là từ bản tin của một tổ dân phố thuộc phường N., quận Long Biên, Hà Nội được viết như thật: "Tổ 13 phường N. có gia đình 4 người bị nhiễm virus corona. Vậy đề nghị mọi người đi ra ngoài cần đeo khẩu trang để bảo vệ mình, tránh lây nhiễm".

Rất nhiều người chia sẻ nhau thông tin này trên các trang cá nhân và trong các hội, nhóm trên mạng. Dưới đó là hàng loạt bình luận đầy lo âu kiểu như corona đã đến mọi nhà. Sau đó công an đã nhanh chóng điều tra và khẳng định thông tin này là không đúng sự thật.

Trước đó, trên mạng lan tràn hàng loạt tin đồn kiểu như: Nha Trang đã có rất nhiều người bị nhiễm virus từ du khách, hay tin Nhà nước phun thuốc ngừa dịch cúm corona trên bầu trời toàn quốc, không nên ra đường... và yêu cầu mọi người chia sẻ thông tin sai sự thật này.

Ác hơn là tin đồn "corona về đến Viện Nhi Nghệ An rồi, đi mô thấy ai ho tránh xa, không tiếp xúc gần"... Rồi đến các kiểu tin đồn xuyên lục địa như: thức ăn ở Sydney nhiễm bệnh và kiểu thông tin tỏ ra nguy hiểm gây hoài nghi thông tin chính thức từ cơ quan chức năng, Bộ Y tế về con số bệnh nhân tại Việt Nam.

Rất nhiều tin đồn giật gân, ác ý khác cũng từng lan truyền trên mạng. Chẳng hạn như cuối tháng 11-2019, một phụ nữ ở tỉnh Bình Dương đăng tải lên trang cá nhân thông tin như đúng rồi về việc một chiếc máy bay bị nổ và rớt tại Mỹ Phước kèm theo đó là hình ảnh một chiếc máy bay rơi, bốc cháy.

Người này sau đó đã bị xử phạt hành chính 12 triệu đồng. Hay nhiều thông tin về chuyện gạo giả ở nhiều tỉnh thành cuối năm 2019 khiến người dân hoang mang, chính quyền vào cuộc xác minh, giám định vụ việc với kết luận cuối cùng đó là gạo thật và những tin kia là "tin vịt".

Mạnh tay hơn nữa

Khi một số nghệ sĩ nổi tiếng cũng chia sẻ những thông tin sai sự thật về dịch bệnh, độ lan truyền càng khủng khiếp. Khổ nỗi, nhiều người không bao giờ đọc và nghe thông tin chính thức từ báo đài lại tin "sái cổ" các thông tin trên Facebook, nhất là từ những người nổi tiếng.

Hậu quả của nó là khiến chính họ, gia đình họ và cả những người xung quanh, cả xã hội thêm lo lắng, hoang mang.

Điều 101 nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin (CNTT) và giao dịch điện tử quy định mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống; cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín dị đoan; các thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội...

Nghị định này là một tin vui với người dân như tôi. Mong Nhà nước mạnh tay hơn nữa với tin giả và các kiểu đưa tin không kiểm chứng, thiếu trách nhiệm và thiếu cơ sở đảm bảo sự thật.

Như câu chuyện về tỏi Lý Sơn ồn ào mấy ngày qua là một ví dụ. Một bài viết đáng tin cậy và người viết có trách nhiệm phải kèm theo bài những chứng cứ, con số, hình ảnh liên quan đến điều người viết đề cập. Nếu chỉ "phán" một câu hoặc viết một bài có thể gây hại cho người khác, thậm chí gây hại cho một thương hiệu, làm khó cho nhiều người, người viết phải chịu trách nhiệm và bồi thường.

Điều này đã được pháp luật quy định. Đã đến lúc dẹp kiểu "chém gió" vô trách nhiệm, quăng một thông tin chưa biết đúng sai cho bao người vào chửi om lên rồi người viết "bỏ chạy", khi biết mình sai thì một lời xin lỗi người đọc và đính chính cũng lờ đi!

Và người dân như tôi mong cơ quan chức năng làm mạnh làm nghiêm hơn nữa để dẹp bớt những thông tin gây rối ren cộng đồng.

Thông tin từ Bộ Thông tin và truyền thông cho biết bộ này đang phối hợp với Bộ Công an phát hiện và xử lý các trường hợp đưa tin giả về dịch viêm phổi cấp corona.

Cơ quan chức năng đã xử lý nhiều trường hợp tung tin thất thiệt về dịch bệnh này (Hà Nội 1 trường hợp, TP.HCM 17 trường hợp, Đà Nẵng 2 trường hợp, nhiều trường hợp ở Cần Thơ, Thái Nguyên...).

Đại diện mạng xã hội Facebook cũng cho biết họ đang xem xét nội dung và gỡ các tuyên bố sai lệch về dịch bệnh corona. Họ đã bắt đầu xóa bỏ những nội dung gây hại, các tuyên bố sai lệch.

"Chúng tôi sẽ giới hạn mức độ lan truyền những thông tin được đánh giá là sai lệch trên Facebook và Instagram, tăng hiển thị các thông tin chính xác. Chúng tôi cũng gửi thông báo cho những người đã chia sẻ hoặc đang cố gắng chia sẻ những nội dung này để cảnh báo họ về việc kiểm tra thực tế thông tin", đại diện Facebook cho biết.

ĐỨC THIỆN

Facebook Lương Hoàng Anh bị lên án vì tung tin Facebook Lương Hoàng Anh bị lên án vì tung tin 'tỏi Lý Sơn nhiễm thuốc trừ sâu'

TTO - Ông Nguyễn Quốc Việt - chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi - khẳng định thông tin do Facebook mang tên Lương Hoàng Anh tung ra là 'hoàn toàn vô căn cứ'.

HÂN MINH (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên