28/09/2011 07:11 GMT+7

Muôn nẻo mưu sinh xứ Hàn - Kỳ 4: Nghề nông ở đất Hàn

THẾ ANH - THI NGÔN
THẾ ANH - THI NGÔN

TT - Gyeonggi là tỉnh giáp ranh với Seoul, nơi có 70% diện tích là đồi núi, đất canh tác chỉ chiếm khoảng 18,5% nhưng lại là vùng cung ứng một khối lượng lớn sản phẩm nông nghiệp cho người dân thủ đô Seoul.

Kỳ 1: Nơi miền gió tuyết Kỳ 2: Nỗi đau đời thợ Kỳ 3: Rủi ro nghề biển

9pA8Zefe.jpgPhóng to

“Nông dân” Việt thu hoạch rau tại trang trại Kasan, TP Pocheon - Ảnh: Thi Ngôn

Chỉ cần bước ra khỏi TP Pocheon, người ta có thể bắt gặp những dãy nhà kính trồng rau dài tít tắp được phủ một màu trắng của tuyết, người Hàn gọi đó là “hau sừ”.

Ngày “hau sừ”, đêm “container”

Phần lớn người trẻ ở Hàn ít làm trong lĩnh vực nông nghiệp, nên nhân công chủ yếu ở đây là lao động nước ngoài, trong đó có khá nhiều người Việt. Với những người Việt theo nghề nông ở Hàn, quanh năm họ chỉ biết trồng trọt ở các “hau sừ”, tối về ngủ trong những căn nhà bằng container dựng tạm hiu quạnh giữa đồng...

Trời đang là giữa đông, chúng tôi tìm đến nông trang Kasan, một trong những nông trang lớn ở Pocheon, chuyên trồng cải, xà lách và rau diếp... Tại đây có 11 lao động nước ngoài, trong đó có đến sáu người Việt và một số người đến từ Campuchia, Trung Quốc...

Mới 6g sáng, Pocheon còn chìm trong âm u của gió tuyết, từ dãy nhà container, đoàn người đã lục tục khăn áo chuẩn bị cho ngày mới. Nơi họ làm việc cách chỗ ở đến 30km, phương tiện di chuyển là chiếc xe cũ kỹ dùng để chở nông sản.

Đến “hau sừ” trời vẫn còn tối, tuyết rơi mịt trời, nhiệt độ bên ngoài xuống đến -17 độ C. Trên mái và vách làm bằng nilông của “hau sừ” phủ một lớp băng dày làm nhiệt độ bên trong càng thêm giá rét. Từ cái miệng đỏ rực của chiếc lò sưởi, môt làn hơi khô nóng phà ra kèm theo tiếng ù ù ầm tai. Máy chạy được một lúc phải tắt vì thán khí, hơi lạnh từ ngoài lại ùa vào...

Các nam lao động đảm trách những công việc nặng nhọc nhất của nghề nông là cày xới, bón phân, vận chuyển, tưới nước... Sau một đêm giá rét, sáng ra một đường ống đã bị vỡ do nước đóng băng. Họ phải dùng lửa để hơ nóng ống nước rồi mới thay được đoạn ống bị vỡ. Cùng lúc, các nữ công nhân lao vào thu hoạch, phân loại, đóng gói rau củ. Mặc cho gió rét, họ vẫn thoăn thoắt bó từng bó rau rồi lâu lâu đưa tay lên miệng thổi cho đỡ cóng.

Vật lộn với việc sửa chữa, cày xới, thu hoạch..., bữa trưa của họ diễn ra vội vã trên nền đất giá lạnh. Đồ ăn chỉ đơn giản là cơm trắng, đĩa kim chi và một ít cá khô.

Thấy chúng tôi có vẻ khó nuốt, chị Nguyễn Thị Cúc, quê ở Thái Bình, cười thông cảm: “Ngày đầu tôi mới qua cũng thế, không tài nào nuốt nổi. Nhưng lâu rồi quen, không ăn thì lấy sức đâu mà chống chọi với rét. Ở đây chủ lo ăn ngày hai bữa thì chỉ có vậy thôi, tối về anh em mới cải thiện thêm”.

Nói là cải thiện nhưng thật ra họ cũng chỉ dám ra chợ mua ít nội tạng heo gà, loại thực phẩm rẻ ở Hàn, để dùng...

Đắng cay nghề chăn nuôi

Tưởng rằng nghề trồng trọt đã vất vả, ai ngờ vẫn chưa thấm vào đâu so với những lao động Việt phải làm trong những trang trại chăn nuôi, đặc biệt là với những người làm trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Ở đó, cường độ làm việc, điều kiện sống mới thật sự là một thử thách khó vượt qua đối với những người con xa xứ...

Phần lớn lao động Việt làm trong ngành nuôi trồng thủy sản tập trung chủ yếu ở những tỉnh phía nam của Hàn Quốc như Busan, Masan... Nhờ một người Hàn có uy tín giới thiệu, chúng tôi mới được phép đến thăm một công ty nuôi trồng - chế biến thủy hải sản tại một thị trấn nhỏ thuộc TP Masan, tỉnh Gyeongsang, cách Busan khoảng 65km về phía tây.

Ở nơi này chỉ có hai lao động nước ngoài là người VN đang làm việc trong một công ty gia đình chuyên nuôi vẹm xanh trên biển.

Anh Lê Xuân Nam, quê Nam Định, qua Hàn lao động theo ngành thủy sản đã hơn hai năm, tâm sự: “Hồi mới qua tôi làm việc cho công ty chuyên nuôi hàu, ở đó chỉ có mình tôi là người VN, buồn lắm! Công việc đã vất vả, lại chẳng có ai để bầu bạn nên tôi mới xin chuyển chỗ làm. Dù về đây công việc cũng vất vả như trước nhưng bù lại có được người đồng hương để trò chuyện, nương tựa mỗi khi ốm đau”.

Người đồng hương mà Nam nhắc tới đó là Ngô Đức Soái, quê Hải Dương. Khi chúng tôi đến cũng là lúc Soái đang bị bệnh nằm ở nhà. So với Nam, con đường sang Hàn của Soái gian nan và nhiều sóng gió hơn.

Anh cho biết: “Cũng chọn ngành thủy sản nhưng không may tôi bị rơi vào một công ty nhỏ chuyên nghề đi biển đánh cá. Thời gian làm việc từ 2g sáng tới 7g tối ngày hôm sau. Sau ba tháng vừa làm vừa nỗ lực đấu tranh, tôi mới được chuyển xưởng với điều kiện phải đền cho ông chủ tàu hơn 1.300 USD”.

Tại đây, công việc thường ngày của Soái là làm việc trên tàu, suốt ngày ngoài biển khơi thu hoạch vẹm xanh. Còn Nam làm trong xưởng chế biến.

Do Soái bệnh nên Nam phải lên tàu làm thay cho bạn. Gọi là tàu nhưng thực chất đó chỉ là chiếc sà lan được thiết kế để thu hoạch vẹm xanh cách bờ chừng 4km. Trời tờ mờ sáng, sau khi ăn vội chén cơm, Nam cùng với ba người Hàn nữa xuống tàu ra khơi.

Mùa đông ở đây nhiệt độ xuống đến -15 độ, càng xa bờ gió càng thổi mạnh. Hơi nước từ hơi thở đóng thành tuyết, trắng cả chiếc khăn quàng cổ!

Nam vừa khom mình để chống lại những cơn gió lạnh vừa tâm sự: “Công việc trên tàu chủ yếu là dùng sức của đôi tay để thu hoạch và đóng gói vẹm xanh. Mỗi ngày phải đóng gói, khuân vác ít nhất 600 bao vẹm. Mỗi bao nặng khoảng 25kg. Ra biển luôn là phần việc khó khăn, nặng nhọc nhất trong nghề thủy sản. Không chỉ với những lao động VN mà cả với những lao động người Hàn, vốn đã quen với giá rét và sóng gió cũng phải kiêng sợ”.

Mãi đến 4g chiều, chiếc sà lan nặng trĩu vẹm xanh mới cập bến. Với những lao động người Hàn làm việc trên tàu, công việc coi như đã xong. Họ có thể ra về nghỉ ngơi với gia đình, bạn bè... Còn với Nam, công việc dường như chỉ mới bắt đầu. Nhiều công việc không tên khác đang chờ anh trong phân xưởng chế biến.

Ở phân xưởng này, Nam và Soái luôn là người về sau cùng sau mỗi ngày làm việc. Nam cười buồn: “Phận nhập cư thì phải chịu thiệt thôi. Làm việc nhiều hơn, lương lại thấp hơn người bản xứ đó là chuyện thường tình. Nhưng so với những anh em làm trong các trang trại chăn nuôi bò, heo hay những người phải ngâm mình dưới nước biển lạnh giá để lấy rong biển... thì họ còn khổ và vất vả hơn tụi tôi nhiều!”.

Chỉ tiêu tuyển dụng ngành nông nghiệp hiện khoảng 1.500 người/năm, nhưng chưa năm nào ngành này tuyển đủ hạn ngạch được phân bổ. Lý do chính là thời gian làm việc quá dài, thường là 12 giờ nhưng chỉ được hưởng lương cơ bản, không tính tiền ngoài giờ như ngành công nghiệp hay xây dựng.

Lương nữ “nông dân” vào khoảng 800 USD/tháng, nam khoảng 1.200 USD/tháng.

Đa số lao động VN đến Hàn đều không muốn làm trong ngành thủy sản, chăn nuôi. Trong số hồ sơ xin đi xuất khẩu lao động tồn đọng mỗi năm trên 10.000 người, chỉ có vài trăm người đăng ký vào ngành thủy sản, chiếm khoảng 2,7% hạn ngạch được phân bổ.

__________

Hiện Việt Nam có số lượng lao động làm việc tại Hàn Quốc đứng đầu trong 15 nước có lao động đến đây với khoảng 55.000-60.000 người. Tuy nhiên, tỉ lệ lao động bất hợp pháp cũng dẫn đầu các nước nói trên.

Kỳ tới: Những mảnh đời lưu lạc

THẾ ANH - THI NGÔN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên