25/09/2011 08:30 GMT+7

Muôn nẻo mưu sinh xứ Hàn

THẾ ANH
THẾ ANH

TT - Ở Hàn Quốc, người ta thường nói đùa rằng thành phố Ansan là nơi mà người Hàn trở thành... người nước ngoài. Bởi đây là một thành phố có nhiều khu công nghiệp lớn, thu hút hàng chục ngàn lao động với nhiều quốc tịch khác nhau, trong đó người Việt được xếp hàng thứ hai về số lượng.

Vào thập niên 1990 người Việt mới đến xứ sở kim chi qua đường hợp tác lao động. Chỉ sau hai thập niên, ở Hàn Quốc đã có hơn 120.000 người Việt gồm cả cô dâu và lao động. Trong đó, diện lao động hợp pháp khoảng 55.000 người... Theo chân những nẻo đường mưu sinh của người Việt tại Hàn, phóng viên Tuổi Trẻ ghi lại những câu chuyện của cả nụ cười và nước mắt...

YV9c5BTB.jpgPhóng to
Mỗi đêm Thanh phải đứng bốn giờ giữa trời gió tuyết để làm thêm - Ảnh: Thi Ngôn

Vào một ngày cuối tuần tuyết rơi dày, trong dòng người hối hả mua sắm tại khu chợ dành cho người nước ngoài ở trung tâm, chúng tôi đặc biệt chú ý đến một thanh niên nhỏ con trùm khăn kín mít với lời rao lập cập vì gió tuyết: “Ai mua quýt không? Quýt ngon giảm giá đây...”. Mấy rổ quýt bày ra bên vỉa hè đã bị tuyết phủ trắng. Lâu lâu tiếng rao bị ngắt quãng bởi tiếng hít hà để sưởi ấm đôi bàn tay của người bán dạo...

Tiếng rao ở chợ đêm

Người bán dạo ấy chính là một lao động VN làm thêm sau giờ làm chính. Anh tên Nguyễn Văn Thanh, sinh năm 1988, quê ở Giồng Trôm, Bến Tre. Thanh vừa qua Hàn Quốc được bốn tháng, chưa kịp làm quen với cuộc sống mới thì đã phải đối diện với cái rét thấu xương của mùa đông xứ Hàn. Thanh tâm sự: “Khi đi thì tôi chọn ngành công nghiệp, nhưng qua đây được chuyển qua làm nông nghiệp. Do làm nông nghiệp lương thấp nên tôi phải tranh thủ đi làm thêm vào mỗi đêm. Ăn uống sinh hoạt thì chủ chỉ lo cho mình gạo thôi, còn thức ăn phải tự mua. Lương nông nghiệp của tụi tôi chỉ được hơn 700 USD mỗi tháng, chỉ đủ gửi về quê trả nợ. Bởi trước khi đi gia đình tôi phải vay hơn 70 triệu đồng”.

Lớn lên ở miệt sông nước, quanh năm chân lấm tay bùn, tưởng rằng chuyến xuất ngoại sẽ giúp Thanh thoát khỏi cảnh làm nông cơ cực... Ai ngờ một lần nữa cái nghiệp ruộng vườn một nắng hai sương vẫn bám lấy đời anh như một định mệnh. Dẫu nghề nông không phải là nguyện ước trong chuyến xuất ngoại, nhưng khi đã bỏ ra một khoản tiền lớn để được đi, Thanh phải tập quen với những điều không mong đợi vì sau lưng anh là cả một đống nợ nần, là cả niềm hi vọng từ chốn quê nhà... Banwon, nơi trại rau Thanh làm việc, chỉ cách thành phố Ansan sầm uất vài ga tàu điện nhưng đó là hai thế giới khác biệt. Banwon giống với Bến Tre quê anh về sự bình yên, tĩnh lặng của một làng quê. Chỉ có điều quê anh mướt bóng dừa, còn ở đây cánh đồng phủ đầy tuyết khi mùa đông kéo về...

Mặc cho cái rét vào đông ở xứ Hàn xuống đến âm 15 độ, mặc cho bàn tay bị bỏng tuyết lên cơn đau nhức, Thanh vẫn gắng gượng đi làm thêm vào mỗi đêm. Thanh kể: “Ở nông trại trồng xà lách, mỗi ngày tụi tôi phải làm 10 tiếng nhưng không được tính thêm tiền làm ngoài giờ. Dù mùa đông hay mùa hè mỗi ngày đều bắt đầu công việc từ 7g-18g. Sau đó tôi đi làm thêm bằng nghề bán hàng ngoài trời cho một ông chủ người Việt. Mỗi đêm đứng giữa gió tuyết hơn bốn giờ tôi được trả khoảng 10 USD, tức khoảng 200.000 đồng. Nếu sống chắt bóp thì tiền làm thêm này cũng đủ chi phí ăn uống qua ngày. Tôi chỉ mong trả xong nợ rồi dành dụm gửi về quê cất cho cha mẹ căn nhà để báo hiếu...”.

Tính ra mỗi ngày chàng thanh niên này phải trân mình giữa gió tuyết gần 14 giờ. Cường độ lao động cao, sự khắc nghiệt của thời tiết là điều mà nhiều lao động VN không thể hình dung được trước khi lên đường xa xứ mưu sinh. Không ít người vì nản chí đã phải bỏ về nước khi chưa hết hợp đồng.

Phần lớn lao động Việt ở Hàn Quốc chỉ biết mỗi con đường từ nhà đến chỗ làm trong suốt thời gian lao động. Với Thanh cũng vậy, anh thông thuộc từng bến ga trên chặng đường mưu sinh. Còn các khu vui chơi, nhà hàng, cửa hiệu... là những khái niệm xa xỉ, là thứ không thuộc về thế giới của những người lao động như Thanh!

Quê nhà trong đêm

Phải gần 11 giờ khuya, khi khu chợ đêm vắng hẳn người thì Thanh mới được nghỉ ngơi. Trên chuyến tàu điện ngầm cuối ngày chỉ một mình Thanh lạc lõng, cô đơn sau một ngày mưu sinh. Không một người sẻ chia, không một người trò chuyện, nỗi mệt nhọc sau một ngày làm việc như càng đè nặng thêm trên đôi vai người xa xứ... Anh tâm sự: “Nhiều lần tôi đã thầm cảm ơn sự bận bịu, bởi nhờ nó mà tôi không còn thời gian để nghĩ ngợi, không còn thời gian để buồn, không còn thời gian để nhớ! Tôi chỉ có mỗi một con đường, đó là tận dụng hết thời gian trong hợp đồng lao động để kiếm tiền lo cho gia đình, lo cho tương lai...”. Nói rồi Thanh tranh thủ chợp mắt nghỉ ngơi trong lúc chờ tàu về bến...

Chuyến tàu đêm băng nhanh qua những khu phố sầm uất. Ánh đèn màu của phố xá chiếu qua cửa kính làm hằn rõ nét mặt phờ phạc của Thanh. Những khu phố phồn hoa ngoài kia Thanh vẫn nhìn thấy hằng đêm trên chặng đường mưu sinh, nhưng anh chưa một lần đặt chân đến đó. Phải mất 20 phút đi tàu điện ngầm, trải qua một chặng đường dài đi bộ, thêm khoảng 15 phút đạp xe nữa Thanh mới về tới nhà. Tài sản quý giá nhất của Thanh ở xứ người là chiếc xe đạp cũ kỹ được vứt bên vệ đường để làm phương tiện đi về trong những đêm làm thêm. Nơi Thanh ở gọi là nhà nhưng thực chất chỉ là những container chật chội dựng lên giữa đồng. Càng về khuya trời càng giá buốt, nhiệt độ ngoài trời âm đến 20 độ, nhà không lò sưởi, cả căn phòng như cái tủ đông khổng lồ...

Một ngày quần quật ở đồng, thêm bốn giờ phơi mình giữa tuyết làm thêm, lúc Thanh về đến nhà cũng đã gần 12 giờ đêm. Rét! Đói...! Thanh lao ngay vào bếp kiếm cái ăn. Nhưng tủ lạnh trống rỗng, thức ăn cũ đông đá, nước ở vòi đóng băng. Thanh đành phải chấp nhận lấy chút nước cặn còn sót lại trong nhà để nấu mì gói. Không đợi đến khi bát mì chín, Thanh lùa vội...

Vừa thỏa cơn đói thì nỗi đau nhức từ đôi bàn tay bỏng tuyết lại lên cơn hành hạ. Vừa bôi thuốc lên vết thương sưng tấy ở tay, Thanh vừa nói: “Nghề nông tụi tôi mùa đông phải thường xuyên tiếp xúc với tuyết nên dễ bị bỏng lắm. Nhiều đêm đau nhức không ngủ được...”.

Lúc ấy họ sẽ nhớ nhà. Nhưng họ biết biến nỗi nhớ nhung, những ký ức nghèo khổ nơi quê nhà thành sức mạnh, thành hơi ấm để vượt qua những đêm đông xa nhà... Anh tâm sự: “Qua đây vất vả, cô đơn thật, nhưng không vì thế mà cứ mãi quanh quẩn chốn quê nhà. Phải đưa sức trẻ ra để làm, để học hỏi, để thử sức với người ta”.

Đối với Thanh, hai tiếng quê hương thật đơn giản. Đó là mẹ, đó là cha, là xứ sông nước với những vườn dừa mà nơi này không có. Nó chính là điểm tựa cho Thanh và những lao động Việt trên đất Hàn vượt qua gian khó, đi qua những mùa gió tuyết nơi xứ người...

_______________________

Với đa số lao động Việt, đặt chân đến Hàn Quốc mưu sinh là một cơ may để đổi đời. Nhưng trong hành trình bươn chải nơi xứ người, không phải ai cũng toại nguyện giấc mơ thoát nghèo.

Kỳ tới: Nỗi đau đời thợ

THẾ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên