29/09/2011 07:40 GMT+7

Muôn nẻo mưu sinh xứ Hàn - Kỳ 5: Những mảnh đời lưu lạc

 THẾ ANH - THI NGÔN
 THẾ ANH - THI NGÔN

TT - Theo con số chính thức thì hiện Việt Nam có hơn 8.000 lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc, tuy nhiên con số thực tế ước tính cao hơn nhiều. Phần lớn các lao động bất hợp pháp là những người đã hết hạn lao động rồi trốn lại, một số ít vẫn còn hợp đồng nhưng tự ý trốn khỏi công ty vì nhiều lý do. Người thì do lương thấp, người do công việc không phù hợp, người thì bị chủ ngược đãi...

6f9CLxPw.jpgPhóng to
Anh Kiên đứng lớp dạy tiếng Hàn miễn phí cho lao động Việt Nam - Ảnh: Hữu Hạnh

Kỳ 1: Nơi miền gió tuyếtKỳ 2:Nỗi đau đời thợKỳ 3: Rủi ro nghề biểnKỳ 4:Nghề nông ở đất Hàn

Long đong phận bất hợp pháp

Chúng tôi từng chứng kiến cảnh lao động Việt chạy tán loạn để trốn tránh sự truy đuổi của cảnh sát ở chợ Pocheon khi có một ai đó la lên: “Cảnh sát, trốn!”. Nhóm lao động Việt quáng quàng chạy, tủa ra các con đường nhỏ đi bộ về nhà trọ thay vì đi xe buýt như thường ngày. Có thể nói, không đợt truy bắt nào mà cảnh sát không bắt được lao động bất hợp pháp người Việt, khi thì ở những khu chợ tập trung đông dân cư hoặc ngay tại những nhà xưởng các vùng quê hẻo lánh. Trong những lần bị vây ráp, họ sẵn sàng liều mình bằng nhiều cách để thoát thân. Người thì chui vào hầm nhà xí, người thì chui vào thùng hóa chất, người thì ngủ ngoài trời giữa đêm đông... Thậm chí có người còn nhảy lầu thiệt mạng.

Chị Nguyễn Thu Hiền, một lao động ở Pocheon, tâm sự: “Sống đời bất hợp pháp khổ lắm, đi đâu cũng mắt trước mắt sau như là ăn trộm. Đêm ngủ không yên giấc, cứ nghe rục rịch là ba chân bốn cẳng lao ra đồng chạy như ma đuổi...”. Trong một đợt truy bắt gần đây ở thành phố Pocheon, anh Nguyễn Quốc Toản, chồng chị, đã không thoát kịp, bị bắt ngay tại xưởng. Anh qua Hàn từ năm 1999, chị qua Hàn năm 2003, cả hai đều hết hợp đồng nhưng trốn ở lại sống đời bất hợp pháp cho đến nay.

Từ ngày anh Toản bị bắt, “tổ ấm” của họ là chiếc container nằm trơ trọi cạnh một nhà xưởng trông càng vắng lạnh hơn. Dù phải sống trong điều kiện không có toilet riêng, không có đường ống dẫn nước vào nhà, nhưng bù lại chị không phải trả tiền thuê nhà. Để có tiền nuôi con, hằng ngày chị nhận hàng về rồi khóa trái container lại để gia công. Chị tâm sự: “Tôi với anh là người cùng quê ở Ứng Hòa, Hà Tây (cũ), lại cùng cảnh ngộ nên “góp gạo thổi cơm chung”. Từ khi có bé Hương Giang ra đời, tôi phải ở nhà, mọi chi tiêu sinh hoạt đều dựa hết vào lương anh Toản. Bây giờ anh bị bắt, tui cũng không biết phải xoay xở sao đây...?”.

Chồng bị giam đã mấy tháng nay để chờ ngày trục xuất nhưng chị cũng chẳng dám đi thăm vì sợ bị bắt. Ngày chúng tôi đến cũng là ngày chị đang gói ghém đồ đạc cho đứa con gái mới 2 tuổi để làm thủ tục gửi về cùng cha trong chuyến bay trục xuất. Nhìn đứa con còn thơ dại mà chị không nén được nỗi xúc động: “Biết xa con thì nhớ lắm nhưng cũng đành phải gửi nó về quê theo cha thôi, chứ ở đây một mình tôi sống đã khó rồi, huống gì đèo bồng thêm con nhỏ? Chồng đã về với hai bàn tay trắng, tui phải liều ở lại vài năm nữa kiếm ít vốn liếng để sau này còn lo cho tương lai”.

Lòng người ở lại

Anh Trần Văn Phòng, ở thành phố Incheon, kể ngày anh chuẩn bị về Việt Nam khi hết hạn hợp đồng thì nhận được tin mẹ bị ung thư giai đoạn cuối. “Chỉ có làm ở bên đây mới kiếm đủ tiền để chữa trị cho má. Dù có thương cũng ráng để trong lòng, chỉ mong má sống tới ngày tôi về...” - anh Phòng nghẹn ngào.

Thấm thoắt mà anh Phòng đã sống năm năm bất hợp pháp nơi xứ người. Khi chúng tôi mang những thước phim của “thằng út Phòng” về cho má anh ở Tây Ninh, người mẹ quê đã không kìm được nước mắt, khóc òa: “Cứ 21 ngày là tui phải vô viện một lần. Mỗi lần như thế tiền khám, tiền thuốc mất hơn 5 triệu đồng, không nhờ thằng út Phòng thì chắc tui chết lâu rồi. Khi ba nó chết, thấy gia đình khổ quá nó mới xin đi để lo cho tương lai. Ai dè tới tôi bệnh. Nghe con nói mà đứt ruột, không biết mình có sống để chờ nó được không...?”.

Anh Võ Trọng Kiên là một lao động bất hợp pháp “kỳ cựu” nhất. Anh qua Hàn theo diện tu nghiệp sinh từ năm 1997 nhưng được vài tháng anh bỏ ra ngoài sống bất hợp pháp cho tới nay. Kinh qua nhiều nghề, lang thang qua nhiều thành phố trên đất Hàn, cuối cùng anh ở lại thành phố Pocheon và lấy nghề hàn để mưu sinh.

Anh chia sẻ: “Hồi mới qua chưa có kinh nghiệm, lại nghe bạn bè rủ rê nên mới bỏ ra ngoài sống đời bất hợp pháp. Chứ nếu biết được từ đầu thì chẳng bao giờ mình chọn cách này. Vì cuộc sống của những lao động bất hợp pháp bên này nhiều thiệt thòi lắm. Đi làm thì dễ bị chủ xưởng nợ hay quỵt lương, gặp tai nạn lao động thì chẳng được bảo hiểm. Lương của lao động bất hợp pháp thường thấp hơn lao động hợp pháp, lại hay bị giới chủ hoạnh họe. Nhiều lần mình cũng tính về nhưng do đi lâu quá rồi, về cũng chẳng biết làm gì, khó hòa nhập cuộc sống ở quê nhà nên cứ chần chừ mãi. Đã bước qua tuổi 40 rồi, ngại thay đổi lắm... Vì bát cơm manh áo mới liều ở lại cả thôi, chứ ai nào có muốn sống một cuộc đời lẩn trốn, chui rúc bao giờ...?”.

Điều đặc biệt tuy là một lao động bất hợp pháp nhưng anh Kiên lại được giới báo chí địa phương ở Pocheon đặc biệt quan tâm như một nhân vật tiêu biểu. Bởi anh là một trong những lao động Việt Nam hiếm hoi trên đất Hàn tự soạn thảo và bỏ tiền in ấn cuốn từ điển thông dụng cho những lao động Việt mới chập chững qua Hàn.

Suốt 5-6 năm trời, hằng đêm anh tình nguyện đứng lớp dạy tiếng Hàn cho lao động và cô dâu Việt tại địa phương. Không biết từ bao giờ anh đã trở thành “tổng đài” trợ giúp cho rất nhiều lao động Việt đang gặp khó khăn. Khi thì phiên dịch, lúc đi xin việc làm, lúc lại đấu tranh đòi tiền lương cho anh chị em lao động người Việt. Cũng vì sợi dây tình cảm này mà anh Kiên chưa đành đoạn dứt áo về nước...

Tuy nhiên, không phải lao động bất hợp pháp nào cũng có ý thức cộng đồng như thế. Một thực tế đau lòng là tỉ lệ phạm tội trong giới lao động bất hợp pháp khá cao, gây nhiều điều tiếng không tốt cho cộng đồng Việt trên đất Hàn.

Chị Trà Thị Nên, một người sống tại Hàn đã 20 năm nay ở thành phố Ansan, tâm sự: “Nhìn chung, các lao động bất hợp pháp thường không có công việc ổn định, vì thế sinh ra rượu chè, cờ bạc. Từ đó, nhiều người đã vướng vào con đường phạm pháp... Đây là điều đáng lo ngại vì làm xấu hình ảnh người Việt trong mắt người bản xứ. Có nhiều nguyên nhân để trở thành lao động bất hợp pháp, nhưng một nguyên nhân rất quan trọng là những quy định chưa thực tế từ cả hai phía. Giá như chính phủ hai nước quy định, tạo điều kiện sớm hơn cho những ai từng làm việc tại Hàn Quốc được phép gia hạn hợp đồng sau khi hết hạn thì sẽ giảm được tình trạng bất hợp pháp như hiện nay...”.

Năm 2011 có khoảng 10.000 lao động Việt Nam hết hạn làm việc tại Hàn Quốc phải về nước. Tuy nhiên, một số lao động Việt Nam đã bỏ trốn và ở lại Hàn Quốc làm việc bất hợp pháp. Việc làm này gây tổn hại cho công tác tuyển dụng và xuất khẩu lao động qua Hàn Quốc khi thị trường đã bị tạm dừng, kế hoạch tuyển dụng trong năm 2011 không được nước bạn thực thi. Hàng ngàn lao động Việt Nam sẽ mất cơ hội qua Hàn Quốc làm việc...

____________________

Đi lao động nước ngoài mà phải ăn mì gói trừ bữa, có lẽ điều này ít ai tin. Nhưng vợ chồng anh Xuân - chị Tuyết đã phải trải qua những ngày khó khăn như vậy...

Kỳ tới: Lặn lội vì con

 THẾ ANH - THI NGÔN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên